Tài xế muốn trốn tránh trách nhiệm pháp luật?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChiếc xe bán tải bị hư hỏng sau vụ tai nạn |
Mới đây, CQCSĐT CA huyện Duy Tiên, Hà Nam đã ra quyết định tạm giữ đối tượng Lê Hồng Sơn, SN 1979, thường trú tại xã Yên Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam để điều tra làm rõ về hành vi điều khiển ô tô tông chết người rồi bỏ trốn khỏi hiện trường theo Điều 12 và Điều 38, Luật An toàn giao thông; Điều 260, BLHS năm 2015.
Theo CA Thị xã Duy Tiên, khoảng 21g30 ngày 23-2, Lê Hồng Sơn đã điều khiển chiếc xe bán tải mang BKS: 90C-11521 lưu thông trên Quốc lộ 38 (đoạn qua Km 80+ 900) di chuyển theo hướng Đồng Văn đi Hoà Mạc. Khi đến địa bàn thuộc phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, chiếc xe bán tải do Sơn điều khiển bất ngờ tông thẳng vào anh Trần Quang Năm, SN 1996, trú tại thị xã Duy Tiên đang đứng ven đường. Sau khi xảy ra va chạm, thay vì dừng xe giữ nguyên hiện trường và đưa nạn nhân đi cấp cứu, Sơn lại lái chiếc xe bỏ trốn khỏi hiện trường. Nạn nhân ngay sau đó được người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong trên đường đến BV.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, khoản 17 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Nghiêm cấm bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm”. Bên cạnh đó, Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng quy định, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải có các trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; Giữ nguyên hiện trường; Cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của CQCA đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với CQCA nơi gần nhất; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn có thể do quá sợ hãi, muốn trốn tránh trách nhiệm pháp luật với hành vi gây tai nạn của mình. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, dù là vì lý do gì, việc bỏ chạy khỏi hiện trường là vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của vụ việc mà đối tượng gây tai nạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 260 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định cụ thể về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Luật sư Nguyên viện dẫn, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%...
Theo luật sư Nguyên, với việc làm chết người và bỏ chạy sau khi gây tai nạn được xem là tình tiết tăng nặng, người lái xe này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, người nào tham gia giao thông mà làm chết một người hoặc làm tổn hại sức khỏe của một người từ 61% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe 2 người 31-60% hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ từ 61% đến 121% thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
“Trường hợp gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, đối tượng Lê Hồng Sơn sẽ đối diện mức phạt 3-10 năm tù”, luật sư Nguyên cho biết.
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, đối tượng Lê Hồng Sơn còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra đối với gia đình nạn nhân bao gồm tiền cứu chữa, chi phí mai táng cho nạn nhân, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần và tiền cấp dưỡng theo quy định pháp luật.
“Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp lái xe đã bỏ chạy khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn. Dưới góc độ tâm lý, đây là biểu hiện của trạng thái tinh thần hoảng loạn khi gặp những sự cố ngoài tầm kiểm soát. Dưới góc độ pháp luật, các trường hợp lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn là do quá sợ hãi, muốn trốn tránh trách nhiệm pháp luật từ hành vi gây tai nạn của mình. Tuy nhiên, dù là lý do gì, việc bỏ chạy khỏi hiện trường là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của sự việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Nguyên đánh giá. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại