Thứ năm 23/01/2025 13:49

Vĩnh Phúc - “Chủ nhà” vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2018

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vào 20g ngày 8-5, Lễ khai mạc và thi đấu chính thức Vòng chung kết cuộc thi “Sáng tạo Robot Việt Nam 2018” (Robocon Việt Nam 2018) sẽ diễn ra tại Nhà thi đấu tỉnh Vĩnh Phúc.  

Anh tài hội tụ…

Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam là cuộc thi được tổ chức thường niên, đến nay đã bước sang năm thứ 17. Đây là cuộc thi dành riêng cho sinh viên ngành kỹ thuật các trường Đại học, Cao Đẳng, và Trung học chuyên nghiệp trên toàn quốc, là một sân chơi có tính trí tuệ, nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo của các bạn trẻ yêu khoa học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp tự động hóa Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên, vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2018 được tổ chức tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc trong các ngày từ 8 đến 13-5. Vĩnh Phúc là tỉnh có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, có nền văn hóa lịch sử lâu đời với quần thể di tích, kiến trúc đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng cùng với những điểm du lịch tâm linh ý nghĩa. Do vậy, chắc chắn các đội tuyển xuất sắc nhất toàn quốc về tham dự sẽ có những trải nghiệm thú vị và có những kỷ niệm khó quên tại vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam năm nay gồm 32 đội mạnh vượt qua các vòng đấu loại tại miền Bắc và miền Nam, hội tụ tại Vĩnh Phúc tham gia tranh tài. Trong đó, với tư cách “chủ nhà” có sự góp mặt của 5 đội tham gia – đến từ trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật, các đội của Vĩnh Phúc được đánh giá là những đối thủ rất đáng gờm.

vinh phuc chu nha vong chung ket cuoc thi sang tao robot viet nam 2018
Trước khi bước vào tranh tài chính thức, mỗi đội được 15 đến 20 phút thử sân, chuẩn bị đấu pháp và lựa chọn đội hình thi đấu...

Theo lịch đấu, 32 đội thi đấu chia thành 8 bảng, mỗi bảng 4 đội thi đấu. Ở vòng 1, mỗi đội trong mộ bảng đấu sẽ thi đấu vòng tròn 1 lượt. Sang vòng 2 sẽ là đấu loại trực tiếp, để chọn 8 đội chiến thắng bước vào thi đầu bán kết tứ kết và chung kết.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn hai đội xuất sắc nhất toàn quốc (nhất và nhì) để tham dự sân chơi quốc tế, Cuộc thi sáng tạo Robot Châu Á – Thái Bình Dương (ABU Robocon).

Khách quan, linh hoạt, sáng tạo

Cuộc thi sáng tạo Robot Châu Á – Thái Bình Dương (ABU Robocon) cũng đã bước sang năm thứ 17. Những cuộc tranh tài lôi cuốn hấp dẫn trong cuộc thi, từ lâu đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ là điểm đến được mong chờ nhất trong năm của sinh viên cả nước và khu vực. Quy tụ những đội xuất sắc trong cuộc thi Sáng tạo Robot đến từ nhiều quốc gia, năm nay cũng được tổ chức tại Việt Nam trong thời gian tới.

Một điều không phải ai cũng biết, điểm thú vị của cuộc thi Sáng tạo Robot Châu Á – Thái Bình Dương ở chỗ, đề thi được ra trên nguyên tắc “thi chung”. Nước nào đăng cai sẽ đưa ra đề thi để tất cả các nước tham dự “thi chung” theo mô hình cụ thể.

Nguyên tắc ra đề là khách quan công bằng, không thiên vị. Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng, cuộc thi “sáng tạo Robot” thì những quốc gia phát triển, có thế mạnh về khoa học kỹ thuật như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… sẽ chiếm ưu thế?

Nhưng trên thực tế thì không hẳn như vậy, bởi lẽ khi đưa ra đề thi Ban Tổ chức sẽ phải thảo luận bàn bạc và thống nhất của Hội đồng cố vấn (quốc tế) để đảm bảo việc ra đề có sự giám sát nghiêm ngặt, và dừng lại ở giới hạn kiến thức của sinh viên, chứ không phải là kiến thức của những chuyên gia. Việc ra đề đảm bảo trên cơ sở kiến thức của những sinh viên năm thứ 3 thứ 4 có thể tiếp cận và thực hiện được những nội dung mà đề thi yêu cầu.

Ban Tổ chức cuộc thi cũng không khuyến khích ra đề thi mang tính phức tạp về công nghệ đòi hỏi quá nhiều tốn kém về chi phí cũng như thời gian của sinh viên – nhằm đảm bảo trong giới hạn khả năng sinh viên hoàn toàn có thể tham dự một cách hài hòa hợp lý nhất. Thực tế từ nhiều lần tổ chức cuộc thi cho thấy, đội đầu tư tốn kém nhiều kinh phí chưa chắc đã là đội có thể lọt vào vòng chung kết, bởi tiêu chí sáng tạo, khả năng hiện thực hóa những ý tưởng mới là điểm quan trọng nhất mà các đội tham dự phải đạt được.

Năm nay Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Cuộc thi sáng tạo Robot Châu Á - Thái Bình Dương. Theo quy định của Ban Tổ chức, những nước đăng cai cuộc thi sẽ có 2 đội tham gia thi đấu (2 đội xuất sắc nhất toàn quốc - giải nhất và giải nhì lựa chọn từ cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2018). Quy định này nhằm khuyến khích động viên (tăng thêm cơ hội giành giữ cúp) cho nước chủ nhà. Nhưng thực tế, đội nào mạnh phát huy tối đa khả năng sáng tạo thì mới giành được chiến thắng, các nước “chủ nhà” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ai Cập, và cả Việt Nam… cũng từng thất bại, để cúp vô địch rơi vào tay… đội khách.

Đề thi ABU Robocon 2018 được xây dựng dựa trên trò chơi dân gian quen thuộc của Việt Nam có tên gọi là “ném còn” – về kỹ thuật sẽ đòi hỏi các đội thiết kế robot phải hội tụ các yếu tố thông minh: kỹ thuật, độ chính xác, sự khéo léo, linh hoạt sáng tạo và thiết kế những “quả còn” độc đáo, rực rỡ sắc màu mang dấu ấn riêng từng đội…

Qua các cuộc thi “Sáng tạo Robot” từng diễn ra trước đây, Tổng kết từ Ban Tổ chức, và các thầy cô giáo cho thấy những sinh viên tham dự cuộc thi thì khả năng tìm kiếm được việc làm rất cao. Những ngôi trường có thành tích “khét tiếng” trong việc tham dự cuộc thi “sáng tạo Robot” thì tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm rất cao, mà trường Đại học Lạc Hồng là một ví dụ cụ thể - coi cuộc thi Robocon là một môi trường thực hành tốt, để sinh viên ứng dụng kiến thức, và khả năng sáng tạo vào thực tế. Cuộc thi, cũng góp phần thiết thực trong việc tạo động lực thực sự, thúc đẩy phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học.

Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động