Thứ năm 23/01/2025 06:23

Trăn trở về cuộc tái sinh dòng tranh dân gian Kim Hoàng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau hơn 2 năm thực hiện dự án “Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng” (làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), đến nay dòng tranh từng thất truyền gần 70 năm đã khôi phục được 30 mẫu tranh cổ từ những tư liệu của một nhà sưu tập người Pháp.

Nhưng, những người “cứu” dòng tranh Kim Hoàng vẫn đau đáu nỗi niềm về cuộc tái sinh dòng tranh dân gian từng một thời vang bóng sẽ phải mất một khoảng thời gian dài.

Hành trình tìm lại ký ức lịch sử

Bắt đầu từ triển lãm 12 dòng tranh dân gian Việt Nam do chị Nguyễn Thị Thu Hòa, GĐ Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, Chủ nhiệm dự án “Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng tổ chức vào năm 2015, tranh dân gian Kim Hoàng (hay còn gọi là tranh Đỏ) lần đầu được giới thiệu đến đông đảo công chúng. Đứng bên cạnh dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) từ lâu đã nức tiếng khắp gần xa, tranh Kim Hoàng vẫn có sự cuốn hút lạ kỳ.

Không phải là trên nền giấy điệp hay giấy dó truyền thống, là mà trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều đặc trưng, tranh Kim Hoàng phô diễn màu Tết, màu của may mắn và bình an. Bởi thế mà các cụ trong làng Kim Hoàng thường nói về tranh Kim Hoàng là “màu tranh giống như màu câu đối Tết”. Một điều khác biệt nữa là tranh Kim Hoàng được nghệ nhân tỉ mỉ chấm phá, những nét vẽ thanh mảnh, mộc mạc dựa theo cảm xúc riêng nên tranh có sự phóng khoáng, tinh tế thu hút người xem tranh. Nét độc đáo riêng là trong tất cả các bức tranh Kim Hoàng đều có bức Hán tự được viết theo lối chữ thảo. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ cho tranh, ngoài được gọi với cái tên tranh Đỏ, tranh Kim Hoàng, còn được gọi là tranh chữ.

Theo chị Hòa, thông thường các dòng tranh chỉ có tranh nhưng riêng với dòng tranh Kim Hoàng, khoảng 80% những mẫu bản, đều có chữ, đều có tác dụng giáo dục cao. Riêng đôi tranh Gà (Thần Kê) không chỉ có những câu thơ Hán Nôm kèm bùa chú tinh tế và uyên thâm, đôi tranh Ghê mới được ra mắt dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 với đôi câu chúc Phúc Lộc Thọ Khang Ninh và Càn Nguyên Hanh Lợi Trinh. Ngoài ra, còn có tích như tích Truyện Kiều, Phạm Công – Cúc Hoa…

Bên cạnh đó, điều khác biệt của tranh Kim Hoàng là tranh in ngửa ván tài tình. Các bản khắc thường làm bằng gỗ thị, gỗ mít hay vàng tâm với những nét khắc tinh xảo. Sau bước in nhá hình trên giấy hồng điều, người nghệ nhân sẽ đem phơi tranh sau đó đến công đoạn chấm màu, vẽ thêm nét cho tranh thật sinh động, nổi bật. Một bức tranh hoàn chỉnh là bức tranh có sự sống động, gần gũi, thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ và màu sắc tươi như tranh Hàng Trống.

Tranh Kim Hoàng xưa kia từng là dòng tranh thịnh hành trong đời sống người dân xứ Đoài và các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thế nhưng, trải qua sự biến thiên của lịch sử, trong đó trận lụt năm 1915 khiến đê Liên Mạc bị vỡ đã cuốn trôi hầu hết ván in tranh.

Đến năm 1945, hầu như không còn ai làm tranh Kim Hoàng nữa. Từ đó, dòng tranh Kim Hoàng bị rơi vào quên lãng… Nặng lòng với dòng tranh truyền thống, chị Nguyễn Thị Thu Hòa đã quyết tâm tự bỏ vốn liếng, công sức để khôi phục. Đến nay, chị Hòa cùng các cộng sự đã khôi phục được khoảng 30 mẫu tranh cổ.

Chị Hòa cho biết: Quá trình khôi phục tranh gặp khó khăn, các dòng tranh dân gian Đông Hồ có khoảng thời gian giãn cách khoảng 5-10 năm. Còn tranh Kim Hoàng, khoảng cách lên đến 70 năm. Khi tôi tìm hiểu ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn 2 tờ tranh đơn: một Gà, một Lợn, là bản phục chế chứ không phải là bản gốc. trong khi đúng ra thì Gà Kim Hoàng là tranh cặp đôi với những câu thơ Hán Nôm kèm bùa chú.

May mắn là trong quá trình tìm tư liệu, tôi đã có được quyển Image populair Vietnaminenne – par Maurice Dururrand (2011) của một nhà sưu tập người Pháp. Nhờ vậy mà chúng tôi có được hình ảnh đủ cho bộ đôi Gà trống tưởng như đã thất truyền. Cùng với đó là gần 100 mẫu tranh Kim Hoàng. Hiện tại, tôi đã sở hữu được 60 mẫu và khôi phục được khoảng 30 mẫu tranh cổ.

Tuy nhiên, điều băn khoăn của chị Hòa chính là 30 mẫu tranh khôi phục vẫn có cảm giác là một số mẫu chưa được ưng ý, đúng nét, độ tinh tế của người xưa. Cùng với thời cuộc, bên cạnh việc khôi phục khoảng gần 100 mẫu tranh cổ thì việc cần phải sáng tác thêm mẫu tranh mới.

Nắm bắt được thị trường tranh Tết, năm nay, chủ nhiệm dự án khôi phục tranh Kim Hoàng đã phối hợp với các nghệ nhân làng Đông Hồ để tạo mẫu mới cho tranh Kim Hoàng. Đó là hai mẫu tranh Nghê chào đón năm Mậu Tuất 2018, hai mẫu Tiến tài tiến lộc vẽ tay phỏng theo mẫu khắc gỗ Kim Hoàng…Trong đó, mẫu tranh Khuyển Nghê – một mẫu tranh cũ và mới.

Mới vì đề tài này không có trong tranh Kim Hoàng, nhưng cũ bởi Khuyển Nghê này được lấy nguyên mẫu từ đôi Nghê đá tại đền vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình). “Đưa Nghê – linh vật thuần Việt lên tranh, chúng tôi đã làm được việc nối tiếp mạch văn hóa truyền thống, bước tiếp theo là việc đưa tranh Kim Hoàng trở lại đời sống. Tranh Kim Hoàng nổi tiếng với tranh Gà, tranh Lợn truyền thống, dự án đặt mục tiêu hoàn thiện 12 mẫu tranh theo 12 con giáp trong cách tiếp cận của dự án khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng”, chị Hòa chia sẻ.

tran tro ve cuoc tai sinh dong tranh dan gian kim hoang
Thợ vẽ Đào Đình Trung biểu diễn in tranh dân gian Kim Hoàng tại Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018 ở Hồ Văn (Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Ảnh: MỘC MIÊN

Nỗ lực quảng bá và truyền nghề cho thế hệ trẻ

Theo chị Hòa, mỗi năm trung bình dòng tranh Kim Hoàng bán ra thị trường khoảng 500 bức tranh. Đa phần là khách hàng trong nước được tiếp cận từ những buổi giới thiệu tranh từ Hội chữ Xuân tại Hồ Văn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám; tại đình Kim Ngân, đình làng So trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Mới đây, chúng tôi đã có buổi giới thiệu tranh Kim Hoàng trong lễ hội và hội thảo quốc tế về tranh dân gian khắc gỗ và triển lãm tranh dân gian trên gỗ tại Hàn Quốc. Tại đây, dòng tranh khắc gỗ Kim Hoàng đã nhận được đánh giá tích cực của bạn bè quốc tế.

Những tín hiệu về cuộc tái sinh dòng tranh Kim Hoàng, bên cạnh mặt tích cực thì khó khăn hiện nay của dự án chính là thiếu nhân lực, vật lực. Chị Hòa chia sẻ, trong quá trình triển khai việc khôi phục, khó nhất là những nỗ lực tìm kiếm, mời gọi hợp tác nhưng dự án mới chỉ có hai người dân Kim Hoàng tham gia là thợ vẽ chính Đào Đình Trung (39 tuổi) và cháu Hồng Liên (15 tuổi) đang học nghề. Hiện tại mới có một người thợ làm chính thì không có đủ tranh để cung cấp ra thị trường và tuyển thì không tuyển thêm được. Bởi, để có một thợ làm tranh, chúng tôi phải cho đi học lớp vẽ hình họa với yêu cầu định hướng dân gian, học lớp Hán Nôm cơ bản, thậm chí phải học kỹ thuật bồi biểu,…

Là lớp người trẻ đầu tiên trong làng say mê với nghề vẽ, anh Đào Đình Trung trước đây làm nghề cắt kính. Khi về làng thấy các họa sĩ miệt mài in tranh, anh quyết tâm học nghề. Với anh Trung, nếu không có tình yêu với nghề truyền thống, có lẽ anh Trung cũng khó có thể kiên trì ngồi vẽ từng đường nét hay in từng màu trên miếng khắc gỗ. Mong muốn của anh Trung có thể động viên những người trẻ trong làng tham gia việc học nghề để giữ nghề truyền thống của làng, góp phần để dòng tranh dân gian làng Kim Hoàng khôi phục và phát triển.

Trong nỗ lực đưa tranh dân gian trở lại đời sống đương đại, chị Thu Hòa cho biết, dự án “Khôi phục dòng tranh Kim Hoàng” với 3 phần: Một là, khôi phục lại khoảng 50 mẫu tranh cũ.

Thứ hai, thiết kế mẫu tranh dân gian hiện đại cùng với sự hợp tác của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa và họa sĩ trần Nguyên Đán. Trong đó, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa thiết kế 10 mẫu tranh dân gian Kim Hoàng trên hình ảnh được chạm khắc trên đình làng Kim Hoàng, họa sĩ Trần Nguyên Đán thiết kế 10 mẫu tranh dân gian Kim Hoàng đề tài Thuyền – Hà Nội – Hội An.

Thứ ba, xin đất tại thôn Kim Hoàng để thành lập Trung tâm triển lãm và sản xuất tranh tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đến nay, dự án đã hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra. “Mong muốn sớm nhất là xuất bản được cuốn sách về tranh Kim Hoàng, đồng thời thành lập trung tâm ở chính cái nôi của dòng tranh quý này.

Hiện tại, chúng tôi đang xúc tiến với chính quyền địa phương để trung tâm sớm được định hình, trở thành điểm đến cho du khách và bất cứ ai muốn tìm hiểu nghề làm tranh Kim Hoàng”, chị Thu Hòa nói.

Thiết nghĩ, với hướng đi của những con người nặng lòng với tranh dân gian truyền thống, văn hóa truyền thống của người Việt, con đường hồi sinh lại tranh Kim Hoàng dẫu có vô vàn khó khăn, nhưng bằng tình yêu, sự nhiệt huyết, dòng tranh Kim Hoàng sẽ sớm được khôi phục và phát triển, mang đến nét văn hóa của người Việt trong mỗi dịp xuân về.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động