Thứ sáu 24/01/2025 00:31

Phòng dịch không thể triệt để khi “trên nóng, dưới lạnh”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp với chủng virus biến thể có tốc độ lây lan nhanh, mạnh chỉ trong vòng 1-2 ngày. Số ca mắc được ghi nhận liên tục gia tăng và số ổ dịch cũng tăng. Từ ngày 27-4 đến 6g ngày 10-5 đã có 411 ca ghi nhận trong nước. Tuy nhiên việc dập dịch sẽ trở nên khó khăn khi cộng đồng thờ ơ.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19, ngay từ khi ghi nhận trở lại ca nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân tại Hà Nam, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã họp thường xuyên, liên tục và kịp thời đưa ra những biện pháp ứng phó quyết liệt với các cảnh báo được nâng dần mức độ.

Đặc biệt là ngày 5-5, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 11 với nhiều nội dung, trong đó yêu cầu dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè. Đối với nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi…

Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, ở một số địa bàn việc thực hiện Chỉ thị 11 chưa được quan tâm; chưa thực sự sát sao, vẫn còn tình trạng người dân thờ ơ với dịch bệnh. Quán trà đá, quán ăn vỉa hè vẫn đông đúc, tấp nấp mà không thấy bóng dáng lực lượng chức năng. Mọi thứ diễn ra như chưa hề có dịch.

Tại ngõ 87 phố Phú Đô (thuộc tổ dân phố số 3 phường Phú Đô), quận Nam Từ Liêm, Hà Nội thì suốt những ngày gần đây cả dãy bán trà đá vỉa hè vẫn tấp nập đông đúc vào buổi chiều, tối. Đáng ngại là có rất nhiều người vô tư ngồi túm tụm, không đeo khẩu trang.

Phòng dịch không thể triệt để khi “trên nóng, dưới lạnh”
Hàng trà đá bán ở lòng đường ngõ 87 Phú Đô, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm vẫn tập nập (ảnh P.C)

Anh T, một hộ dân sống trong ngõ 87 không khỏi lo lắng cho biết: Tôi đọc báo, xem tin vi thấy Hà Nội cấm bán trà đà, thức ăn đường phố, cấm tụ tập mà ở đây tối nào mấy quán trà đá vẫn rất đông người tụ tập. Nếu chẳng may có ca lây nhiễm thì cả nhà tôi ở khu này cũng bị liên quan. Tôi mong chính quyền phường vào cuộc để chấm dứt tình trạng này nhằm phòng chống dịch hiệu quả.

Cũng trên địa bàn phường Phú Đô, một số quán bia hơi, mía đá vỉa hè (khu ao đình Phú Đô) vẫn kê bàn ghế ra sát đường bờ ao để buôn bán, kinh doanh. Và thực khách thì vẫn ngồi lai rai, hàn huyên quên hết nguy cơ dịch bệnh rình rập xung quanh.

Đáng chú ý, sáng 10-5, tại chợ Phú Đô, ngay cả cán bộ dân phòng lại vô tư ngồi tháo khẩu trang, uống trà đá nói chuyện với nhau.

Phòng dịch không thể triệt để khi “trên nóng, dưới lạnh”
Nhiều người vẫn giữ thói quen ra ngồi hóng gió mà không quan tâm đến lệnh cấm (ảnh P.C)

Chị H, một người dân trên địa bàn phường Phú Đô lo lắng: Nhìn mọi người đi chợ vẫn xúm vào mua bán, không thực hiện giãn cách mà tôi thấy lo quá. Đến cán bộ dân phòng còn vi phạm thì làm sao có thể nhắc được người dân?.

Việc tồn tại những cửa hàng trà đá, quán bia hơi với lượng người tụ tập đông đúc như vậy lẽ nào lãnh đạo UBND phường Phú Đô không nắm được? Mong rằng tình trạng này nhanh chóng được chấm dứt để việc thực hiện các chỉ đạo của UBND TP, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP được triệt để, mang lại hiệu quả cao.

Tình trạng trên cũng diễn ra tại một quán cháo lòng ở ngõ 84 Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Ngay sáng 10-5 vẫn có những người đàn ông ngồi ăn uống, chuyện trò rôm rả. Ở chợ người bán hàng đeo khẩu trang nhưng khi tính tiền cho khách lại bỏ khẩu trang ra để nói. Tình hình này rất nguy hiểm-chị D bày tỏ.

Phòng dịch Covid-19 là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, người dân ngoài việc tự nâng cao nhận thức, ý thức cho mình cũng cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, kiểm tra và xử phạt những vi phạm phòng dịch. Trong trường hợp cụ thể này là việc thực hiện 5K của Bộ Y tế; thực hiện chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Bài học kinh nghiệm phòng dịch của Việt Nam trong các giai đoạn vừa qua là sự vào cuộc, chung sức của toàn bộ hệ thống chính quyền và người dân. Vì vậy, ở đợt dịch lần này với tính chất nguy hiểm, mức độ lây nhiễm nhanh đòi hỏi chính quyền các cấp phải vào cuộc tích cực để ngăn chặn nguy cơ bùng phát, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Muốn phòng dịch triệt để, không thể có chuyện cấp trên chỉ đạo quyết liệt mà các cấp dưới lại thờ ơ. Tình trạng, “trên nóng, dưới lạnh” sẽ khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh càng thêm hiện hữu.

Chủng virus mới lây lan nhanh chỉ trong 1-2 ngày

TS. Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế cho biết: Tình hình dịch tại nhiều nước “nóng”, tình hình lây nhiễm nhanh, khó kiểm soát. Chủng virus mới lây rất nhanh, thời gian chỉ trong vòng 1-2 ngày. Dịch bệnh lây từ những chỗ nguy cơ cao, phòng kín-tụ tập đông người như bệnh viện, quán bar…

Kết quả giải mã gene các bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam trong những ngày vừa qua cho thấy đa số bệnh nhân mang chủng biến thể virus của Anh, Ấn Độ. Đây đều là những chủng có tốc độ lây lan nhanh, có khả năng khiến bệnh nặng lên. Thực tế đã chứng minh trong khoảng 1 tuần trở lại đây số ca nhiễm trong nước tại Việt Nam luôn ở mức cao. Riêng buổi sáng và trưa 10-5 đã có tới 109 ca lây nhiễm trong nước…

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động