Quan tâm "gỡ khó" cho người lao động bị mất việc trở về địa phương
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToàn cảnh Kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII. Ảnh: BTH |
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) không đạt như kỳ vọng; tình hình việc làm, quan hệ lao động tuy chưa nảy sinh vấn đề phức tạp nhưng đã tác động đến đời sống của nhiều NLĐ. Thanh Hóa hiện có 16.200 DN đang hoạt động, số lao động làm việc tại DN là trên 340.000 người. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 1.500 DN, 60.000 hộ kinh doanh phải tạm dừng hoặc dừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của khoảng 194.000 lao động.
Chiều 10-12, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn là giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho NLĐ, nhất là lao động mất việc làm trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- chủ tọa kỳ họp (ảnh BTH) |
Chủ tọa kỳ họp, Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó nhiều NLĐ bị giãn việc, mất việc làm. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 330.000 lao động làm việc ngoại tỉnh. Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đời sống của hàng chục triệu lao động đã bị ảnh hưởng, dẫn đến một làn sóng dịch chuyển lao động tự phát từ các vùng kinh tế trọng điểm về quê.
Trước tình hình trên, ngay từ sớm Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã có chỉ đạo và nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho NLĐ trở về địa phương. HĐND tỉnh yêu cầu các ban, sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ, nhất là bố trí nguồn vốn, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh, bảo đảm chính sách hỗ trợ được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, tạo điều kiện để NLĐ, người sử dụng lao động từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục sản xuất.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng và tăng độ bao phủ vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh, ưu tiên tiêm vắc-xin cho NLĐ làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu, lao động đi làm việc ở nước ngoài, lao động trở về từ vùng dịch… để duy trì sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các DN đầu tư về nông thôn, miền núi, thực hiện tốt đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NLĐ tại địa phương cũng như NLĐ trở về địa phương sau khi hoàn thành xong việc cách ly. Sở LĐTBXH tăng cường kết nối cung - cầu thông qua các sàn giao dịch việc làm; cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn tỉnh để các địa phương và NLĐ tiếp cận, tập trung vào những DN lớn có nhu cầu tuyển dụng nhiều. UBND các huyện, thị, thành phố hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ địa phương xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và được tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ cây, con, giống để phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ.
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN về địa phương tuyển chọn lao động đưa đi làm việc trong tỉnh, trong nước và sang các thị trường nước ngoài. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi sơn và Các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở LĐTBXH vận động DN, nhà đầu tư ưu tiên tuyển dụng NLĐ Thanh Hoá trở về từ vùng dịch. Hiệp hội DN tỉnh theo dõi, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các DN thành viên, phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh cung ứng lao động cho DN.
Đào tạo, trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Thanh Hóa trên thị trường. Tạo điều kiện thuận lợi để các DN, nhà đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đồng bộ, hiện đại, đào tạo lao động phù hợp với sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, để có thể tìm kiếm được việc làm ổn định trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, NLĐ cần phải trang bị cho mình các kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, tuân thủ kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm lao động. Từng bước nâng cao năng lực ứng dụng tin học, phấn đấu có biết ngoại ngữ để tự tạo việc làm cho mình trên cơ sở sự giúp đỡ của Nhà nước
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại