Từ chối giải quyết thủ tục hành chính, phải nêu rõ lý do bằng văn bản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBạn đọc Lê Mai Anh, trú tại huyện Thường Tín hỏi, pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của cơ quan thực hiện thủ tục hành chính và cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính?
Vấn đề bạn hỏi, báo PL&XH xin giải đáp như sau:
Theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) thì cơ quan thực hiện thủ tục hành chính có trách nhiệm sử dụng, bố trí cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, văn hóa giao tiếp chuẩn mực, đủ trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực phù hợp để thực hiện thủ tục hành chính.
Đồng thời, hướng dẫn, giải thích, cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời về thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức có liên quan; Cấp giấy biên nhận hồ sơ, tài liệu theo quy định;
Giải quyết TTHC cho người dân tai UBND phường Phúc La, quận Hà Đông |
Bảo quản và giữ bí mật về hồ sơ tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật cá nhân trong quá trình giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp phải thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền;
Nêu rõ lý do bằng văn bản trong trường hợp từ chối thực hiện hoặc có yêu cầu bổ sung giấy tờ trong thời hạn giải quyết theo quy định; Không tự đặt ra thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật;
Phối hợp và chia sẻ thông tin trong quá trình giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức; Hỗ trợ người có công, người cao tuổi, người tàn tật, người nghèo, phụ nữ mang thai, trẻ mồ côi và người thuộc diện bảo trợ xã hội khác trong thực hiện thủ tục hành chính;
Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính; Tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính; Ứng dụng công nghệ thông tin và các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực hiện thủ tục hành chính.
Về trách nhiệm của cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính, Nghị định nêu rõ, phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhiệm vụ được giao, tạo thuận lợi cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc trong thực hiện thủ tục hành chính.
Trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của cá nhân, tổ chức, phải hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện trình tự, hồ sơ hành chính đầy đủ, rõ ràng, chính xác không để tổ chức, cá nhân phải đi lại bổ sung hồ sơ quá hai lần cho một vụ việc, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng theo hướng dẫn của cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính.
Đồng thời, chấp hành nghiêm túc các quy định của cấp có thẩm quyền về thủ tục hành chính đã được công bố. Chủ động tham mưu, đề xuất, sáng kiến cải tiến việc thực hiện thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay đổi hoặc hủy bỏ, bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính không phù hợp, thiếu khả thi; Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện thủ tục hành chính và thực hiện quy định khác của pháp luật.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại