Ủy quyền tố tụng đối với cán bộ, công chức ngành Thanh tra
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:
Tại Khoản 7 Điều 54 Luật Tố tụng hành chính có quy định về người đại diện trong tố tụng hành chính là: “Cán bộ, công chức trong các ngành Tòa án, Kiểm sát, Thanh tra, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an không được làm người đại diện trong tố tụng hành chính, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật”.
Tại Điều 128 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quy định: “Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và thực hiện một số quyền hạn theo sự ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp và theo quy định của pháp luật…”.
Theo Điều 5 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04-02-2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân thì Thanh tra là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Căn cứ vào các quy định nêu trên của pháp luật thì Thanh tra là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân và là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Trong quá trình giải quyết các khiếu kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân, nếu được Ủy ban nhân dân cùng cấp ủy quyền tham gia tố tụng hành chính thì người của cơ quan Thanh tra là “người đại diện cho cơ quan của họ” (là Ủy ban nhân dân cùng cấp) nên được tham gia tố tụng.
Phí Thị Thanh nga
Cán bộ Tòa án quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội
(số 699 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội)

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại