Thứ sáu 24/01/2025 21:50

Trẻ đi học trực tiếp: Khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 có cần đóng cửa cả trường?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi có 1 ca nhiễm Covid-19 thì tiến hành khoanh vùng cả trường, sau đó sàng lọc, khoanh vùng, xét nghiệm rồi phân loại và đưa đi cách ly tập trung hoặc tại nhà. Sau đó chỉ phong tỏa lớp học đó, tòa nhà đó, sau khi khử khuẩn 24 giờ có thể đưa học sinh vào học bình thường…
Trẻ đi học trực tiếp: Khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 có cần đóng cửa cả trường?

Các trường cần xây dựng 2 kế hoạch phòng dịch và xây dựng kịch bản xử lý khi có ca nhiễm Covid-19

(ảnh minh họa, P.C)

Đây là một trong những biện pháp thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19 được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm rõ tại Hội nghị trực tuyến Đảo bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục do Bộ Y tế phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức chiều 8-11.

Theo đó, tại Hội nghị ngành giáo dục một số địa phương bày tỏ băn khoăn khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương, trong đó có nguyên nhân lây lan từ những người trở về từ vùng dịch. Đã xuất hiện một số ổ dịch lây lan trong trường học khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp dẫn đến một số địa phương phải chuyển đổi kế hoạch, chuyển sang dạy học trực tuyến tại một số địa bàn phát sinh dịch. Kế hoạch mở cửa trở lại ở các địa bàn vùng xanh phải điều chỉnh vì tỉnh/thành phát sinh nhiều ca nhiễm cộng đồng.

Trong khi đó, tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vắc-xin còn thấp (trung bình toàn quốc khoảng 62%); Một số địa phương còn băn khoăn khi chưa thống nhất thực hiện biện pháp đảm bảo giãn cách trong nhà trường; tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà trường; tổ chức cho học sinh ăn bán trú, việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Một số địa phương chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học. Dẫn đến việc phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.

Liên quan đến vấn đề xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ: Từng trường phải có 2 kế hoạch phòng dịch chung và phương án xử lý F0. Lưu ý khi có 1 ca thì khoanh vùng cả trường sau đó sàng lọc, khoanh vùng, xét nghiệm rồi phân loại và đưa đi cách ly tập trung hoặc tại nhà. Sau đó chỉ phong tỏa lớp học đó, tòa nhà đó rồi phun khử khuẩn, đưa giáo viên đi cách ly. Sau 24 giờ có thể đưa học sinh khác vào học bình thường để thích ứng linh hoạt.

Ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế-Bộ Y tế cho biết: Khi dạy học trực tiếp ngoài việc đảm bảo vệ sinh, bố trí đủ và đảm bảo nơi rửa tay với nước sạch và xà phòng/dung dịch sát khuẩn tay… Các trường cần tập huấn cho cán bộ giáo viên về công tác phòng chống dịch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, cách phát hiện các trường hợp nghi mắc.

Trong tình huống có ca mắc thì phong tỏa tạm thời ngay toàn bộ trường học; rà soát tất cả những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc trong trường học và ở cộng đồng, được lấy mẫu xét nghiệm mẫu đơn. Tất cả học sinh, giáo viên cùng lớp học có F0 thì đều được coi là F1, lấy mẫu bệnh phẩm theo mẫu đơn. Đồng thời cũng cần rà soát F2, lấy mẫu xét nghiệm nếu tiên lượng thấy nguy cơ F1 có thể đã trở thành F0 và lây cho F2.

Trẻ đi học trực tiếp: Khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 có cần đóng cửa cả trường?
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến giữa Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo với các địa phương chiều 8-11 (ảnh P.C)

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng nhấn mạnh: Chúng ta thống nhất an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Đề nghị các Sở Y tế, Sở GD&ĐT phối hợp rà soát lại và yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch chống dịch trong tình hình hiện nay sau khi có Nghị quyết128.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch các tỉnh, thành chỉ đạo các trường học từ TH, THCS, THPT, CĐ, ĐH rà soát lại kế hoạch chống dịch trong trường học mới theo Nghị quyết 128. Từ đó rà soát chỉ đạo kiện toàn BCĐ phòng chống dịch của từng trường, Sở Y tế tổ chức kiểm tra, giám sát. Các thành viên phải được phân công rõ nhiệm vụ từ trưởng, phó ban chỉ đạo đến các tổ, các giáo viên chủ nhiệm.

Đề nghị BCĐ phòng dịch các huyện đi kiểm tra và phê duyệt kế hoạch phòng dịch của từng trường. Từng trường phải xây dựng kịch bản xử lý khi không may ở trường có 1 giáo viên hoặc học sinh nhiễm thì xử lý như thế nào. Kịch bản này cũng phải do BCĐ phòng dịch duyệt, kế hoạch phải đi vào thực chất thực tế cụ thể sát tình hình địa phương.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các trường, Sở Y tế, Sở GD&ĐT hướng dẫn căn cứ vào đánh giá cấp độ dịch của tỉnh từ cấp thôn, ấp, tổ dân phố đến cấp xã, huyện. Có thể huyện thì có xã cấp 1, có xã cấp 2… Căn cứ cấp độ dịch cho đi học như thế nào, có thể xã cấp 1 trong huyện cấp 2 thì cho đi học trực tiếp. Phải linh hoạt ở chỗ này. Việc đi học theo từng cấp độ Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể.

Đề nghị các đồng chí Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh, lãnh đạo các tỉnh, thành quan tâm căn cứ diễn biến tình hình dịch ở địa phương để đưa ra hình thức cho học sinh đi học theo phương châm thích ứng an toàn; đi học an toàn, an toàn khi đi học.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nêu rõ yêu cầu, trong trường học phải bố trí 1 buồng trực y tế học đường và 1 phòng cách ly tạm thời để theo dõi lấy bệnh phẩm xét nghiệm khi có tình huống có ca bệnh.

Về vấn đề tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em, căn cứ vào tình hình cung ứng vắc-xin hiện Việt Nam mở rộng tiêm cho độ 12-17, sẽ triển khai tiêm độ tuổi từ cao đến thấp (từ 16-17; 14-15; 12-13 tuổi). BYT vẫn hướng dẫn trước hết tiêm cho 18 tuổi trở lên sau đó mới tiêm cho trẻ em. Các Sở Y tế, GD&ĐT phải thống kê, UBND xã cũng phải thống kê không được để sót các trường hợp trong nhóm tuổi tiêm chủng.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh học sinh thấy được lợi ích của tiêm vắc-xin cho trẻ em. Cùng đó, tuyên truyền để phụ huynh nắm được tác dụng phụ và đồng tình đưa trẻ đi tiêm cao nhất nhằm để tăng độ bao phủ vắc-xin lên.

Cần tập huấn tiêm chủng cho trẻ em đặc biệt cho cán bộ y tế cấp cơ sở để tránh sai sót không đáng có khi tiêm cho trẻ em-nhất là vào những ngày tiêm chủng thường xuyên, tránh nhầm lẫn. Cần nắm chắc quy trình 3 kiểm tra, 5 đối chiếu.

Gần 47,5 nghìn giáo viên và học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Minh, trong đợt dịch thứ 4 tổng số ca F0 trong cán bộ, giáo viên, trẻ em học sinh sinh viên là 47.497 trường hợp; số ca F0 đang điều trị hiện nay là 14.745 người (cán bộ giáo viên là 1.728; học sinh sinh viên là 13.017).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở hầu hết các tỉnh, thành ngành giáo dục đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi trạng thái hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu kép là: Vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa thực hiện kế hoạch năm học, tiếp tục thực hiện đối mới và kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo. Bộ GĐ&ĐT đã chỉ đạo các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học qua internet và trên truyền hình ứng phó với dịch Covid-19…

Để thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19 trong giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: Quan điểm là dựa theo đánh giá cấp độ dịch, ở nơi cấp độ 1,2 cần tạo mọi điều kiện cho học sinh đi học trực tiếp-kể cả đến bậc mầm non. Việc cho học sinh trong tuổi đến trường quay lại trường học phải đặt an toàn lên hàng đầu. Muốn linh hoạt thích ứng, thích ứng an toàn thì phụ huynh, giáo viên, học sinh sinh phải có kỹ năng phòng dịch. Cần có môi trường an toàn và nghiên cứu về sự thích ứng.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động