Sân khấu truyền thống Thủ đô “xê dịch” với việc đổi mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTháng 12 này, khán giả Thủ đô sẽ được trở lại sân khấu kịch trong vở diễn “Hà thành chính khí” của Nhà hát Kịch Hà Nội. Lấy bối cảnh lịch sử những năm 1880, khi giặc Pháp chiếm được Nam Kỳ, nhưng vẫn đem quân nhăm nhe các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là thành Hà Nội. Lúc bấy giờ trấn giữ tỉnh Hà Ninh là Tổng đốc Hoàng Diệu.
Vở diễn đã khắc họa hình ảnh vị quan Tổng đốc Hoàng Diệu không chỉ văn võ song toàn, chính trực liêm minh, một lòng vì nước vì dân, mà còn trung kiên, bất khuất, quyết tử để bảo vệ thành Hà Nội, thà chọn lấy cái chết chứ không chịu luồn cúi, chịu nhục trước quân thù.
Ngày nay, ở Ô quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu (Hà Nội) còn áp ở mặt tường cổng ra vào một phần tấm bia Lệnh cấm trừ tệ được niêm yết năm 1881 của Tổng đốc Hoàng Diệu và Tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng nhằm ngăn chặn các tệ nhũng nhiễu đối với nhân dân trong các dịp ma chay, cưới xin cũng như nạn vòi tiền, cướp bóc trên sông và ở các chợ,..
Vở kịch “Hà thành chính khí” lần đầu tiên đưa sân khấu quay vào dàn dựng thu hút người thưởng thức. Ảnh: Nhà hát Kịch Hà Nội |
GĐ Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trung Hiếu cho biết, “Hà thành chính khí” không chỉ là tác phẩm tái hiện một phần lịch sử, đây là tác phẩm đầu tiên khai thác sân khấu quay của Nhà hát Kịch Hà Nội. Năm 2019 Nhà hát Kịch Hà Nội tiến hành tu sửa cơ sở hạ tầng và lắp đặt sân khấu quay. Có thể nói, tính đến thời điểm này, sân khấu tại rạp Công nhân (42 Tràng Tiền) là sân khấu quay hiện đại duy nhất tại miền Bắc. Không chỉ được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp mà hệ thống quay của sân khấu hiện đại, với sự chuyển động tinh tế, hợp lý của sân khấu đã đưa đến cho khán giả những bối cảnh được thay đổi liên tục, vừa đẹp mắt vừa tạo hiệu ứng bất ngờ.
Trong vở kịch, NSND Trung Hiếu đã đưa hơi thở mới vào vở kịch lịch sử, đan xen ca trù lẫn những điệu múa đương đại. Các nhân vật được “chọn mặt gửi vàng” gồm: NSND Công Lý (vai Tôn Thất Bá), NSƯT Quang Thắng (vai Henri Riviere); NSƯT Thu Hạnh (Khuê Thị); nghệ sĩ Tiến Lộc (vai Hoàng Diệu), nghệ sĩ Thúy An (Lê Thị); nghệ sĩ Thiện Tùng (Hoàng Hữu Xứng)… Trong diễn xuất, Tiến Lộc đã làm tròn vai Tổng đốc Hoàng Diệu, các nhân vật phản diện do NSND Công Lý và NSƯT Quang Thắng mang đến màu sắc mới cho vai diễn, sự ăn ý trong diễn xuất đã tạo cảm xúc lớn cho người xem. NSND Hoàng Dũng, nguyên GĐ Nhà hát Kịch Hà Nội đánh giá cao vở diễn “Hà Thành chính khí” do NSND Trung Hiếu dàn dựng. Tác phẩm bi tráng, đẹp, tạo được khí chất của vị Tổng đốc Hoàng Diệu và là bản diễn tốt nhất cho tới thời điểm này.
Vở diễn “Hà thành chính khí” quy tụ hơn 100 nghệ sĩ diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội, Trung tâm múa đương đại vũ đoàn Thăng Long, Nhà hát xiếc và tạp kỹ Hà Nội... Vở diễn là công trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội (1959-2019) và nhân dịp đại lễ chào mừng 1010 năm Thăng Long Hà Nội (2020).
“Việc Nhà hát lựa chọn “Hà thành chính khí” để mở màn sân khấu quay hiện nay nhằm khéo khán giả trẻ đến với những vở diễn lịch sử. Lịch sử đã không còn khô khan và khó tiếp cận. Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều khán giả yêu quý và đến với sân khấu kịch nói và Nhà hát Kịch Hà Nội”, NSND Trung Hiếu khẳng định.
Nhằm đáp ứng sự đổi mới, các sâu khấu Thủ đô cũng tìm tòi hướng đi mới, sáng tạo. Nổi bật là Nhà hát Tuổi trẻ. Trong những năm qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã có nhiều sự đổi mới bằng các vở kịch. Nhà hát đã và đang dựng 4 vở của anh Lưu Quang Vũ và phả hơi thở thời đại trong từng tác phẩm, được diễn vào tất cả các tối chủ nhật hàng tuần tại rạp Tuổi trẻ. Món ăn tinh thần được thay đổi thực đơn liên tục, từ các chương trình hài kịch, chính kịch đến chương trình ca vũ nhạc Chào Xuân, chương trình thiếu nhi, Tết Trung thu,... Vừa tìm đường, vừa thử nghiệm, Nhà hát Tuổi trẻ đã xây dựng nhiều chương trình mới với mong muốn hiểu được thị hiếu của khán giả hiện đại. Nhà hát xây dựng chương trình “100 năm âm nhạc Việt Nam”, thực hiện 24 đêm diễn với các nhạc phẩm của các nhạc sĩ Lam Phương, Phạm Duy, Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn...
Nếu “hài kịch” là thế mạnh của Nhà hát Tuổi trẻ thì các vở diễn kinh điển là thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam. Chọn lối đi riêng trong việc xây dựng các vở kịch chất lượng cao. Gần đây, Nhà hát Kịch Việt Nam đã cho “ra lò” 2 tác phẩm là “Kiều” và “Hồng Lâu Mộng”. Vở “Kiều” được làm mới với sự thể nghiệm táo bạo khi kết hợp hát, múa, đọc thơ và những động tác hình thể. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Nhà hát Kịch Việt Nam đã hợp tác với đạo diễn Chua Soo Pong chuyển thể “Hồng Lâu Mộng” trên sân khấu Thủ đô.
Bằng những nỗ lực từ các tác phẩm có đủ lượng và chất, sắp tới đây, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ trình làng tác phẩm bom tấn “Người mẹ trước vành móng ngựa” được dựng lại của đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Bên cạnh hoạt động đổi mới các vở diễn, mới đây, Nhà hát kịch Việt Nam tổ chức thành công chương trình giới thiệu những bộ phim hoạt hình từ cuốn sách của anh em nhà CaPek cùng Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam và dịch giả Phạm Công Tú do chính NSƯT Xuân Bắc, Phó GĐ Nhà hát Kịch Việt Nam kể cho các bạn nhỏ. Ngài Đại sứ và các nhân viên Sứ quán đã rất vui mừng vì sự thành công của chương trình và bắt đầu có kế hoạch cho sự phối hợp với Nhà hát Kịch Việt Nam thời gian tới trong các chương trình mang tính giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia một cách sâu rộng hơn.
Đổi mới chất và lượng, các Nhà hát Thủ đô đã mang đến bữa tiệc văn hóa cho khán giả Thủ đô vào mỗi buổi cuối tuần. Khi tác phẩm kịch nói vẫn được coi là văn hóa thẩm mỹ của người Hà Nội và sau khoảng thời gian chìm, nổi trước sự xô đẩy của các chương trình giải trí truyền hình đua nhau lên sóng thì việc đổi mới tác phẩm kịch là tiêu chí kéo khán giả nườm nượp đến rạp.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại