Trường hợp nào xử lý hình sự khi mua, bán bằng cấp giả
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhân tích của vụ việc làm giả giấy tờ phát hiện tại quận Nam Từ Liêm, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng: Đây là đường dây làm giả giấy tờ có quy mô cực lớn, gây chấn động dư luận. Tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước một cách công khai khi chúng ngang nhiên quảng cáo trên mạng. Đây là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Mục đích của việc làm giấy tờ giả là để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Vụ việc này khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi, nếu đường dây làm giả bằng cấp trên không bị phát hiện thì hàng nghìn tấm bằng, chứng chỉ giả sẽ “đi về đâu”, những ai là người sử dụng và cả với số bằng giả trước đó mà các đối tượng bán cho ai thì cần làm rõ để xử lý nghiêm.
Như vậy, có thể thấy trong trường hợp này CQĐT cần điều tra hai trường hợp để đưa ra xử lý trước pháp luật đó là hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức và hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật.
MXH bị biến thành siêu thị tổng hợp các loại bằng cấp giả (ảnh tư liệu) |
Về hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức thì theo Điều 341 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 - 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 2 năm. Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 - 5 năm (khoản 2) hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm (khoản 3).
Các nghi can của vụ án có thể đối diện với mức án cao nhất là 7 năm tù.
Đối người sử dụng bằng cấp giả là vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Tại Điều 16 Nghị định 138/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ thì: Người có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng; Ngoài bị phạt tiền, người sử dụng bằng giả còn bị tịch thu bằng giả đã sử dụng.
Đối với trường hợp là cán bộ, công chức sử dụng bằng giả thì sẽ bị xử lý như sau: Nếu cán bộ, công chức bị tòa án phạt tù vì hành vi sử dụng bằng giả mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc; trong trường hợp công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả để được tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị thì bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc; đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học nếu chưa học xong hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng nếu đã học xong.
Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) không chỉ áp dụng cho người làm bằng giả mà còn áp dụng cho người mua bán bằng giả. Trong trường hợp người nào mua bán văn bằng, chứng chỉ giả đủ yếu tố cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều này thì bị xử lý hình sự.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại