Thứ sáu 24/01/2025 00:40
Ngày 18-8:

Việt Nam ghi nhận 8.656 ca nhiễm Covid-19, 3 bệnh nhân nặng đầu tiên tại Tiền Giang xuất viện

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tính từ 18g ngày 17-8 đến 18g30 ngày 18-8 Việt Nam ghi nhận thêm 8.656 ca nhiễm mới Covid-19, đồng thời có thêm 298 ca tử vong tại 12 tỉnh, TP; tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 18-8 là 6.770 trường hợp.

Thông tin các ca nhiễm mới: Tính từ 18g ngày 17-8 đến 18g30 ngày 18-8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.800 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 8.788 ca ghi nhận trong nước tại TP Hồ Chí Minh (3.731), Bình Dương (2.513), Đồng Nai (443), Long An (428), Tiền Giang (282), Đà Nẵng (134), Kiên Giang (169), An Giang (105), Tây Ninh (104), Cần Thơ (91), Khánh Hòa (86), Bến Tre (72), Phú Yên (65), Vĩnh Long (61), Nghệ An (59), Quảng Nam (53), Hà Nội (46), Đồng Tháp (31), Bình Thuận (20), Thừa Thiên Huế (17), Hậu Giang (16), Bình Định (15), Đắk Nông (13), Quảng Trị (12), Quảng Ngãi (9), Ninh Thuận (8 ), Quảng Bình (8 ), Hà Tĩnh (8 ), Gia Lai (7), Bắc Ninh (7), Lâm Đồng (6), Thanh Hóa (6), Đắk Lắk (5), Lào Cai (4), Sơn La (2), Cà Mau (2), Ninh Bình (1), Thái Bình (1), Vĩnh Phúc (1), Lạng Sơn (1), Điện Biên (1), Bạc Liêu (1) trong đó có 5.935 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 951 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 172 ca, Bình Dương giảm 819 ca, Đồng Nai tăng 145 ca, Long An giảm 153 ca, Tiền Giang giảm 129 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 301.957 ca nhiễm, đứng thứ 73/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.073 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 297.920 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 06/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.

+ Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (160.117), Bình Dương (52.346), Long An (16.007), Đồng Nai (14.945), Bắc Giang (5.795).

Về tình hình điều trị: Có 3.751 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 18-8.

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 115.059 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 654 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.

- Ngày 18-8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 298 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (255), Bình Dương (20), Long An (11), Cần Thơ (2), Bến Tre (2), Vĩnh Long (2), Đà Nẵng (1), Bắc Giang (1), Bình Thuận (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Kiên Giang (1).

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 18-8 là 6.770 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 210.030 xét nghiệm cho 676.379 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27-4-2021 đến nay đã thực hiện 8.676.847 mẫu cho 25.118.695 lượt người.

Sau 24 giờ Việt Nam ghi nhận 8.800 ca nhiễm Covid-19, thêm gần 300 ca tử vong
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 302.101 ca nhiễm, đứng thứ 73/222 quốc gia và vùng lãnh thổ

Trong ngày 17-8 có 395.979 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 15.518.869 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.032.444 liều, tiêm mũi 2 là 1.486.425 liều.

Những hoạt động của ngành y tế trong ngày:

- Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 với 12 tỉnh/thành phố miền Tây Nam Bộ.

- Bộ Y tế có quyết định xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 cho nhiều cơ sở y tế ở các tỉnh phía Nam đang điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Có 17 bệnh viện (các Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19) cùng Bệnh viện Trung ương Cần Thơ và Sở Y tế các tỉnh, thành: TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cần Thơ được cấp thuốc Remdesivir trong đợt này. Đây là lần thứ 2, thuốc Remdesivir được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 của các cơ sở y tế. Trước đó, ngày 8-8, lô thuốc đầu tiên gồm 10.000 lọ Remdesivir đã được đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh.

- Ngày 17-8, khánh thành Trung tâm hồi sức Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long với quy mô 200 giường, dự kiến sẽ hoàn thiện toàn bộ vào cuối tháng 8. Trung tâm hoạt động với mục đích điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch cho người dân của tỉnh Vĩnh Long ngoài ra có thể nhận điều trị các bệnh nhân nặng của tỉnh Đồng Tháp và An Giang.

- Ngày 18-8, Bệnh viện Dã chiến điều trị điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng Tân Bình (đường Hoàng Văn Thụ, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh do Bệnh viện Thống Nhất (bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế) đảm nhiệm chính thức khánh thành với quy mô 1.000 giường. Đây là mô hình bệnh viện dã chiến đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh điều trị cùng lúc cả 3 tầng bệnh Covid-19 (bệnh nhẹ, trung bình và nặng).

- Để giúp các F0 cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe trong lúc chờ Tổ phản ứng nhanh tới hỗ trợ nhập viện khi có dấu hiệu nặng, TP Hồ Chí Minh lập trạm đo SpO2 và thở oxy tại các khu phố và tổ dân phố.

- UBND tỉnh Nghệ An khảo sát thành lập thêm 2 bệnh viện dã chiến tại thị xã Cửa Lò.

- Từ hôm nay đến ngày 23-8, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho phụ nữ đang mang thai (tuổi thai từ trên 13 tuần), với số lượng dự kiến là 1.000 liều.

- Từ ngày 18-8, Quảng Nam tăng thời gian cách ly tập trung từ 7 lên 14 ngày đối với người về từ các tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

3 bệnh nhân nặng đầu tiên tại Trung tâm hồi sức tích cực tỉnh Tiền Giang được công bố khỏi bệnh

Ngày 18-8, Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Tiền Giang đã làm thủ tục xuất viện cho 3 bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi bệnh. Đây là những bệnh nhân đầu tiên tại Trung tâm Hồi sức tích cực tỉnh Tiền Giang đủ điều kiện hồi phục được trao giấy ra viện sau quá trình điều trị. Cả 3 bệnh nhân đều là công dân Tiền Giang có địa chỉ thường trú tại thành phố Mỹ Tho. Các bệnh nhân khi nhập viện được chẩn đoán viêm phổi nặng do nhiễm SARS-COV-2, suy tim, trào ngược dạ dày thực quản…

Sau quá trình điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, sức khỏe của cả ba bệnh nhân đã được cải thiện, cai máy thở thành công, sau ba lần xét nghiệm RT- PCR cho kết quả âm tính, các bệnh nhân đã đủ điều kiện được xuất viện và tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà thêm 14 ngày theo quy định.

Trung tâm Hồi sức tích cực Tiền Giang là cơ sở điều trị đầu tiên thuộc tầng thứ 3 của tỉnh, hiện vẫn đang thu dung, điều trị cho 90 bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch. Tính đến 18-8 đã có 15 bệnh nhân tại đây hồi phục và được chuyển xuống các cơ sở điều trị tuyến dưới; 3 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện.

Sau 24 giờ Việt Nam ghi nhận 8.800 ca nhiễm Covid-19, thêm gần 300 ca tử vong
Các bệnh nhân nặng đầu tiên tại Tiền Giang được xuất viện (ảnh BYT)

Công thức 5 điểm chống dịch ở TP Hồ Chí Minh

Tại buổi làm việc với Thành uỷ, UBND TP Hồ Chí Minh về công tác chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 bao gồm triển khai gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho F0 và cấp cứu và điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ hoàn toàn đồng ý việc phân tầng điều trị 3 tầng của TP Hồ Chí Minh, đồng thời đánh giá cao việc TP đã sáng tạo đưa ra mô hình chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 theo 2 trụ cột (trụ cột thứ nhất là áp dụng gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà đối với người mắc Covid-19 (F0) mới được phát hiện tại cộng đồng đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định. Trụ cột thứ hai là cấp cứu và điều trị các bệnh viện của TP).

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, mô hình chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho người F0 cũng chính là tầng điều trị thứ nhất. Mở rộng tầng 1 bao nhiêu thì nền móng vững chắc bấy nhiêu. Nếu không mở rộng tầng 1, sẽ gây quá tải và khó khăn cho tầng điều trị 2 và 3.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong chăm sóc sức khoẻ F0 tại nhà, quan trọng là triển khai xét nghiệm tại chỗ, nếu phát hiện ra F0 thì khoanh luôn nhà đó, phát luôn túi thuốc chăm sóc điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong 1 tuần. Xét nghiệm tại chỗ, chăm sóc tại chỗ và an sinh tại chỗ sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm, giúp hạn chế chuyển tình trạng nặng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, song song đó cần mở rộng tầng 2 và tầng 3, trong đó lưu ý tầng 2 phải bắt buộc có oxy và thuốc chống đông, kháng viêm. Tầng 2, dành điều trị người bệnh trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Nếu điều trị trong 7-10 ngày, bệnh nhân tiến triển, khoẻ thì cho về nhà cách ly theo dõi y tế kèm theo túi thuốc chăm sóc sức khoẻ tại nhà.

Các BV thuộc tầng 3 bắt buộc giao ban hàng ngày về chuyên môn với các BV tầng 2, đồng thời cử êkip y bác sĩ của tầng 3 xuống tầng 2 hỗ trợ liên tục về chuyên môn để vừa lọc bệnh nhân ở tầng 2, chuyển tuyến tầng 3 ngay khi cần, vừa hướng dẫn thêm cho y bác sĩ tại tầng 2.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt lưu ý TP Hồ Chí Minh cần đặc biệt lưu tâm thực hiện 5 điểm trong công tác phòng chống dịch giai đoạn này, đó là:

TP phải thực hiện giãn cách thật nghiêm. Giãn cách nghiêm là vấn đề cơ bản, quan trọng và quyết định. Các biện pháp khác là biện pháp kỹ thuật hỗ trợ thêm.

Chú trọng thực hiện an sinh xã hội tại chỗ. Đây là biện pháp trọng yếu và thường xuyên. Khi người dân được cung cấp các gói an sinh xã hội, họ sẽ không phải ra bên ngoài và như thế sẽ hạn chế được sự lây nhiễm dịch bệnh.

Xét nghiệm sớm là biện pháp then chốt nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, xác định rõ người nhiễm để có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh để lây lan nhanh, diện rộng.

Về xét nghiệm, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 86, có thể làm theo 2 hướng. Thứ nhất để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì khẳng định lại bằng PCR. Thứ hai, Thành phố chủ động “quét” các khu vực bằng test nhanh gộp mẫu hoặc bằng khẳng định theo các vùng nguy cơ đã có hướng dẫn.

Công thức thứ 4 là giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Và công thức thứ 5: Vắc-xin là chiến lược lâu dài.

T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động