Thường xuyên chóng mặt, tưởng rối loạn tiền đình hoá ra có u lạ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSau phẫu thuật, bệnh nhân đã dần phục hồi hoạt động của các cơ, thoát khỏi ám ảnh vì mất tự chủ trong sinh hoạt (ảnh BVCC) |
Cụ thể, bệnh nhân T.T.H, 63 tuổi ở TP Cẩm Phả, Quảng Ninh đến BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khám với triệu chứng xây xẩm mặt mày, chóng mặt, khó thở, đầu óc choáng váng; xuất hiện yếu cơ từ vùng cổ gáy, sau lan đến cơ nhai, cơ thân mình, nuốt nghẹn, sụp mi và nhìn đôi từng đợt, vận động sinh hoạt rất khó khăn. Tình trạng này kéo dài khoảng 6 tháng gần đây.
Bệnh nhân từng đi khám và điều trị tại nhiều cơ sở y tế với chẩn đoán rối loạn tiền đình do từng có tiền sử mắc bệnh này nhiều năm. Tuy nhiên, các triệu chứng trên ngày càng nặng nề, không thuyên giảm khiến bệnh nhân lo âu, suy sụp và không muốn giao tiếp.
Tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, bà H, được bác sỹ chẩn đoán mắc chứng bệnh nhược cơ hiếm gặp. Bệnh nhân được đo điện cơ kết hợp chụp cắt lớp lồng ngực, các bác sĩ phát hiện khối u trung thất trước kích thước lớn, tiếp xúc với quai động mạch chủ. Hội chẩn đa chuyên khoa xác định bệnh nhân bị nhược cơ do khối u tuyến ức. Đây là bệnh khá hiếm gặp, có thể gây ra những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong do suy hô hấp.
Các bác sỹ đã quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt toàn bộ tuyến ức và kết hợp điều trị thuốc tăng trương lực cơ. Sau khi gây mê nội khí quản bằng ống Carlens thông khí 1 phổi, các phẫu thuật viên đã sử dụng hệ thống nội soi 3D qua 3 vết rạch nhỏ vào khoang màng phổi phải để thực hiện phẫu tích tỉ mỉ, bóc tách và cắt toàn bộ tuyến ức và tổ chức mỡ ở trung thất trước. Nhờ camera 3D mang lại hình ảnh phẫu trường chân thực, sắc nét, sau hơn 1 tiếng toàn bộ tổ chức tuyến ức, khối u và tổ chức mô liên kết được lấy bỏ ra khỏi các mạch máu và màng tim mà không bị mất máu.
Sau mổ 1 ngày, bệnh nhân đã ngồi dậy tập vận động và ăn uống. Hiện, người bệnh hồi phục tốt, triệu chứng nhược cơ thuyên giảm đáng kể, nói chuyện rõ ràng, cơ lực cải thiện, ăn uống được, không bị nghẹn kể cả nuốt thức ăn đặc. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi tại khoa Ung bướu và dùng thuốc chống nhược cơ.
Theo BS. Chuyên khoa 2 Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, khối u tuyến ức của bệnh nhân H. có kích thước khá lớn, nằm ở vị trí nguy hiểm, sát tim, phổi và tiếp xúc với quai động mạch chủ. Đây là một thách thức đối với đội ngũ phẫu thuật viên, bởi nếu không cẩn trọng, tỉ mỉ thì quá trình bóc tách u có thể tác động đến các cơ quan mạch máu, dây thần kinh và bộ phận quan trọng, gây chảy máu khó cầm, thậm chí tử vong ngay trên bàn mổ.
"Với sự hỗ trợ đắc lực của kíp gây mê và hệ thống nội soi 3D, chúng tôi đã bóc tách thành công khối u và toàn bộ tuyến ức ra và đưa ra ngoài mà không gây tổn thương. Phương pháp này giúp bệnh nhân lấy được triệt để tuyến ức với đường mổ nhỏ ít xâm lấn nhất, giảm đau đớn, hạn chế biến chứng, thời gian hồi phục nhanh và tính thẩm mỹ cao. Dù là bệnh lý hiếm, ít gặp nhưng bệnh nhân đã được kíp mổ xử trí nhanh gọn nhờ kinh nghiệm về giải phẫu lồng ngực và tay nghề phẫu tích thuần thục", BS. Hùng cho biết.
Theo các bác sỹ, nhược cơ là bệnh lý hiếm gặp với tỷ lệ mới mắc khoảng 5 trường hợp/100.000 dân. Bệnh khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào và hay gặp ở phụ nữ, thường khó phát hiện sớm do dấu hiệu không rõ ràng. Đây là một loại bệnh tự miễn dẫn đến rối loạn dẫn truyền tại các điểm nối thần kinh-cơ, từ đó làm giảm chức năng hoạt động của hệ cơ.
Bệnh nhược cơ có liên quan đến bất thường của tuyến ức khi mà tuyến này không tự mất đi ở độ tuổi trưởng thành như thông thường. Khoảng 20%-30% bệnh nhân nhược cơ có u tuyến ức. U này cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bởi khi tiến triển nặng nề, bệnh nhân có thể suy hô hấp và tử vong.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại