Phát triển nguồn nhân lực cần đáp ứng yêu cầu của chuẩn quốc tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgay sau khi các dự thảo văn kiện được công bố, qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các tầng lớp nhân dân đã đề cập nhiều nội dung quan trọng về định hướng sắp tới trên các lĩnh vực: xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ...
|
Công dân Nguyễn Thị Thúy Hằng, 28 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: Với công cuộc cách mạng 4.0, vấn đề phát triển giáo dục, công nghệ, làm sao để tận dụng được các cơ hội của công nghệ số cho phát triển quốc gia, nhất là trong kỷ nguyên số và trong bối cảnh kinh tế số đang được đẩy mạnh tại Việt Nam.
Tôi trưởng thành trong môi trường giáo dục Việt Nam, với vấn đề GD&ĐT, tôi đặc biệt chú ý và nhận thấy như sau: Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào thì phát triển thế nào? Trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí “đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế”. Bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tôi nhận thấy là nhiều năm qua, chúng ta có khung ngoại ngữ 6 bậc, có bàn đến xếp hạng ĐH, có bàn đến tính quốc tế của các văn bằng chứng chỉ trong nước, nhưng ở thời điểm hiện tại, các văn bằng chứng chỉ của Việt Nam gần như chưa được chấp nhận nếu chúng tôi có nguyện vọng gửi hồ sơ học tập ở nước ngoài, và điều đó đồng nghĩa với việc, khi nhập vào thị trường lao động quốc tế, các chứng chỉ, các văn bằng đào tạo trong nước gần như không có mấy tác dụng để so sánh, chuyển đổi.
|
Vì vậy, tôi mong rằng trong văn kiện có bổ sung nêu rõ về việc đổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế song song với các hệ đào tạo, bằng cấp phải có tính quốc tế, được quốc tế công nhận. Việc này không có cách nào khác là các văn kiện nên có quy định về việc: Đến năm bao nhiêu, các ĐH của Việt Nam tham gia vào hệ thống đánh giá quốc tế nào, văn bằng có tính chất toàn cầu và khu vực ra sao.
Tôi được biết, các dự thảo văn kiện bao gồm: Dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. Đây là một khối lượng báo cáo công phu, giàu thực tiễn nhưng cũng có những định hướng rõ nét.
Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một sự kiện, một dấu mốc quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, mà văn kiện chính là "linh hồn" của Đại hội. Tôi hi vọng, những đóng góp nhỏ bé của mình sẽ giúp Ban văn kiện tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng là "lấy dân làm gốc," mọi chính sách phát triển đều "vì nhân dân"; đồng thời thể hiện trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết của nhân dân với Đảng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại