Thứ năm 23/01/2025 14:00

Ăn mặn và những tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Việc sử dụng quá nhiều muối trong các món ăn hằng ngày gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe như dẫn tới đột quỵ, bệnh thận, cao huyết áp, ung thư dạ dày...
Điều gì xảy ra với cơ thể nếu bạn ăn quá nhiều muối?
Muối là loại gia vị có nhiều lợi ích đối với sức khỏe.

Thành phần của muối

Muối là một loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta, muối cũng được sử dụng như một chất bảo quản giúp thực phẩm tươi lâu hơn. Thành phần của muối chứa khoảng 60% clorua và 40% natri.

Hầu như tất cả các loại thực phẩm chưa qua chế biến như rau, trái cây, các loại hạt, thịt, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm từ sữa - đều chứa hàm lượng natri nhất định.

Muối ăn giúp thư giãn các cơ, hỗ trợ các xung thần kinh, cân bằng khoáng chất và nước mà chúng ta hấp thụ vào cơ thể.

Bạn cần bao nhiêu muối một ngày?

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê nhỏ), trong khi tại Việt Nam, 20% dân số thường xuyên ăn các món có nhiều muối như dưa muối, cà muối, mì ăn liền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, các loại thịt chế biến như xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, giò, chả...

Tác hại nghiêm trọng của việc ăn mặn

Việc sử dụng quá nhiều muối trong các món ăn hằng ngày gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe như dẫn tới đột quỵ, bệnh thận, cao huyết áp, ung thư dạ dày...

1. Ăn mặn có thể gây hại cho hệ tim mạch

Sau khi được tiêu thụ và đi vào máu, natri là một miếng bọt biển hút nước. Khi nhiều nước được hút vào máu, thể tích chất lỏng tăng lên và áp lực lên thành mạch máu của bạn tăng lên. Tăng huyết áp được coi là kẻ giết người thầm lặng, bởi vì nó có rất ít dấu hiệu hoặc triệu chứng mà mọi người có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hypertension, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ số một để phát triển bệnh tim mạch. Người ta ước tính rằng huyết áp cao là nguyên nhân gây ra 54% các ca đột quỵ và 47% các bệnh tim mạch vành, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet. Huyết áp cao cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến suy tim, rung tâm nhĩ và bệnh van tim.

2. Ăn mặn có thể gây đột quỵ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thường xuyên dùng đồ ăn mặn dẫn tới 62% các ca đột quỵ não. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nếu giảm 1 thìa cà phê muối ăn trong các bữa ăn mỗi ngày sẽ giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ

3. Ăn mặn làm hại thận

Ăn quá mặn sẽ ảnh hưởng tới thận - cơ quan quan trọng quyết định tới sinh lý phái mạnh. Cụ thể, ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Nếu đã bị bệnh thận mà bệnh nhân vẫn sử dụng đồ ăn mặn thì bệnh sẽ ngày càng nặng. Ngược lại, nếu giảm lượng muối thì chức năng thận sẽ được cải thiện tốt hơn. Ngoài ra, muối cũng là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh như sỏi thận, thận nhiễm mỡ,...

4. Ăn mặn gây bệnh dạ dày

Muối tương tác với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) gây viêm loét dạ dày và tá tràng. Loại vi khuẩn này là nguyên nhân của 80 - 90% các trường hợp mắc viêm loét dạ dày, tá tràng. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy những ai thường xuyên ăn đồ ăn mặn có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người khác. Ngoài ra, lượng natri trong cơ thể cao cũng làm giảm hiệu quả điều trị ung thư dạ dày.

5. Ăn mặn làm yếu xương

Ăn mặn làm hại xương. Việc ăn quá nhiều muối có thể gây mất canxi từ xương trong khi canxi là yếu tố quan trọng cho xương khỏe mạnh. Khi xương bị mất canxi thì chúng sẽ trở nên yếu, dễ gãy hơn. Điều này làm tăng nguy cơ loãng xương.

