Thấy gì qua lượng trái phiếu phát hành 4 tháng đầu năm?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHầu hết các đợt phát hành trong tháng 4/2022 đều đến từ nhóm ngân hàng thương mại với 7.100 tỷ đồng (chiếm 94,6% giá trị phát hành) |
Cẩn trọng với việc mua trái phiếu riêng lẻ
Hầu hết các đợt phát hành trong tháng 4/2022 đều đến từ nhóm Ngân hàng thương mại với 7.100 tỷ đồng (chiếm 94,6% giá trị phát hành). Có 11 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 7.500 tỷ đồng diễn ra trong 3 tuần đầu tháng 4.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Quân đội là ngân hàng nổi bật nhất với 4.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm qua 4 đợt phát hành. Ngân hàng TMCP Hàng hải và Ngân hàng TMCP Á Châu cùng xếp sau, phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn lần lượt 3 năm và 2 năm. Tổng Cty Idico là DN duy nhất không thuộc nhóm Ngân hàng phát hành trái phiếu trong tháng 4, chiếm 5,4% giá trị phát hành (400 tỷ đồng).
Thời điểm này của năm 2021, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 8.696 tỷ đồng, tăng 14,66% (chiếm khoảng 13,3% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 56.932 tỷ đồng, giảm 22,8% (chiếm khoảng 86,7% tổng giá trị phát hành).
Tổng khối lượng phát hành trái phiếu DN trong nước chỉ riêng năm 2021 lên tới 658.000 tỉ đồng (tăng 42% so với năm trước). Tuy nhiên, tỉ lệ trái phiếu phát hành ra công chúng (chất lượng cao) bị giảm xuống còn chỉ vỏn vẹn gần 5%, tỉ lệ phát hành riêng lẻ (chất lượng lẫn lộn) chiếm hơn 95%.
Hiện có hai loại “thị trường” trái phiếu. Trái phiếu phổ thông chuyên bán trái phiếu phát hành ra công chúng, chất lượng được sàng lọc kỹ càng nên ai cũng được mua. “Chợ” thứ hai là chợ dành cho dân chuyên, bán trái phiếu phát hành riêng lẻ, hàng chất lượng lẫn kém chất lượng lẫn lộn, nên bản thân người mua cũng phải sành sỏi, có năng lực (nhà đầu tư chuyên nghiệp) để lựa chọn.
Nhiều nhà đầu tư đã lách luật để được chứng nhận thành nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp, trong khi bản thân lại không am hiểu về tài chính, không đủ tiền thuê cá nhân/tổ chức tài chính thẩm định trái phiếu giúp mình, không chỉ dẫn nhiều người đến con đường rủi ro mà còn vi phạm pháp luật. Chưa kể, tiêu chuẩn về nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng chưa cao.
Theo quy định tại Nghị định 153 năm 2020, một người chỉ cần thành lập Cty CP hoặc Cty trách nhiệm hữu hạn, nếu ngành nghề kinh doanh không cần vốn pháp định (vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập DN), thì có thể kê vốn điều lệ tùy ý (đó là chưa kể từ ngày 1/3/2022 chính thức bỏ yêu cầu vốn pháp định 20 tỉ đồng với DN bất động sản).
Để đáp ứng các tỉ lệ an toàn tài chính, Cty mới này có thể thuê Cty kiểm toán để kiểm toán báo cáo tài chính. Tuy nhiên không ràng buộc hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán trái phiếu không bị lỗ hoặc không bị lỗ lũy kế. Với những kẽ hở trên, lúc nào cần tiền, kể cả DN “dỏm” cũng có thể mang trái phiếu ra bán. Nếu phát hành thành công để ăn chênh lệch hàng chục đến hàng trăm ngàn tỉ đồng thì quá tốt, còn không cũng chẳng sao.
Dù điều kiện phát hành trái phiếu phổ thông ra công chúng ở Việt Nam không quá cao, nhưng nhiều DN vẫn chưa đáp ứng được nên chọn con đường phát hành riêng lẻ. Một vấn đề đặt ra là đơn vị phát hành đã chưa “chơi đẹp” với người mua, chỉ cung cấp những thông tin tươi sáng mà giấu biệt đi những yếu kém trong tài chính và rủi ro ở tương lai.
Cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi quy định phát hành
Theo cảnh báo của Bộ Tài chính, có hơn 49% khối lượng trái phiếu phát hành trong năm 2021 là không có tài sản bảo đảm. Mặc dù tỉ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường.
Các chuyên gia đánh giá, nguyên tắc của việc mua trái phiếu là cho DN vay tiền nên tài sản đảm bảo chỉ là một trong những giải pháp giảm thiểu rủi ro, không phải là yếu tố quan trọng nhất. Khi cho vay, ai cũng muốn được nhận lãi và gốc đúng hạn, còn bán tài sản để thu hồi nợ là biện pháp cuối cùng.
Không được xếp hạng tín nhiệm, vẫn được phát hành hợp pháp. DN cam kết trả lãi suất cao nhưng chưa thể trả. Do họ mới thành lập, nhỏ, chưa có thành tích để chứng minh nhưng họ có phương án sử dụng nguồn tiền huy động được, công bố thông tin đầy đủ, dùng tiền đúng mục đích. Tuy nhiên đánh giá được tất cả các yếu tố trên thì phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Chưa kể DN có thể “hô biến” để có tài sản đảm bảo khác nhằm tăng độ uy tín, chẳng hạn ký hợp đồng góp vốn mua 50% cổ phần của Cty "người anh em" đang giữ mảnh đất có giá trị ngàn tỉ. Chính hợp đồng góp vốn "ảo" này sẽ là tài sản đảm bảo.
Để hợp thức hóa, DN phát hành cũng kết nối để "người nhà" mua lô trái phiếu với vai trò là tổ chức, sau đó đem "xé lẻ" bán rầm rộ cho người khác như vụ Cty Ngôi Sao Việt, Cty Soleil (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) mới đây khiến tiền của nhiều nhà đầu tư đã chảy vào tài khoản của một thành viên của tập đoàn này là Cty khách sạn Tân Hoàng Minh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đang khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Dự thảo Nghị định bổ sung quy định DN phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng; đồng thời gắn trách nhiệm của các Cty kiểm toán độc lập trong việc kiểm toán báo cáo tài chính của các DN phát hành và sẽ thu hồi giấy phép của các DN kiểm toán không thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Từ tháng 9/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ có 4 công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu DN. Việc xử lý nghiêm một số tổ chức phát hành trái phiếu không tuân thủ các yêu cầu của pháp luật. Điển hình như vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua cho thấy các cơ quan chức năng đang quyết tâm lập lại trật tự trên thị trường trái phiếu DN. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại