Thứ bảy 25/01/2025 01:44

Việt Nam được đề cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021)

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 31-5, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời các câu hỏi của PV về nhiều vấn đề...
Việt Nam được đề cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021)

Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Nhóm các nước Châu Á – Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc ngày 25-5 đã nhất trí đề cử Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Ngày 25-5 vừa qua, tại cuộc họp của Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc, các nước đã nhất trí thông qua đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dành cho Nhóm nhiệm kỳ 2020-2021 tại cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 6-2019.

Việc Nhóm Châu Á – Thái Bình Dương nhất trí thông qua đề cử Việt Nam thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với vai trò và năng lực của Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu quan trọng, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình vận động các nước thành viên Liên hợp quốc ở các khu vực khác trong thời gian tới.

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của Liên hợp quốc như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế-Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019...

Đặc biệt Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008 - 2009, tham gia chủ động, xây dựng và có trách nhiệm, đưa ra nhiều sáng kiến đóng góp vào hoạt động của Hội đồng Bảo an, góp phần vào việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, ổn định, hợp tác và phát triển trên khu vực và thế giới.

Việc hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 cũng đã thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam”.

Trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về những diễn biến gần đây liên quan đến bán đảo Triều Tiên, Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ việc các bên liên quan tiếp tục phát huy các kết quả tích cực đã đạt được thời gian qua, tăng cường hợp tác xây dựng một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, đặt nền móng bền vững cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Bán đảo Triều Tiên, trong khu vực và trên thế giới”.

Về câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Đài Loan tiến hành diễn tập bắn đạn thật tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ:

“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của Đài Loan tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật từ ngày 23 đến 25-5-2018 ở Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Việt Nam kiêm quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không để tái diễn các hành động tương tự”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc mới đây tiến hành diễn tập bắn đạn thật tại Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói:

“Trong những ngày từ 9 đến 12-5-2018, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc;

Vi phạm tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không để tái diễn các hoạt động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như luật pháp quốc tế, không có hoạt động gây gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực”.

Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động