Thứ sáu 24/01/2025 07:36

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 10

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 10, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/5.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về công tác xây dựng pháp luật, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án Luật: Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội và việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội và Đề án, dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Đồng thời cho ý kiến về việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về các vấn đề kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Cho ý kiến về báo cáo tài chính nhà nước năm 2020 và báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 (trong đó có báo cáo kết quả xử lý nợ hằng năm theo Nghị quyết số 94/2019/QH14). Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án, các khoản vốn chưa phân bổ; việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021 sang năm 2022; phương án phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó xem xét về danh mục dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi kinh tế và phương án điều hòa vốn Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (nếu Chính phủ kịp trình).

Về công tác giám sát, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Cùng với đó, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 3/2022 của Quốc hội.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; xem xét, quyết định số lượng thành viên của Uỷ ban Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 26/4. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động