Thứ sáu 24/01/2025 04:36
Kết quả tháng Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4- 2021 của Việt Nam

Việt Nam đã điều hành gần 30 cuộc họp cấp đại sứ và hàng chục cuộc họp khác

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Về kết quả tháng Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4- 2021 của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đã có cuộc trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí...
Việt Nam đã điều hành gần 30 cuộc họp cấp đại sứ và hàng chục cuộc họp khác
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang

- Xin Thứ trưởng cho biết đánh giá về những sáng kiến, thông điệp và kết quả nổi bật mà Việt Nam đạt được trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lần này?

- Có thể vui mừng khẳng định tháng chủ tịch HĐBA LHQ của Việt Nam (tháng 4-2021) đã thành công rất tốt đẹp, thể hiện trên 3 phương diện như sau:

Thứ nhất là công tác điều phối, điều hành công việc với tư cách Chủ tịch HĐBA. Trong tháng 4-2021, chúng ta đã điều hành khối lượng công việc khá lớn với gần 30 cuộc họp cấp đại sứ và hàng chục cuộc họp cấp làm việc để thảo luận nhiều vấn đề trên tất cả các châu lục, từ Châu Phi, Trung Đông tới châu Âu, châu Á… Chúng ta cũng đã đề xuất và được thông qua tại HĐBA 10 văn kiện, trong đó có 4 Nghị quyết[1].

Điều đáng mừng là các văn kiện, các nghị quyết này được thông qua với sự đồng thuận, nhất trí của các nước, qua đó thể hiện vai trò điều phối, trao đổi, đối thoại của Chủ tịch HĐBA để duy trì sự đồng thuận, đoàn kết của thành viên trong HĐBA LHQ trong suốt tháng Chủ tịch do Việt Nam đảm nhiệm.

Thứ hai là những đóng góp của Việt Nam vào các vấn đề được thảo luận, trao đổi và công việc của HĐBA. Bằng quan điểm, lập trường hết sức xây dựng, căn cứ vào Hiến chương LHQ, vào luật pháp quốc tế, chúng ta đã nêu rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề xem xét thảo luận tại HĐBA để thúc đẩy đối thoại, gia tăng sự tin cậy, cố gắng giải quyết các xung đột, các vấn đề ở các nơi đang xảy ra trên thế giới.

Thứ ba là những đề xuất, sáng kiến mà Việt Nam quan tâm, thúc đẩy trong tháng Chủ tịch HĐBA. Với cách tiếp cận là cùng chung tay ngăn ngừa, giải quyết xung đột, chúng ta đã đưa ra 3 phiên thảo luận cấp cao về ngăn ngừa xung đột, giải quyết xung đột và xử lý hậu quả xung đột. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 19-4 đã chủ trì Phiên Thảo luận mở cấp cao về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột”;

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì 02 Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng ngày 8-4 với chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” và ngày 27-4 với chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang”. Các phiên họp đều diễn ra thành công, nhận được sự quan tâm của các nước với sự tham dự ở cấp rất cao, đồng thời thông qua được những văn kiện quan trọng để thúc đẩy những nội dung mà chúng ta quan tâm.

- Xin ông có thể cho biết nguyên nhân ta đã đạt được những thành công đó?

- Khi Việt Nam kết thúc 2 năm trong vai trò Ủy viên không thường trực (UVKTT) HĐBA LHQ, chúng ta sẽ có tổng kết một cách đầy đủ, toàn diện hơn về nhiệm kỳ. Còn riêng đối với tháng Chủ tịch này, chúng tôi cho rằng:

Đầu tiên, nguyên nhân thành công quan trọng nhất là sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng của chúng ta. Đảm đương công việc trên cương vị Chủ tịch HĐBA đòi hỏi sự chuẩn bị từ nhiều tháng trước đó ở các khâu từ nội dung đến chương trình, trong đó có tham vấn chặt chẽ với các nước trong HĐBA và các nước thành viên LHQ trong xử lý các vấn đề.

Thứ hai là sự ủng hộ của các nước thành viên HĐBA dành cho Việt Nam. Sự ủng hộ này cho thấy các nước đặc biệt coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam trong thời gian qua. Những đề xuất, sáng kiến chúng ta đưa ra với những lập luận xác đáng được các nước ủng hộ mạnh mẽ.