6. Ăn mặn có thể dẫn đến tăng cân

Ăn mặn cũng khiến bạn tạm thời nặng hơn trên cân do giữ nước, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lượng muối ăn vào cao có tương quan với việc tăng cân và tăng mỡ trong cơ thể. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hypertension cũng cho thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa chế độ ăn nhiều natri với tình trạng thừa cân và béo phì, bất kể lượng calo tiêu thụ và chất lượng của những calo đó.

Nghiên cứu cho thấy ở người trưởng thành, lượng natri tăng thêm 1.000 mg/ngày sẽ làm tăng 26% nguy cơ béo phì. Tệ hơn nữa, lượng muối ăn vào cao có liên quan đến chỉ số BMI, vòng eo và mỡ cơ thể cao hơn. Trong khi cơ chế vẫn chưa được hiểu rõ, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng muối có thể tác động tiêu cực đến quá trình chuyển hóa chất béo.

7. Ăn mặn có thể làm cho chứng đau nửa đầu của bạn tồi tệ hơn

Những nghiên cứu đầu tiên về mối liên hệ giữa mất cân bằng natri và chất lỏng với chứng đau nửa đầu đã có từ những năm 1940. Trong khi nghiên cứu đang được tiến hành, một nghiên cứu năm 2021 trên 262 người trưởng thành được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh đã báo cáo rằng sau khi kiểm soát các tác nhân gây đau nửa đầu tiềm ẩn khác, những người có lượng natri cao nhất (được đo trong nước tiểu) bị đau đầu lâu hơn so với những người có lượng natri thấp hơn.

Điều gì xảy ra với cơ thể nếu bạn ăn quá nhiều muối?
Việc sử dụng quá nhiều muối trong các món ăn hằng ngày gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe.

Nên thay đổi thói quen ăn mặn như thế nào?

Theo Bộ Y tế, hiện nay, trung bình mỗi người Việt hằng ngày đang ăn thừa gấp 2-3 lần so với lượng muối theo khuyến nghị là 5g/ngày.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại nước ta cũng khuyến cáo, Việt Nam nên xây dựng khuyến nghị về lượng muối tối đa trong 100g thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm có nhiều muối và được sử dụng phổ biến như mì ăn liền, xúc xích..., đồng thời kêu gọi người dân giảm một nửa lượng muối ăn vào hằng ngày để phòng, chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.

Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng quốc gia), người dân cần giảm lượng muối và gia vị dùng cho việc chế biến thức ăn; hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối và thay bằng thực phẩm tự nhiên. Thói quen chan nước mắm, nước kho thịt, kho cá vào cơm khi ăn cũng cần phải thay đổi vì các loại nước này cũng chứa một lượng muối đáng kể.

Đặc biệt, nên bỏ cách ăn trái cây chấm các loại muối ớt, muối tiêu, muối tôm, muối ô mai, bột canh; tập thói quen không để bát nước chấm, gia vị trên mâm cơm. Người dân cũng có thể dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt, rau thơm, nước ép trái cây kết hợp với dầu ô liu để giúp tăng hương vị cho món ăn, tạo cảm giác ngon miệng.

Muối là loại gia vị có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng nếu sử dụng quá nhiều thì sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn. Do đó, chúng ta cần chú ý hạn chế sử dụng đồ ăn mặn, có chế độ ăn uống hợp lý và giàu dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, bảo vệ gia đình mình chống lại bệnh tật.

Những lợi ích tuyệt vời của tỏi với sức khỏe Những lợi ích tuyệt vời của tỏi với sức khỏe

Tỏi không chỉ là loại gia vị thiết yếu trong nhà bếp, giúp làm tăng hương vị cho món ăn mà còn có nhiều tác ...

Lợi ích của mỡ lợn đối với sức khỏe và những lưu ý khi sử dụng Lợi ích của mỡ lợn đối với sức khỏe và những lưu ý khi sử dụng

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỡ lợn rất tốt cho sức khỏe. Nếu ăn đúng liều lượng thì mỡ lợn sẽ đem lại hiệu ...

HP
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động