Thứ hai 03/02/2025 17:46

Quyền không phân biệt đối xử theo Công ước quốc tế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tất cả mọi người sống trong lãnh thổ và thuộc thẩm quyền quốc gia, không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.  

Quyền này được quy định tại Khoản 1 Điều 2, Điều 3 và Điều 26 của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị 1966. Đây là một nguyên tắc bao trùm, đòi hỏi bảo đảm khi thực hiện các quyền con người.

Theo đó, Công ước yêu cầu các bên tham gia ký kết thực hiện các bước cần thiết để hiện thực hóa các quyền được công nhận trong Công ước, đồng thời trừng phạt và sửa chữa bất kỳ vi phạm nào trong quá khứ và hiện tại.

Các bên tham gia phải cam kết tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền được thừa nhận trong Công ước cho “tất cả mọi người sống trong lãnh thổ và thuộc thẩm quyền quốc gia, không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác”, đồng thời ghi nhận nam, nữ được hưởng các quyền về dân sự và chính trị nêu trong Công ước một cách bình đẳng.

Những quyền này “chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp khẩn cấp đe dọa đến sự tồn vong của một quốc gia”, và ngay cả trong trường hợp đó cũng không tha thứ bất kỳ hành vi nào xâm phạm các quyền được sống, quyền không bị tra tấn và bị bắt làm nô lệ, quyền miễn trừ hồi tố, quyền được giữ nguyên chính kiến, quyền tự do tư tưởng - lương tâm và tôn giáo.

Theo đó, không phân biệt đối xử, bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất cứ sự phân biệt nào là quy định tạo nên cơ sở và nguyên tắc chung trong việc bảo vệ quyền con người.

Khoản 1 Điều 2 của Công ước yêu cầu các quốc gia phải tôn trọng và bảo đảm cho tất cả mọi người trong lãnh thổ và phạm vi tài phán của mình các quyền đã công nhận trong Công ước mà không có bất cứ sự phân biệt nào như về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, quốc tịch hay thành phần xã hội, tài sản, nguồn gốc hay các yếu tố khác.

Điều 26 không chỉ cho phép tất cả mọi người được bình đẳng trước pháp luật cũng như được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà còn nghiêm cấm bất cứ sự phân biệt đối xử nào theo luật và bảo đảm cho tất cả mọi người được bảo vệ một cách hiệu quả chống lại mọi sự phân biệt dựa trên bất cứ hình thức nào.

Ngoài ra, Uỷ ban Nhân quyền cho rằng thuật ngữ “sự phân biệt”, như đã sử dụng trong Công ước, được hiểu là bao hàm bất cứ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hay thiên vị nào trên bất cứ lĩnh vực nào như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo chính trị hay quan điểm khác, quốc tịch hay thành phần xã hội, tài sản, nguồn gốc hay các vị thế khác mà có mục đích hoặc ảnh hưởng vô hiệu hóa hoặc làm suy giảm sự thừa nhận, sự hưởng thụ hay áp dụng các quyền và tự do cho tất cả mọi người trên cơ sở bình đẳng.

Kỳ Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động