Thứ sáu 24/01/2025 05:23

Vì sao người dân Hà Nội nên hạn chế đi chơi dịp lễ Giáng sinh?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong vòng 1 tuần trở lại đây, số ca Covid-19 tại Hà Nội liên tục duy trì ở mức trên 1 nghìn trường hợp mỗi ngày, trong đó số ca trong cộng đồng được ghi nhận cũng không ít. Trước diễn biến trên, nhiều chuyên gia khuyến cáo người nên hạn chế các hoạt động tụ tập đông người để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Vì sao người dân Hà Nội nên hạn chế đi chơi dịp lễ Giáng sinh?
Nhà thờ lớn (quận Hoàn Kiếm) là địa điểm thu hút người dân trong dịp lễ Giáng sinh (ảnh minh hoạ: TTXVN)

Số ca F0 liên tục ở mức trên 1 nghìn trường hợp mỗi ngày

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 15-12 đến ngày 23-12 số ca Covid-19 tại Hà Nội luôn ở mức trên 1 nghìn trường hợp. Cụ thể, ngày 15-12 Hà Nội ghi nhận 1.357 ca F0, đến ngày 20-12 số ca nhiễm lên tới 1.641 người; số ca tiếp tục được ghi nhận gia tăng, đến ngày 23-12 là 1.765 trường hợp. Trong số các ca nhiễm thì số ca trong cộng đồng được phát hiện cũng không ít. Địa bàn ghi nhận nhiều ca cộng đồng là các quận như Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàng Mai...

Đến ngày 18-12, Hà Nội có 2 quận thuộc cấp độ 3 (màu cam) trong phòng dịch là quận Đống Đa và Hai Bà Trưng; đồng thời có 25 phường thuộc vùng cam.

Trước diễn biến dịch như trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Lễ cuối năm 2021, đầu năm 2022 nhằm đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho Thủ đô. UBND TP nhấn mạnh thực hiện hiệu quả nguyên tắc “5K+ vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”; chủ động công tác phòng, chống dịch Covid19 trong dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Trong số các nội dung công việc, UBND TP nêu nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền, thường xuyên đánh giá cấp độ dịch, hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người.

Cụ thể, UBND TP yêu cầu các đơn vị thường xuyên đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp, xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương theo diễn biến dịch và chỉ đạo của Trung ương và TP; căn cứ cấp độ dịch trên địa bàn, khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, nhất là trong dịp cuối năm, lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đám tang, đám cưới... Hướng dẫn tổ chức Lễ Giáng sinh bằng hình thức trực tuyến để tránh lây nhiễm dịch Covid-19, hoàn thành chậm nhất trong ngày 20-12-2021.

Tại quận Hoàn Kiếm, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn thống nhất phương án chỉ tổ chức các buổi lễ bằng hình thức trực tuyến để tránh lây nhiễm dịch bệnh; bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân, tín đồ tôn giáo.

Các giáo dân đi dự thánh lễ Giáng sinh sẽ được các cơ sở tôn giáo gửi giấy mời để phối hợp cùng lực lượng chức năng kiểm soát lượng người nhằm phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời, từ 17g30 ngày 24-12 Công an quận Hoàn Kiếm sẽ phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ tổ chức cấm đường, không cho phương tiện ra vào phố Nhà thờ (phường Hàng Trống) nhằm đảm bảo an toàn cho việc tổ chức lễ Giáng sinh.

Không chủ quan khi bản thân đã tiêm và âm tính với Covid-19

Nói về diễn biến dịch Covid-19 tại Hà Nội, PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, khi TP thực hiện chính sách nới lỏng, sống chung an toàn với Covid-19 thì việc tăng số ca bệnh là điều dễ hiểu. Đây là điều chúng ta buộc phải chấp nhận. Người dân không nên quá lo lắng, hoang mang khi con số này tăng từng ngày mà phải xác định phòng bệnh là chính, không bao giờ được chủ quan.

Mọi người đừng nghĩ mình đã tiêm vắc-xin hay có xét nghiệm âm tính là cho phép bản thân chủ quan, không thực hiện 5K. Nhiều trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Vì thế, trong giao tiếp, tiếp xúc hằng ngày rất khó để biết được liệu người đối diện hay bản thân mình có mang mầm bệnh hay không.

Bên cạnh đó, những hoạt động tập trung đông người như tụ tập ăn uống, liên hoan, đám tang, đám cưới, nhà thờ... không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch sẽ là môi trường rất tốt để virus SARS-CoV-2 lây lan, khó ngăn được số ca nhiễm Covid-19 tăng cao.

“Trong dịp lễ Giáng sinh, năm mới, để hạn chế lây nhiễm người dân nên hạn chế các hoạt đông đi chơi, hoạt động tôn giáo tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc gần. Thay vì đó tổ chức Lễ Giáng sinh bằng hình thức trực tuyến. Trong môi trường kín, đông người như nhà thờ, virus rất dễ lây lan. Tương tự nhiều nước phương Tây cũng phải áp dụng các biện pháp hạn chế”- TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh việc tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt vai trò của người dân trong việc đảm bảo thực hiện 5K của Bộ Y tế trong mọi thời điểm.

"Chúng ta luôn phải đề phòng trường hợp người bên cạnh, thậm chí bản thân mình, đang là F0. Không thực hiện tốt 5K còn là điều kiện làm lây lan mầm bệnh cho người khác, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương”, TS. Trần Đắc Phu nêu.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động