Thứ sáu 24/01/2025 13:52

Vụ học sinh nghỉ học ở Mê Linh: Trẻ rất thiệt thòi khi bị lôi kéo vào câu chuyện của người lớn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để phản đối Dự án Công viên Tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước, nhiều phụ huynh ở 2 xã trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội đã cho con nghỉ học. Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm lý, việc này có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý.

TS. Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Nghỉ học do ốm đau, nghỉ học do bị kỉ luật... đối với trẻ đều là việc chẳng đặng đừng. Việc cho học sinh nghỉ sẽ khiến các em bị gián đoạn việc tiếp thu bài vở, sẽ có nhiều phần kiến thức không thể bù đắp được.

Ngoài các lý do nghỉ học vì chính trẻ, các lý do khác đều không thể chấp nhận. Nếu việc nghỉ học kéo dài, trẻ có thể sẽ không có đủ điều kiện để theo học tiếp, việc học tập bị ảnh hưởng. Nếu trẻ bị lưu ban do chính sự “ép buộc” của cha mẹ, trẻ sẽ phải ngồi chung lớp với các học sinh nhỏ tuổi hơn mình.

Đôi khi, việc phát triển tâm sinh lý không còn phù hợp với mặt bằng chung các bạn trong lớp, không phù hợp với cách quản lý của giáo viên, trẻ sẽ cảm thấy ức chế, khó chịu, và việc học tập cũng như phát triển nhân cách sẽ bị ảnh hưởng, TS. Vũ Thu Hương lưu ý.

Trước câu hỏi khi trẻ bị lôi vào chuyện của người lớn thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách của trẻ ra sao?, TS. Vũ Thu Hương cho rằng: Việc của người lớn thì người lớn cần phải giải quyết. Khi trẻ em bị lôi vào câu chuyện của người lớn, các em có thể bị lôi kéo theo mấy câu chuyện đó mà sao lãng việc học. Các em đôi khi nghĩ rằng không cần học nữa, chỉ cần đi đấu tranh là đủ rồi.

vu hoc sinh nghi hoc o me linh tre rat thiet thoi khi bi loi keo vao cau chuyen cua nguoi lon
TS. Vũ Thu Hương cho rằng, cha mẹ cần cân nhắc kỹ khi cho con nghỉ học để tham gia vào việc của người lớn

Cũng có thể các em cảm thấy khó chịu, phản đối chính cách giải quyết của cha mẹ, ức chế bực bội vì bị lôi vào những câu chuyện không liên quan đến các em. Hoặc cũng có thể trẻ cảm thấy nhà trường và chính quyền là tồi tệ, gây áp lực cho gia đình mình.

Các em còn nhỏ, không thể phân biệt rõ ràng trắng đen, tốt xấu. Sau khi quá trình đấu tranh chấm dứt, các em sẽ không muốn tiếp tục đi học, tiếp tục làm việc với thầy, cô giáo- là những người các em nghĩ là đại diện cho thế lực gây ra khó khăn cho gia đình các em.

Dù phát triển tâm lý và suy nghĩ theo hướng nào, trẻ cũng rất thiệt thòi khi bị lôi kéo vào câu chuyện của người lớn”, TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, trẻ em có quyền được đi học, không ai được phép xâm phạm vào quyền của các em. Việc này đã được quy định trong pháp luật. Nếu vi phạm, cha mẹ có thể sẽ bị truy cứu hình sự. Trẻ em không phải là “vũ khí” của người lớn. Các em là con người, các em được pháp luật bảo vệ.

Người lớn lấy chính sự nhân đạo của xã hội và chính phủ đối với trẻ ra để làm “vũ khí” cho mình thì sẽ đến lúc họ phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhà nước và xã hội chỉ nhân đạo với trẻ em chứ không nhân đạo với những người vi phạm pháp luật.

“Các gia đình cần phải lưu ý rõ điều này, nếu không, đến lúc chính họ bị truy cứu hình sự, nhà tan, cửa nát, trẻ em bơ vơ, họ cũng chẳng đòi hỏi được điều gì. Đấy chính là điều mà các gia đình cần phải cân nhắc kĩ càng”, TS. Vũ Thu Hương đưa ra lời khuyên.

Trước đó, từ ngày 14-11 đến ngày 26-11 phụ huynh trên địa bàn 2 xã Thanh Lâm và Tam Đồng của huyện Mê Linh, Hà Nội đã tự ý cho con nghỉ học để phản đối Dự án Công viên Tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước. Số học sinh nghỉ học ở cấp Tiểu học, THCS và mầm non với số lượng trên 2.000 trẻ.

Thành uỷ Hà Nội đã chỉ đạo huyện Mê Linh và các cơ quan chức năng liên quan tạm dừng giao mốc giới Dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước để tập hợp ý kiến người dân; giao ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với huyện để rà soát hồ sơ liên quan đến dự án, quy trình thực hiện dự án; lắng nghe tập hợp ý kiến, kiến nghị của người dân xung quanh dự án này.

T. An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động