Tuyệt đối không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhông dạy những nội dung vượt quá yêu cầu cần thiết trong sách
Theo văn bản số 4612 của Bộ GD&ĐT, nhằm tiếp tục thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Với nội dung này, Bộ GD&ĐT yêu cầu tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa (SGK) hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu.
Không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK.
Các trường cũng cần lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong SGK hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn; từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.
Bộ GD&ĐT yêu cầu phải tiếp tục thực hiện chương trình GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. ẢNH: P.T |
Rèn cho học sinh phương pháp tự học
Để dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả trên lớp và ngoài lớp học.
Chú trọng rèn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.
Song song với đó là phải đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá. Nhà trường, tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Tuyệt đối không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành.
Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: Đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác quản lý hoạt động dạy học, giáo dục của các nhà trường theo quy định hiện hành; có hình thức biểu dương, khen thưởng với tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm sai các quy định về thực hiện chương trình; dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại