Thứ sáu 24/01/2025 00:34

UBND TP Hà Nội trả lời nhiều kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 15 HĐND TP khóa XV

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Kỳ họp thứ 15, HĐND TP Hà Nội khóa XV (ngày 6 và 7-7) có đổi mới là thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn bằng văn bản. Thực hiện nội dung này, trong tuần qua UBND TP đã trả lời các kiến nghị của cử tri bằng văn bản, trong đó có nhiều vấn đề “nóng”.

Cử tri đề nghị TP chỉ đạo và đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn; xử lý theo quy định đối với các dự án chậm triển khai, tránh để các dự án “treo” ảnh hưởng đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng của nhân dân.

Về vấn đề này, UBND TP cho biết, theo Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 4-12-2019 cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn được HĐND TP thông qua bao gồm 214 dự án xây dựng công trình giao thông sử dụng vốn ngân sách TP, trong đó xác định hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020: 148 dự án và chuyển tiếp 66 dự án sang giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên qua rà soát đến thời điểm hiện nay cần chuyển tiếp khoảng 102 dự án (khoảng 36 dự án chưa đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020). Theo nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 4-12-2017 của HĐND TP danh mục công trình giao thông trọng điểm gồm 41 dự án (24 dự án thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách TP, 17 dự án thực hiện theo hình thức PPP), đến nay đã có 5 dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2020.

Nguyên nhân của việc triển khai chưa đảm bảo tiến độ do khối lượng thực hiện công tác bồi thường, GPMB lớn, việc bố trí tái định cư chưa kịp thời, đồng bộ với tiến độ GPMB; chế độ chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có sự thay đổi, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân; mặt bằng được bàn giao thường ở tình trạng xen kẹt, xôi đỗ. Đồng thời một số dự án vừa triển khai thi công, vừa tổ chức giao thông phục vụ nhu cầu đi lại bình thường cho nhân dân.

Nhiều cơ chế chính sách mới đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP sau khi Chính phủ ban hành các nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4-5-2018, số 69/2019/NĐ-CP ngày 15-8-2019 và Luật quản lý sử dụng tài sản công 15/2017/QH14 ngày 21-6-2017 có hiệu lực thi hành. Theo đó cần rà soát, nghiên cứu để tục triển khai thực hiện cho phù hợp với các quy định mới.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, UBND TP chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND Thành phố về tiến độ GPMB các công trình trọng điểm trên địa bàn để đảm bảo tiến độ triển khai theo đề xuất điều chỉnh của chủ đầu tư các dự án; Tập trung quyết liệt, đẩy nhanh công tác GPMB, sớm bàn giao mặt bằng thi công.

Sở KH&ĐT khẩn trương rà soát, tham mưu cho UBND TP phương án tiếp tục triển khai đối với các công trình điểm đã được xác định đầu tư theo hình thức đối tác công tư loại hợp đồng BT và xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư từ việc đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đối với các công trình trọng điểm như: Quốc lộ 6 Ba La – Xuân Mai, đường 70, đường vành đai 3,5: đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nút giao khác mức giữa đường VĐ3,5 với Đại lộ Thăng Long… Trong quá trình rà soát cần lưu ý việc Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 trong đó quy định dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT.

Với kiến nghị của cử tri về việc sửa đổi lại quy định quản lý đối với nhà chung cư; xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà chung cư, UBND TP cho biết: Sở Xây dựng đã có Tờ trình trình UBND TP ban hành Quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiện nay, UBND TP đang chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tư pháp báo cáo, giải trình, xin ý kiến thống nhất các Ban của HĐND TP để triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Thành ủy và của HĐND TP.

Sở Xây dựng đã kiểm tra được 79 nhà chung cư lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp với số tiền 860 triệu đồng. Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND TP ra văn bản yêu cầu 25 Chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị. Sở Xây dựng đã có thông báo công khai Danh sách 13 chủ đầu tư, báo cáo UBND TP đề nghị ban hành văn bản yêu cầu bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho Ban quản trị.

ubnd tp ha noi tra loi nhieu kien nghi cu tri truoc ky hop thu 15 hdnd tp khoa xv
Cử tri đề nghị TP sớm thực hiện dự án cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ. (ảnh V.H)

Cứ tri đề nghị TP quan tâm chỉ đạo các cấp chính quyền tăng cường kiểm tra giám sát các công trình, không để xảy ra thất thoát, lãng phí-đặc biệt là trong việc mua sắm các trang thiết bị y tế. Trả lời vấn đề này, UBND TP nêu rõ: Hàng năm, các đơn vị dự toán được ngân sách các cấp bố trí kinh phí mua sắm tài sản phục vụ công tác hoạt động chuyên môn, trong đó, có trang thiết bị y tế. Việc tổ chức mua sắm tài sản do các đơn vị dự toán được giao kinh phí chịu trách nhiệm thực hiện và triển khai mua sắm theo quy định.

Trong quá trình triển khai mua sắm trang thiết bị y tế, các đơn vị được giao dự toán kinh phí mua sắm chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan. Cụ thể: Đơn vị dự toán cấp trên trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện việc mua sắm và xét duyệt quyết toán hàng năm; Cơ quan KH&ĐT các cấp thông qua việc kiểm tra chuyên đề về đấu thầu; Cơ quan Tài chính các cấp thông qua việc thẩm định quyết toán ngân sách hàng năm; Cơ quan thanh tra, kiểm toán thông qua công tác thanh tra, kiểm toán hàng năm và công tác giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị xã hội theo thẩm quyền quy định.

Đặc biệt trong năm 2020, đối với việc mua sắm trang thiết bị y tế của cấp TP, UBND TP đã giao Thanh tra TP chủ trì, phối hợp Sở Tài chính thực hiện thanh tra liên ngành theo quy định. Hiện nay, Thanh tra TP đã thành lập đoàn thanh tra và đang thực hiện thanh tra theo quy định.

Tiếp thu ý kiến cử tri, trong thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát trong công tác mua sắm tài sản nói chung và trang thiết bị y tế nói riêng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Cử tri đề nghị TP chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra chất lượng nước sạch của các nhà máy cung cấp nước sạch cho TP (như: nhà máy nước sạch sông Đà, nhà máy nước mặt sông Đuống,…); đồng thời sớm thực hiện Dự án cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn huyện Chương Mỹ. UBND TP cho biết:

Để kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch tại các nhà máy cung cấp cho TP, TP đã giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trực thuộc Sở Y tế Hà Nội triển khai kế hoạch kiểm tra giám sát chất lượng nước và quy trình kiểm soát chất lượng nước tại các nhà máy nước cung cấp cho thành phố Hà Nội (trong đó có nhà máy nước mặt sông Đà, nhà máy nước mặt sông Đuống) với kế hoạch định kỳ và đột xuất. Đồng thời để tăng cường việc kiểm sát chất lượng nước cung cấp cho nhân dân, TP đã giao bổ sung nhiệm vụ giám sát chất lượng nước cho Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hà Nội trực thuộc Sở TN&MT, chất lượng nước sạch tại các nhà máy và hệ thống mạng lưới sẽ được truyền trực tiếp về Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hà Nội để theo dõi và xử lý kịp thời trường hợp nước không đảm bảo chất lượng.

Để cung cấp nước sạch cho nhân dân huyện Chương Mỹ, TP đã giao Cty Môi trường đô thị Xuân Mai đang triển khai thực hiện dự án cấp nước cho huyện Chương Mỹ sử dụng nguồn nước sạch sông Đà với mục tiêu: Cung cấp nước sinh hoạt cho huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận, bao gồm hai thị trấn Xuân Mai và Chúc Sơn, các xã Hòa Thạch, Phú Cát của huyện Quốc Oai (trên tuyến truyền dẫn chạy qua), các xã Đông Phương Yên, Trường Yên, Phú Nghĩa, Tiên Phương, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Mỹ Lương và khu vực Miếu Môn. Tuy nhiên đến nay dự án chưa triển khai thực hiện tuyến truyền dẫn đấu nối nguồn nước sạch sông Đà.

Việc triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến truyền dẫn đấu nối với tuyến nước sạch sông Đà chậm, nhà đầu tư đã cải tạo các trạm cấp nước hiện có để cung cấp cho nhân dân giai đoạn trước mắt và đang chuẩn bị triển khai tuyến truyền dẫn và trạm bơm tăng áp để cấp nước cho huyện Chương Mỹ.

Bên cạch đó, TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Xuân Mai sử dụng nguồn nước mặt sông Đà với công suất giai đoạn 1 là 300.000m3/ngđ để cung cấp nguồn nước sạch cho các huyện phía Nam TP Hà Nội (trong đó có huyện Chương Mỹ).

Phần mạng lưới truyền dẫn và trạm bơm tăng áp thuộc địa giới hành chính của TP Hà Nội đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2775/QĐ-UBND ngày 6-6-2018, hiện nay dự án đang chuẩn bị triển khai, khi dự án hoàn thành sẽ đảm bảo việc bổ sung thêm nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân khu vực phía Nam Hà Nội, trong đó có huyện Chương Mỹ.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động