Thứ ba là các sáng kiến, hoạt động của chúng ta trong tháng Chủ tịch HĐBA cũng được sự quan tâm, sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chủ trì phiên họp của HĐBA, Bộ trưởng Ngoại giao và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham gia rất đông đảo tại tất cả các hoạt động điểm nhấn trong tháng Chủ tịch.

Một điểm mấu chốt nữa là sự tham gia đồng lòng của các bộ ngành liên quan. Ngay trước tháng Chủ tịch, ngày 27-3-2021, Bộ Quốc phòng đã triển khai Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 lên đường nhận nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan. Điều này cũng minh chứng cho việc ngoài những đóng góp của chúng ta với tư cách Chủ tịch HĐBA hay những đóng góp bằng việc thể hiện lập trường, quan điểm, chúng ta còn đóng góp bằng những hành động cụ thể.

- Thưa Thứ trưởng, chúng ta đã gặp phải những khó khăn gì trong thời gian làm Chủ tịch HĐBA và đã giải quyết như thế nào?

- Bản thân việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ đã là một khó khăn. Chúng ta phải điều phối, điều hòa quan điểm khác nhau của các nhóm nước, đặc biệt là các nước lớn. Bởi vậy, mỗi khi đàm phán, thương lượng một vấn đề, văn kiện nào đó đều có sự va chạm về quan điểm. Với vai trò Chủ tịch, chúng ta phải điều hòa các quan điểm đó để làm sao đạt được đồng thuận chung để giải quyết vấn đề cấp bách đang đặt ra. Điều này luôn là thách thức với bất kỳ Chủ tịch nào, và đương nhiên chúng ta không tránh khỏi những khó khăn đó.

Cần phải nói thêm, để Việt Nam đạt được thành công trong việc đề xuất, thúc đẩy các ưu tiên và sáng kiến trong tháng Chủ tịch vừa qua cũng không phải điều đơn giản. Mặc dù là quan tâm chung nhưng đây đều là những vấn đề mới, còn có nhiều khác biệt khi đi vào cụ thể.

Nhưng điều đáng mừng, như tôi đã đề cập, đó là chúng ta đã vượt qua những khó khăn đó, để trong suốt tháng Chủ tịch, tất cả các nước đều rất đồng thuận, nhất trí xem xét giải quyết các vấn đề đặt ra; cả 10 văn kiện đều được HĐBA thông qua với tỷ lệ tuyệt đối 15/15 phiếu.

- Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ thành viên HĐBA, Việt Nam cần phải làm gì để phát huy các thành công đã đạt được trong tháng Chủ tịch 4-2021?

Từ nay đến hết năm 2021 còn một chặng đường dài, nhất là tình hình khu vực và thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, khó lường. Với vai trò là UVKTT HĐBA LHQ, với mong muốn đóng góp vào công việc chung của HĐBA nói riêng và của LHQ nói chung và với tư cách là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các nước tìm giải pháp để duy trì môi trường hòa bình, an ninh quốc tế. Đây là mục tiêu chung và xuyên suốt từ nay đến hết năm 2021 mà chúng ta sẽ triển khai.

Trong quá trình đó, điều quan trọng nhất là làm sao cố gắng để HĐBA có sự đoàn kết, đồng thuận. Đối với các vấn đề phức tạp tại HĐBA, ta vừa cần kiên định lập trường nguyên tắc, bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa xử lý khéo léo, thỏa đáng nhằm thúc đẩy văn hóa đối thoại, đoàn kết và đồng thuận tại HĐBA, tích cực đóng góp để các quyết định của HĐBA phải được dựa trên nền tảng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc độc lập, tự chủ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trên hết, chúng ta mong muốn HĐBA tiếp tục là cơ quan quan trọng nhất trong duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!


[1] Gồm: (i) NQ 2570 về cho phép phái bộ hỗ trợ LHQ tại Libya (UNSMIL) hỗ trợ giám sát lệnh ngừng bắn tại Libya; (ii) NQ 2571 về gia hạn nhiệm vụ nhóm chuyên gia Uỷ ban trừng phạt Libya và các biện pháp cấm xuất khẩu dầu trái phép tại Libya; (iii) NQ 2572 về gia hạn nhiệm vụ Uỷ ban 1540 về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; (iv) NQ 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân.

Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động