Xuân về trên phố xưa!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên“Tết Việt - Tết phố 2024” góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và quảng bá hình ảnh khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ và Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Phỏng dựng nhiều nghi lễ đặc sắc Tết phố cổ Hà Nội
Những ngày cuối năm, dù trong cái rét tái tê, nhưng phố phường Hà Nội vẫn bừng lên không khí xuân ấm áp, chuỗi hoạt động văn hóa “Tết Việt - Tết phố 2024” đã giới thiệu với Nhân dân, du khách về không gian, nếp sinh hoạt đón Tết truyền thống của người Hà Nội với nhiều hoạt động trải nghiệm các nét văn hóa dân gian. Ngày 28/1/2024, chương trình “Tết Việt - Tết phố 2024” nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân tổ chức, đã khai mạc tại đình Kim Ngân, 40-42 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đặc biệt, tại chương trình, Ban tổ chức đã phỏng dựng nhiều nghi lễ đặc sắc của Tết phố cổ Hà Nội. Đó là các đoàn rước dâng lễ cửa Đình, lễ cáo yết Thành h5oàng và cúng Tổ nghề, lễ dựng cây Nêu…Những nghi lễ của người Việt được Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cùng nhóm Đình làng Việt phỏng dựng với mong muốn trở thành truyền thống mới của Phố cổ Hà Nội. Ngoài ý nghĩa về tín ngưỡng thì Ban tổ chức mong muốn mọi người cùng nhau chung vui, mang tinh túy văn hóa Hà Nội đến gần hơn với cuộc sống.
Đoàn rước dâng lễ cửa Đình xuất phát từ Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đi qua phố Đào Duy Từ - Ô Quan Chưởng - Hàng Chiếu - Hàng Giầy - đền Bạch Mã - Hàng Buồm - Tạ Hiện - rạp Chuông Vàng - Hàng Bạc - đình Kim Ngân. Tham gia đoàn rước là hơn 300 người, trong đó có tới 200 người bê lễ, đa phần là thanh thiếu niên. Đoàn chia làm nhiều khối: khối sinh tiền, khối làm lễ, khối dâng lễ, khối các địa phương (nghệ thuật Huế, hát Xoan Phú Thọ, hát Then Thái Nguyên...) và cộng đồng. Những người tham gia đoàn rước đều mặc trang phục áo dài truyền thống ngũ thân, trong đó, người làm lễ mặc áo tấc (áo tay rộng), những người còn lại mặc áo tay chẽn. Lễ vật là những vật phẩm truyền thống của Hà Nội: Bánh cốm, chè sen, bánh chưng, mứt Tết...
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt Nguyễn Đức Bình cho biết: “Lễ rước năm nay có sự thay đổi lớn, người mặc áo dài truyền thống ngũ thân tăng lên nhiều. Hầu như mọi người không mặc trang phục lai căng đến chương trình Tết Việt - Tết phố, như trang phục thêu rồng, phượng, hoa lá và trang phục nam theo kiểu Ấn Độ. Năm nay, lễ rước hoàn toàn có sự tham gia của cộng đồng, không có sự tham gia của nghệ sĩ.
Lễ cáo yết Thành hoàng và cúng Tổ nghề thực hiện trang nghiêm cầu mong đến thần linh, đặc biệt là Thành hoàng và Tổ nghề đình Kim Ngân những điều tốt đẹp cho năm mới. Trong đoàn có sự tham gia của nhiều nghệ nhân nghề thủ công truyền thống và đây cũng là dịp tri ân đến ông Tổ bách nghệ đang được thờ phụng tại đình Kim Ngân và cầu mong năm mới hanh thông.
Lễ dựng cây nêu được thực hiện sau khi hoàn tất các nghi lễ khác và thực hiện trong sự vui mừng, phấn khích của những người tham dự. Cây tre dùng để làm cây nêu được lấy từ huyện Chương Mỹ (Hà Nội), các đồ làm nêu như các con cá được đặt tại làng mộc Áng Phao (huyện Thanh Oai), sơn các con cá do thợ sơn làng sơn mài Bối Khê (huyện Phú Xuyên) thực hiện. Cây nêu được dựng với ý nghĩa giữ đất, không cho ma quỷ xâm chiếm đất, nhưng nó có ý nghĩa lớn lao hơn là báo hiệu mùa xuân mới đã về.
