Thứ hai 03/02/2025 03:03

Xây dựng trường học hạnh phúc: Hiệu trưởng phải là người đi đầu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh, cứ như thế điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội” – Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ với hơn 400 hiệu trưởng đến từ các trường học trong cả nước trong chương trình tọa đàm “Hiệu trưởng thay đổi vì một trường học hạnh phúc”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiệu trưởng có vai trò rất đặc biệt, đó là tạo ra môi trường hạnh phúc, gợi mở cho học sinh, giáo viên có những cảm xúc tích cực, ở đó giáo viên, học sinh được sáng tạo, được tôn trọng. Chỉ khi các hiệu trưởng hạnh phúc thì mới có sự cảm thông, chia sẻ, vị tha, tạo được môi trường mọi người thương yêu nhau. Với mỗi cá nhân, hạnh phúc là làm việc mình thích và thích việc mình đang làm, từ đó mới có nhiệt huyết để giảm áp lực. Tuy nhiên, hạnh phúc là khái niệm rộng lớn, khó hình dung, vì vậy, để xây dựng được một trường học hạnh phúc cần có những tiêu chí cụ thể. Bộ trưởng đề cập tới 3 nhóm tiêu chí để xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc.

Tiêu chí thứ nhất là xây dựng môi trường tôn trọng sự phát triển của mỗi cá nhân. Ở đó, không có bạo lực học đường, học sinh được thể hiện cái riêng của mình, được đối xử thân thiện, không phân biệt đẳng cấp hay xếp hạng. Ở đó, các em được phát triển tối đa năng lực của mình, được tôn trọng, không ai bị bỏ rơi. Trường học phải là một thiết chế văn hóa xanh, sạch, đẹp. Ở những vùng khó khăn, nếu hiệu trưởng biết sắp xếp thì vẫn có thể xây dựng được một ngôi trường tuy không khang trang, hiện đại nhưng sạch đẹp. Trường học còn phải là môi trường dân chủ, ở đó mọi người được thể hiện ý kiến của mình.

xay dung truong hoc hanh phuc hieu truong phai la nguoi di dau
Xây dựng một trường học hạnh phúc phải bắt đầu từ sự thay đổi của Hiệu trưởng. Ảnh: T.F

Nhóm tiêu chí thứ hai là trong nhà trường, giáo viên phải được sáng tạo, được đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến. Phải khơi gợi cho các thầy cô giáo sự sáng tạo. “Hiện nay có nhiều hiệu trưởng tôn trọng sự sáng tạo, nhưng cũng có nhiều hiệu trưởng còn mang tư tưởng áp đặt, bắt giáo viên phải nghe theo. Do vậy, hiệu trưởng cần thay đổi, giao quyền chủ động cho giáo viên, tạo ra môi trường để giáo viên dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau, không chạy theo thành tích. Cũng cần quan tâm giảm áp lực cho giáo viên từ sổ sách giấy tờ tới áp lực thành tích” - Bộ trưởng nói.

Học sinh đến trường bên cạnh việc học tập phải được vui chơi, trải nghiệm, sáng tạo. Khi không phải chịu áp lực của bài tập, không bị phân biệt đối xử các em sẽ cảm thấy hạnh phúc khi đến trường. Nếu hiệu trưởng khích lệ, động viên kịp thời giáo viên sẽ phấn khởi, từ đó lại khích lệ kịp thời học sinh. Cần khen chê đúng và loại bỏ những hình phạt, thay vào đó là kỉ luật tích cực.

Nhóm tiêu chí thứ ba là quan hệ của nhà trường với cộng đồng xã hội, trong đó có những cựu học sinh của nhà trường. Hiệu trưởng trên cương vị của mình cần tạo dựng được mối quan hệ này để làm cho giáo viên, học sinh tự hào về môi trường đã ươm tạo, nuôi dưỡng nhiều tài năng, là ngôi trường được cộng đồng xã hội tôn trọng.

Khi tạo được môi trường hạnh phúc trong nhà trường, sẽ hình thành những con người coi trọng cảm xúc chứ không phải chạy theo trí tuệ nhân tạo, chạy theo công nghệ. Công nghệ là rất cần trong thời đại hiện nay, nhưng nếu chúng ta quá coi trọng sẽ không đảm bảo mục tiêu của giáo dục là phát triển con người toàn diện” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tọa đàm “Hiệu trưởng thay đổi vì một trường học hạnh phúc” là nơi gặp gỡ của các hiệu trưởng, những người làm trong ngành giáo dục để cùng tìm kiếm những phương pháp để tạo dựng trường học hạnh phúc. Đồng thời, truyền cảm hứng cho các hiệu trưởng về mục tiêu trong giáo dục là tạo dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc cho chính mình, cho giáo viên và học sinh.

Cũng tại tọa đoàm, GS Peck Cho, đến từ trường ĐH Hàn Quốc, ông là chuyên gia đào tạo hơn 11.000 hiệu trưởng tại Hàn Quốc đã trình bày tại tọa đàm về vai trò của người hiệu trưởng trong nền giáo dục của tương lai, những đổi mới trong quản trị trường học dành cho hiệu trưởng và kinh nghiệm thay đổi hiệu trưởng tại Hàn Quốc - những gì có thể áp dụng tại Việt Nam.

“Hiệu trưởng thay đổi vì trường học hạnh phúc" là dự án tiếp nối dự án “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” nhằm đào tạo, huấn luyện dành cho hiệu trưởng các trường với mục đích giúp các hiệu trưởng trên toàn quốc vượt qua những khó khăn mà họ phải đối mặt trong hệ thống giáo dục. Từ đó trở thành những nhà giáo dục tài năng, những người có tầm ảnh hưởng tích cực tới các giáo viên, các học sinh, cán bộ nhân viên trong trường.
Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động