Thứ tư 02/07/2025 17:23

Tăng mạnh mức xử phạt vi phạm phòng cháy, chữa cháy từ ngày 1/7

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Từ ngày 1/7/2025, nhiều hành vi vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy sẽ bị xử phạt với mức tiền tăng mạnh, theo quy định tại Nghị định số 106/2025/NĐ-CP của Chính phủ.
Lực lượng phòng cháy, chữa cháy kiểm tra việc khắc phục vi phạm về phòng cháy, chữa cháy tại một chung cư mini trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Đạt Lê
Lực lượng phòng cháy, chữa cháy kiểm tra việc khắc phục vi phạm về phòng cháy, chữa cháy tại một chung cư mini trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Đạt Lê

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2025/NĐ‑CP ngày 15/5/2025, có hiệu lực từ 1/7/2025, để thay thế Nghị định 144/2021/NĐ‑CP và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ

Theo Nghị định 106/2025/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là 50 triệu đồng. Đối với tổ chức, mức phạt tương ứng gấp đôi, lên đến 100 triệu đồng. Quy định này thay thế Nghị định số 144/2021/NĐ-CP trước đó, thể hiện sự gia tăng rõ rệt về chế tài xử lý vi phạm.

Trong đó, hành vi không duy trì hoặc không có đủ lối thoát nạn, đường thoát nạn của nhà, công trình là một trong những lỗi bị xử phạt cao nhất, từ 40 đến 50 triệu đồng đối với cá nhân. Cùng hành vi này, nếu do tổ chức thực hiện, mức phạt lên đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 đến 6 tháng, tùy theo mức độ và tính chất vi phạm.

Nghị định cũng quy định rõ mức xử phạt theo từng mức độ vi phạm liên quan đến hệ thống thoát nạn trong công trình, khu vực và gian phòng. Cụ thể:

- Phạt từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi không duy trì hoặc không có đủ lối thoát nạn, đường thoát nạn của gian phòng hoặc khu vực.

- Phạt từ 10 - 15 triệu đồng nếu không duy trì hoặc khóa cửa đi đã được lắp đặt trên lối thoát nạn hoặc đường thoát nạn, gây cản trở khi xảy ra sự cố.

- Phạt từ 5 - 10 triệu đồng trong trường hợp để vật tư, hàng hóa, thiết bị, phương tiện giao thông… cản trở lối hoặc đường thoát nạn, làm giảm hiệu quả sơ tán khi có cháy.

- Phạt từ 1 - 3 triệu đồng nếu lắp gương trên đường thoát nạn hoặc cửa thoát nạn mở ngược chiều thoát hiểm, vi phạm quy chuẩn kỹ thuật.

- Phạt từ 6 - 8 triệu đồng với hành vi không ban hành hoặc không niêm yết nội quy, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định pháp luật.

Đây là những lỗi vi phạm phổ biến trong thực tế, đặc biệt tại các công trình tập trung đông người như chung cư mini, nhà trọ, quán karaoke, chợ và trung tâm thương mại.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra do lối thoát nạn bị khóa, bị cản trở hoặc không được bố trí đầy đủ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Những bài học đắt giá từ các vụ cháy tại quán karaoke ở Bình Dương, chung cư mini ở Hà Nội, hay nhà xưởng ở TP Hồ Chí Minh… cho thấy sự cần thiết phải xử lý nghiêm những vi phạm tưởng chừng đơn giản nhưng tiềm ẩn nguy cơ chết người.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2025/NĐ-CP với các mức xử phạt tăng cao không chỉ có tính răn đe mà còn thúc đẩy các cơ sở, tổ chức và cá nhân chủ động rà soát, khắc phục nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy từ sớm, từ xa.

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn tại nhiều loại hình công trình dân dụng, việc siết chặt quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm kịp thời là cần thiết để bảo vệ sinh mạng, tài sản của nhân dân và giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Bảo đảm chế độ, chính sách cho người tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Hà Nội siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy tại trụ sở làm việc
Chung cư chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy: mối nguy cận kề?
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động