Thứ năm 23/01/2025 06:22

Thị trường chứng khoán 22/7: Đà giảm thu hẹp cuối phiên, ngân hàng tiếp tục là “công thần” nâng đỡ chỉ số

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,14 điểm, về mức 1.254,64 điểm; HNX-Index giảm 2,14 điểm, về mức 238,38 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên bán với 530 mã giảm và 224 mã tăng. Sắc đỏ có phần lấn lướt trong rổ VN30-Index với 15 mã giảm, 12 mã tăng và 3 mã tham chiếu.
Thị trường chứng khoán 22/7: Đà giảm thu hẹp cuối phiên, ngân hàng tiếp tục là “công thần” nâng đỡ chỉ số

Thị trường chứng khoán 22/7: Đà giảm thu hẹp cuối phiên, ngân hàng tiếp tục là “công thần” nâng đỡ chỉ số (Ảnh: NT)

Phiên sáng, thị trường giảm trên diện rộng, VN-Index chìm trong sắc đỏ

Thị trường đầu phiên sáng diễn ra trong không khí tiêu cực và bao trùm sắc đỏ hầu hết các nhóm ngành. Trong đó, chỉ số VN30 tác động tiêu cực nhất khi hầu hết các mã cổ phiếu nằm trong nhóm này đều giảm điểm.

Nhóm vốn hóa lớn đang đè thị trường khá mạnh. GVR, FPT, DGC dẫn đầu nhóm kéo giảm thị trường. Ở chiều ngược lại, các mã kéo tăng tác động khá yếu ớt, BID, PGB, MBB đang dẫn dắt nhóm đóng góp tích cực vào điểm số thị trường sáng nay.

Ngành sản xuất nhựa - hóa chất chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ đầu phiên với mức giảm 2,23%. Cụ thể, các mã cổ phiếu như GVR, DGC, DPM, DCM, BFC,LAS, PHR, BMP,… đều chìm trong sắc đỏ.

Theo sau là nhóm cổ phiếu công nghệ và thông tin cũng bi quan không kém. Chủ yếu đến từ các mã đầu ngành như FPT giảm 1,11%, CTR giảm 2,29%, CMG giảm 2,68%, ELC giảm 1,28%,…

Sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế mặc dù lực mua có xuất hiện nâng đỡ chỉ số nhưng áp lực bán vẫn còn khá nhiều dẫn đến các chỉ số chính diễn biến giằng co dưới mốc tham chiếu. Trong đó, VN-Index vẫn chìm trong sắc đỏ mặc dù đã có trợ lực khá tốt từ nhóm ngân hàng và thực phẩm - đồ uống nhưng vẫn chưa thể khởi sắc.

Độ rộng trong rổ VN30 với sắc xanh đỏ khá cân bằng. Trong đó, VPB, MSN, VCB và CTG lần lượt góp vào chỉ số chung 0,75 điểm, 0,53 điểm, 0,45 điểm và 0,44 điểm. Ở chiều ngược lại, FPT, MWG, HPG và VJC lại có diễn biến không mấy tích cực và lấy đi hơn 2,8 điểm từ VN30-Index.

Tuy có sự phân hóa nhẹ nhưng nhóm ngân hàng vẫn duy trì được đà phục hồi với sắc xanh chiếm đa số. Nổi bật, có các mã vốn hóa lớn như VCB (+0,91%), BID (+1,15%), CTG (+1,35%), TCB (+0,21%)…. Riêng chỉ có 3 mã LPB, HDB và SSB vẫn còn chịu áp lực bán nhẹ. Tính đến 10h30, giá trị giao dịch khớp lệnh đạt hơn 1.521 tỷ đồng, khối lượng khớp đạt trên 69 triệu đơn vị.

Ngành thực phẩm - đồ uống cũng là nhóm duy trì được đà tăng khá tốt từ đầu phiên với lực kéo tăng chính chủ yếu đến từ 3 ông lớn trong ngành là VNM (+0,77%), MSN (+0,56%), SAB (+1,45%)… Trong khi đó, sắc đỏ vẫn có phần áp đảo trong dòng này với các mã VHC (-0,27%), KDC (-0,35%), BAF (-0,26%)… càng làm tăng “gánh nặng” hơn cho các chỉ số.

Ở một diễn biến khác, nhóm sản xuất nhựa - hóa chất đang chìm trong sắc đỏ ở phần lớn các mã với mức giảm mạnh nhất thị trường là 3,15%. Lực bán mạnh đang hiện diện ở các mã DGC (-5,19%), DCM (-2,68%), DPM (-1,97%), BMP (-0,26%)… Trong đó, đáng chú ý là mã GVR khi giá tiếp tục giảm điều chỉnh sau một xu hướng tăng dài trước đó.

Một phần nguyên nhân cho đợt điều chỉnh này có thể đến từ sau khi thông tin các lãnh đạo của doanh nghiệp này bị khởi tố trong các ngày gần đây mặc dù phía GVR cũng đã có công bố thông tin đã nhận được đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Trần Ngọc Thuận vào ngày 20/06/2024, cũng như phân công lại nhiệm vụ cho các thành viên còn lại để đảm bảo chỉ đạo, quản lý điều hành Tập đoàn được liên tục và thông suốt nhưng biến động giá vẫn chưa có sự phục hồi tích cực nào xuất hiện.

So với đầu phiên, bên bán vẫn chiếm ưu thế vượt trội. Số mã giảm là 486 mã và số mã tăng là 184 mã. Tính đến 10h30, VN-Index giảm 6,96 điểm, giao dịch quanh mức 1.258 điểm. HNX-Index giảm 1,43 điểm, giao dịch quanh mức 239 điểm.

Thị trường chứng khoán khởi động tuần với tâm lý bi quan khi sắc đỏ chiếm đóng ngay từ đầu phiên. Càng về cuối phiên sáng, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index giảm 15,69 điểm, về mức 1.249,09; HNX-Index giảm 3,75 điểm, dừng ở mốc 236,77 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 565 mã giảm và 147 mã tăng. Rổ VN30 cũng tương tự khi sắc đỏ chiếm ưu thế với 21 mã giảm và chỉ 7 mã tăng.

Khối lượng giao dịch của VN-Index trong phiên sáng tăng mạnh so với phiên trước, đạt hơn 530 triệu đơn vị, với giá trị hơn 11,7 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt gần 52 triệu đơn vị, với giá trị đạt gần 536 tỷ đồng.

Về nhóm ngành, hầu hết các ngành đều bị sắc đỏ bao trùm. Trong đó, dịch vụ tư vấn - hỗ trợ và sản xuất nhựa - hóa chất là 2 ngành giảm mạnh nhất với mức giảm khoảng 4%. Áp lực bán mạnh được ghi nhận chủ yếu ở những cổ phiếu TV2 (-5,11%), GVR (-4,49%), DGC (-6,1%), DCM (-3,75%), DPM (-2,25%)…

Nhóm ngân hàng cũng không thể giữ được sắc xanh yếu ớt đến cuối phiên khi áp lực từ thị trường chung tăng cao. Hết phiên sáng, chỉ số ngành ngân hàng giảm 0,49%. Chỉ còn 4/21 mã tăng điểm nhẹ, đó là VCB (+0,46), CTG (+0,6), TPB (+0,27) và SSB (+0,48%). Ngược lại, LPB tiêu cực nhất với mức giảm 3,88%. Theo sau đó là NAB (-2,30%) và NVB (-2,08%). Các cổ phiếu còn lại MBB, ACB, SHB ghi nhận mức giảm trên 1%.

Ở chiều ngược lại, nhóm thực phẩm - đồ uống giao dịch tích cực nhất với mức tăng 0,33%. Các ông lớn trong ngành đều mang sắc xanh tích cực: SAB (+1,45%), VNM (+0,46%), MSN (+0,42%) và SBT (+1,54%).

Nhóm cao su cũng đi ngược thị trường khi tăng 0,17% nhờ sắc tím của 2 cổ phiếu CSM và SRC, tuy vậy cổ phiếu DRC và BRC của nhóm này vẫn có xu hướng trái chiều khi giảm lần lượt 3,53% và 2,02%.

Khối ngoại quay lại mua ròng sau phiên bán ròng cuối tuần trước với giá trị khoảng 213 tỷ đồng trên sàn HOSE, SBT là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với giá trị hơn 375 tỷ đồng. Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 29 tỷ đồng, tập trung bán nhiều nhất ở cổ phiếu PVS với giá trị hơn 10 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng nâng đỡ chỉ số

VN-Index mở phiên chiều với lực mua xuất hiện trở lại giúp nâng đỡ chỉ số nhưng áp lực bán vẫn có phần chiếm thế thượng phong khiến chỉ số vẫn nhuộm sắc đỏ đến khi kết phiên. Về mức độ ảnh hưởng, GVR, HVN, FPT và DGC là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 3.8 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, TCB, MSN, CTG và VCB là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index với hơn 1.4 điểm tăng.

HNX-Index cũng có diễn biến tương tự, trong đó chỉ số bị tác động tiêu cực từ các mã MBS (-6,78%), PVS (-3,07%), VIF (-8,38%), PVI (-2,32%),…

Ngành sản xuất nhựa – hóa chất có mức giảm mạnh nhất thị trường với -4,06% chủ yếu đến từ mã GVR (-5,07%), DGC (-6,02%), DCM (-3,49%) và DPM (-1,97%). Theo sau là ngành dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và ngành vận tải – kho bãi với mức giảm lần lượt là 3,48% và 2.6%. Ở chiều ngược lại, ngành sản phẩm cao su là ngành có sự phục hồi mạnh với 0,55% chủ yếu đến từ 2 mã CSM (+6,69%) và SRC (+6,91%).

Về giao dịch của khối ngoại, khối này quay lại mua ròng hơn 303 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã SBT (375,12 tỷ), FPT (43,64 tỷ), POW (33,14 tỷ) và TCH (25.78 tỷ). Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng hơn 2 tỷ đồng, tập trung vào mã MBS (9,56 tỷ), TNG (5,59 tỷ), QTC (5,07 tỷ) và TIG (4,05 tỷ).

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 10,14 điểm (-0,8%), về mức 1.254,64 điểm; HNX-Index giảm 2,14 điểm (-0,89%), về mức 238,38 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên bán với 530 mã giảm và 224 mã tăng. Sắc đỏ có phần lấn lướt trong rổ VN30-Index với 15 mã giảm, 12 mã tăng và 3 mã tham chiếu.

Thanh khoản thị trường tăng so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 834 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 19,1 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 80 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 1,6 ngàn tỷ đồng.

Sáng nay (22/7), cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết hầu toà
Nhiều bị hại vắng mặt trong phiên xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết
Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động