Thứ năm 23/01/2025 20:26

Ra mắt sách “Từ Việt Bắc về Hà Nội”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ vừa ra mắt nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ra mắt sách “Từ Việt Bắc về Hà Nội”
Tập 3 trong bộ tiểu thuyết 5 tập “Nước non vạn dặm” của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: NXB

Bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, theo nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, sẽ có 5 tập, tập 3 vừa ra mắt bạn đọc, khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 5 giai đoạn quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.

Trước đó, nhà văn đã cho ra mắt 2 tập đầu. Tập 1 có tên “Nợ nước non” (2022), khắc họa hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành lớn lên cùng lời ru đau đáu của bà, của mẹ thuở lọt lòng: “Con ơi nhớ lấy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền”. Hơn 5 tuổi, Cung cùng cha mẹ và anh Khiêm phải xa bà ngoại, xa chị Thanh vào kinh đô Huế, ở đó gần 6 năm (1895 - 1901); sau khi bà Hoàng Thị Loan qua đời ở độ tuổi 33 trong căn nhà trọ chật hẹp ở Huế, ba cha con ông Nguyễn Sinh Sắc quay trở lại Nam Đàn, Nghệ An. Chuyến đi vào Huế lần thứ hai (1906 - 1909), tiếp đó là cuộc hành trình đi về phương Nam của hai cha con Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành. Họ có cuộc gặp và chia tay tủi buồn, xa xót ở đất Bình Khê, Bình Định với lời dặn của cha “Nước mất thì nhà đâu còn…nước mất thì phải lo tìm nước, đừng mất công tìm cha” (tập 1, tr180, 181, NNN). Nguyễn Tất Thành vào trường Dục Thanh, Phan Thiết làm thầy giáo một thời gian ngắn rồi vào Sài Gòn để ngày 5/6/1911, rời thương cảng Sài Gòn vượt trùng khơi tìm đường cứu nước.

Tập 2 có tên gọi “Lênh đênh bốn biển” (2023) khắc họa hình tượng Nguyễn Tất Thành, trong tên mới Nguyễn Văn Ba, xuống con tàu biển mang tên Đô đốc Latouche Tresville sang phương Tây, như sau này Người kể lại “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”. Ở Pháp, Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và một số người yêu nước gốc Việt gửi “Yêu sách của Nhân dân An Nam” đến Hội nghị Versaille (1919); Ngày 29/12/1920, cùng với đa số tuyệt đối đại biểu tham dự Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III, và Người là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1922, Người sáng lập báo “Người cùng khổ” (Le Paria), ngay bài viết cho số đầu tiên, Người khẳng định sứ mệnh tờ báo là “giải phóng con người”.

Đi trọn 30 năm từ Đông sang Tây, từ Tây về Đông qua Pháp, Anh, Mỹ, châu Phi, châu Úc, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan…để có sự kiện ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng, Hồng Kông, Trung Quốc, Người đại diện cho Quốc tế Cộng sản triệu tập Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản trong nước thành một chính đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng... do chính Người soạn thảo, đưa cách mạng Việt Nam bước vào trang sử mới. Ngày 28/1/1941, Người có chuyến trở về Tổ quốc như một mốc son chói lọi.

Tập 3 “Từ Việt Bắc về Hà Nội” (2024), khắc họa hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ đầu năm 1941 đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Chiều 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khoảng thời gian 5 năm đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa cách mạng ở địa đầu Tổ quốc “Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê Nin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà”.

Ra mắt sách “Từ Việt Bắc về Hà Nội”
3 tập đầu của bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”. Ảnh: NXB

Cũng giống như ở hai tập đầu của bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ vẫn nhất quán với lối tự sự biên niên sử, chủ động tạo cho mạch truyện trôi theo trật tự thời gian tuyến tính. Người kể chuyện nêu lại những biến cố, những sự kiện quan trọng đã thực sự xảy ra; những con người có thật hay hư cấu xoay quanh nhân vật trung tâm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhưng tác giả luôn tỉnh táo để không sa vào “bẫy lịch sử”; luôn đứng vững trên địa hạt sáng tạo của văn chương để soi rọi, phản ánh chiều sâu bên trong của nhân vật, nhất là tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, suy nghĩ, tài năng, phẩm cách của nhân vật trung tâm.

Bối cảnh hiện thực đời sống của tập 3 diễn ra từ 1941 đến 1945, tình hình cách mạng Việt Nam tuy âm thầm bề ngoài nhưng sôi sục bên trong để chờ thời cơ bùng lên cơn bão táp lớn; tình hình của nước láng giềng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, của chính quyền Quốc dân; các nhân vật quan trọng của Liên Xô, của Mỹ hiện diện ở Trung Quốc; diễn biến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2; gương mặt bạc nhược của một số chính khách của Việt Quốc, Việt Cách, Việt Nam Phục quốc quân…đang lưu vong ở Trung Quốc…

Người đọc có thêm những bất ngờ thú vị khi biết thêm về những hoạt động phong phú, tầm nhìn chiến lược, sắc sảo của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi Người hoạt động ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên; những chuyến qua lại biên giới Việt - Trung như con thoi của Người để móc nối liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nắm tình hình của chính phủ Quốc dân; việc Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam giữ hơn một năm, đày ải qua hàng chục nhà lao lớn nhỏ; hoàn cảnh ra đời của các bài thơ trong “Nhật ký trong tù”; tấm lòng quý mến của những người dân Trung Quốc với Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người; Người trở về nước, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945...

Nếu tập 4 và tập 5 của “Nước non vạn dặm” được hoàn thành đúng như dự kiến của tác giả (tập 4 sẽ ra mắt trước ngày 2/9/2024) và tập 5 ra mắt trước ngày 19/5/2025), thì đây là bộ tiểu thuyết đầu tiên của văn học đương đại Việt Nam phản ánh đầy đủ, sâu sắc và sinh động về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là hình tượng Hồ Chí Minh, con người Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho biết, cùng với bộ tiểu thuyết 5 tập, có 5 vở sân khấu cùng tên song hành, đã và sẽ ra mắt công chúng cả nước, trong đó vở “Nợ nước non” do TS.NSND Triệu Trung Kiên làm đạo diễn đã ra mắt, phục vụ công chúng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Thận, Bình Thuận, Long An, Đồng Nai, Bình Phước và một số địa phương khác.

Khai mạc diễn đàn Khai mạc diễn đàn "Luật học và Phát triển" năm 2024
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động