Thứ hai 03/02/2025 05:04

Tự vệ sao vuông, 12 ngày đêm gian lao mà anh dũng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
12 ngày đêm tiêu diệt và đẩy lùi hàng trăm lượt máy bay đánh phá Hà Nội của giặc Mỹ, tự vệ sao vuông đã cùng với quân và dân thủ đô viết lên bản hùng ca chiến thắng đầy oai hùng.

Chiều muộn ngày 22-12, trận địa Vân Đồn ngoài bãi sông Hồng xuất hiện những chiếc ô tô hối hả kéo 5 khẩu pháo và vận chuyển lực lượng tự vệ của 3 nhà máy là nhà máy cơ khí Mai Động, nhà máy Gỗ Hà Nội và nhà máy cơ khí Lương Yên vào vị trí tập kết.

Bà Phạm Thị Viễn, nữ pháo thủ nhà máy cơ khí Mai Động và ông Nguyễn Văn Hùng, nhà máy cơ khí Lương Yên đến giờ vẫn nhớ như in khoảnh khắc lịch sử ấy. 21g30 báo động cấp 3, máy bay địch đã tiến rất gần trận địa. Năm khẩu pháo đồng loạt khạc lửa. Cả bà Viễn, ông Hùng đều là xạ thủ số 1 nên thấy rất rõ chiếc F111 bị trúng đạn, phần đuôi của nó loé sáng.

Chừng 30 phút sau, một chiếc xe quân sự của quận Hai Bà Trưng chạy đến. Một sĩ quan nhảy xuống, giọng hồ hởi: “Các chị vừa bắn phải không? Một máy bay F111 rơi rồi nhé”. Tất cả ôm lấy nhau, vui sướng.

tu ve sao vuong 12 ngay dem gian lao ma anh dung
Lực lượng tự vệ đã sát cánh cùng quân và dân thủ đô tiêu diệt và đẩy lùi hàng trăm lượt máy bay đánh phá Hà Nội của giặc Mỹ. Ảnh tư liệu

Trước thành tích oanh liệt đó, mấy hôm sau, ngay tại trận địa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp trao tặng lẵng hoa và động viên các cán bộ chiến sỹ tự vệ nhà máy Cơ khí Mai Động. Chị Ngô Thị Hiếu, anh Thái Văn Quang cùng anh Nguyễn Văn Hùng (nhà máy cơ khí Lương Yên) còn vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ.

Sống trong thời bình nhưng ông Nguyễn Văn Hảo, xí nghiệp xe điện Hà Nội) vẫn nhớ như in hình ảnh người cha Nguyễn Văn Đăng, một tự vệ của xí nghiệp xe điện Hà Nội trong những ngày khói lửa 12 ngày đêm.

Ông Hảo kể: “ Bố tôi rất ít khi về nhà, lần nào về cũng kể về những lo lắng khi đường ray tàu điện bị bom Mỹ cày tung tại nhiều tuyến phố rồi lại vội vàng quay lại nhà máy bởi ở đó còn nhiều đồng đội đang tạm gác gia đình sang một bên để làm nhiệm vụ trực chiến. Thế rồi đội tự vệ của xí nghiệp đã bắn rơi máy bay địch, bố tôi là một trong những người đầu tiên bắt sống phi công."

Tin vui này phải đến cuối ngày 12 ngày đêm pháo đài bay B-52 của đế quốc Mỹ gầm rú trên bầu trời Thủ đô cũng là ngần ấy thời gian lực lượng tự vệ ga vừa lao động sản xuất vừa anh dũng chiến đấu bảo vệ tài sản của Nhà nước.

Ông Đặng Thao, nguyên Trưởng ga Hà Nội giai đoạn 1982-1986 nhớ lại: “Ga Yên Viên, ga Gia Lâm bị máy bay Mỹ đánh nát như bãi chiến trường. CBCNV ga phải làm việc vào ban đêm trong tình cảnh không có đèn điện, mò mẫm suốt đêm. Những lúc dồn tàu vào ga như thế mà máy bay địch kéo đến thì chỉ có hy sinh thôi”.

Nhưng cái chết cận kề không làm nao lúng tinh thần những người thợ hỏa xa, vẫn có nhiều sáng kiến nhằm tăng năng suất lao động và khi có giặc họ sẵn sàng tiếp lửa với các trận địa phòng không của Hà Nội, đồng thời trực tiếp bắn rơi 2 máy bay địch.

Những phong trào thi đua sôi nổi như: “Qua sông không tàu, chạy tàu không ga… sống bám ga bám tàu, địch phá ta cứ đi” của CBCNV ga Hà Nội như truyền thêm sức mạnh cho nhân dân miền Nam đánh Mỹ.

Từ trưởng ga đến các cán bộ nhân viên điều độ bốc xếp đã không quản ngại gian khổ hy sinh dũng cảm sáng tạo để đưa nhiều con tàu chuyển tải qua cầu phao vượt sông Hồng. Với sự đóng góp không nhỏ đó, hàng nghìn đoàn tàu chở bộ đội, vũ khí, lương thực được đảm bảo an toàn kịp thời chi viện cho tiền tuyến.

Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động