Phó trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết: “bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu Phố cổ Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm mà UBND quận Hoàn Kiếm, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội thực hiện. Chuỗi hoạt động văn hóa “Tết Việt – Tết phố 2024” tập trung giới thiệu với Nhân dân, du khách về không gian, nếp sinh hoạt đón Tết truyền thống của người Hà Nội, không gian Tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, tổ chức các hoạt động trải nghiệm các nét văn hóa dân gian, cũng như giao lưu, giới thiệu các sản phẩm làng nghề nhân dịp Tết truyền thống.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế chia sẻ: “mọi người rất muốn tham gia các hoạt động trong chương trình "Tết Việt - Tết phố 2024" để hướng về cội nguồn, cùng chung tay để khơi dậy bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó ngày Tết Việt một trong những hoạt động rất điển hình nơi chúng ta có thể thấy lại những giá trị rất độc đáo cả về mặt tâm linh lẫn hình thái.
Đây cũng là một dịp mà Hà Nội cũng thể hiện được vị thế của mình trong việc tụ hội những người yêu mến văn hóa truyền thống từ bốn phương về với Thủ đô, góp phần điều chỉnh và làm phong phú thêm rất nhiều nghi thức truyền thống từ trang phục, âm nhạc, nghi lễ… Chính sự giao lưu học hỏi văn hóa các vùng miền làm cho chúng ta càng hiểu rõ thêm các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam hết sức phong phú, nhưng nó cũng chung một cội nguồn từ văn hóa Việt, đó là giá trị lớn nhất mà “Tết Việt - Tết phố 2024” mang lại”.
Sự kết hợp độc đáo của Tết Cung đình xưa với văn hóa Tết nay
Cũng trong dịp này, chương trình “Happy Tết 2024 - Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống” tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long với quy mô 3.000-3.500m2, được thiết kế, trang trí hoành tráng, công phu và đầy sáng tạo đã giới thiệu ngày Tết truyền thống, điểm đến du lịch, giá trị văn hóa, di sản... các vùng miền trên cả nước.
Chương trình bao gồm các không gian: “Chuyến tàu Quê hương”, “Không gian nhà Hà Nội xưa”, “Không gian Tết miền Trung”, “Không gian Tết miền Nam”, “Không gian Tết sắc màu dân tộc”, “Không gian quảng bá ẩm thực” được sắp đặt dàn dựng cùng với các tiểu cảnh giới thiệu điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội như: cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, chợ hoa Mê Linh, Tây Hồ... Đặc biệt là các gian hàng mô phỏng nhà Phố Phái tái hiện phố cổ Hà Nội một thời giao thương tấp nập.
Điểm nhấn cho chuỗi trải nghiệm không khí Tết là hình ảnh nhà ga với chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt, đưa những người con xa quê về quê ăn Tết. Xuất phát từ ga Hà Nội, “Chuyến tàu Quê hương” sẽ đưa người dân và du khách chiêm ngưỡng những vườn hoa xuân rực rỡ hương sắc bên cây cầu chứng nhân lịch sử Long Biên cổ kính. Tiếp đến “Không gian nhà Hà Nội xưa” được phục dựng từ ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Tại đây, người dân cũng như du khách sẽ được tìm hiểu một gia đình người Hà Nội xưa chuẩn bị mâm cơm cúng Tết cùng người thân quây quần gói bánh chưng trong hương thơm của nước mùi già nồng vị, ấm lòng.
“Không gian Tết miền Trung” được diễn tả tại ngôi nhà vườn An Hiên Huế với thiết kế hồ sen trước nhà được xây dựng theo kiến trúc nhà vườn phong thủy xưa cùng các tiểu cảnh thể hiện đặc trưng của Tết miền Trung. “Không gian Tết miền Nam” tái hiện hình ảnh ngày Tết sôi động, nhộn nhịp trên chợ nổi, mang đậm dấu ấn miệt vườn, sông nước của người dân Nam Bộ.
“Không gian Tết sắc màu dân tộc” kể về câu chuyện sinh hoạt của đồng bào dân tộc ngày Tết với những nghi lễ, phong tục, ẩm thực tạo nên một bức tranh Tết đa sắc màu. Không gian quảng bá ẩm thực Tết Hà Nội và các vùng miền chính là linh hồn của sự kiện, bởi ẩm thực không chỉ phản ánh văn hóa bản địa của mỗi vùng, miền mà còn chứa đựng hồn cốt văn hóa của dân tộc, quan niệm nhân sinh và những giá trị bền vững, đặc trưng riêng có của Hà Nội cũng như cả nước. Mỗi món ăn được đưa đến đều gửi gắm một câu chuyện về bản sắc, sự giao thoa hương vị cuộc sống, làm nổi bật nét riêng biệt có trong văn hóa Tết Việt.
Xuân về trên làng quất cảnh Tứ Liên | |
Xuân về với người lính đảo |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại