Thứ bảy 26/07/2025 08:32

Lý do người trẻ bị “bắt cóc online”: đắm chìm trong điện thoại và thế giới ảo

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lý do tại sao nạn nhân chiêu trò lừa đảo "bắt cóc online" đa phần là những người trẻ tuổi, bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng, bởi vì một bộ phận người trẻ tuổi mải mê đắm chìm trong điện thoại và thế giới ảo, họ không đầu tư thời gian học hành kiến thức một cách bài bản và sâu sắc.
Lý do người trẻ bị “bắt cóc online”: đắm chìm trong điện thoại và thế giới ảo
Nữ sinh bị "bắt cóc online" trình báo cơ quan Công an. Ảnh: Công an cung cấp

Liên tiếp các vụ “bắt cóc online”

Mới đây, Công an phường Việt Hưng vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội kịp thời ngăn chặn một vụ “bắt cóc online”. Sự việc diễn ra chiều 23/7, cháu X (SN 2007) nhận được cuộc gọi của 1 người tự xưng là Công an, nói cháu liên quan đến vụ án rửa tiền.

Sau đó, đối tượng hướng dẫn cháu tải phần mềm zoom Workplace để làm việc trực tuyến. Đối tượng yêu cầu cháu kê khai tài sản để phục vụ công tác điều tra thì cháu nói không có tiền. Lúc này, đối tượng hướng dẫn cháu phải đóng giả việc bị bắt cóc để lấy tiền của gia đình.

Sau đó, đối tượng bảo cháu X đến một khách sạn thuê phòng ẩn náu, không nghe bất kỳ cuộc gọi nào khác ngoài cuộc gọi để “phục vụ điều tra”. Các đối tượng buộc cháu X gọi điện về gia đình yêu cầu chuyển khoản 300 triệu đồng để “chuộc người”.

Ngay sau khi nhận được tin trình báo của gia đình, Công an phường Việt Hưng và Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã khẩn trương xác minh cùng các đơn vị chức năng nhanh chóng xác minh. Đến khoảng 18h45 cùng ngày, lực lượng Công an đã tìm được cháu X ở một mình trong căn phòng tại khách sạn. Sau khi được cán bộ giải thích, cháu X mới biết được mình bị lừa đảo.

Trước đó, Công an phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội cũng kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo, giả danh Công an đe dọa một nữ sinh nhằm thực hiện việc “bắt cóc online”.

Cụ thể, khoảng trưa ngày 21/7, cơ quan Công an tiếp nhận trình báo của ông L.H.T về việc cháu họ ông là M (SN 2006, sinh viên đại học) bị bắt cóc, tống tiền.

Ông T cho biết, khoảng 10h cùng ngày, mẹ M ở quê gọi điện thông báo cháu gọi về gia đình qua Zalo cho biết mình bị bắt cóc và cho xem video trên người cháu có nhiều vết thương. M nói gia đình phải chuyển 370 triệu đồng cho các đối tượng, nếu không sẽ bị “chặt ngón tay”.

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Ban Chỉ huy Công an phường Ô Chợ Dừa đã khẩn trương huy động lực lượng điều tra, xác minh vụ việc. Chỉ sau khoảng 1 giờ nhận tin báo đơn vị đã nhanh chóng tìm được M đang ở một mình tại một khách sạn trên đường La Thành và đưa về trụ sở để làm rõ.

Tại cơ quan Công an, M cho biết bị một nhóm người tự xưng là Công an gọi điện thông báo liên quan đến hoạt động rửa tiền và buôn bán chất cấm. Các đối tượng yêu cầu phải chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra.

Do M không có tiền, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân phải tìm chỗ kín đáo để vẽ lên mặt, người các vết thương giống như bị đánh gây ra, rồi liên hệ về gia đình báo mình bị bắt cóc và yêu cầu gia đình chuyển tiền chuộc mới được thả. Quá lo sợ, M đã làm theo yêu cầu của các đối tượng trên.

Khi được cán bộ Công an phường giải thích về thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo, M đã bình tĩnh lại.

Một bộ phận người trẻ tuổi mải mê đắm chìm trong điện thoại và thế giới ảo

Bày tỏ sự ngạc nhiên về sự ngây thơ của nạn nhân khi va vào những trò lừa đảo nêu trên, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, anh chưa từng thấy chuyện gì kỳ lạ như thế.

Theo số liệu thống kê năm 2024, tại Việt Nam cứ 220 người dùng điện thoại thì có 1 người bị lừa đảo, số tiền ước tính gần 20 ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng, đây chỉ là con số bề nổi của tảng băng chìm. Bởi chính anh đã từng biết, có nhiều người bị lừa từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, nhưng họ không trình báo vì xấu hổ và nhiều lí do tế nhị khác. Có những người không dám trình báo hay chia sẻ với ai vì họ biết hàng chục tỷ đã mất không thể lấy lại, bản thân họ tốt nghiệp xuất sắc các trường kinh tế, họ làm kế toán trưởng hay làm CEO cho các doanh nghiệp, vậy mà vẫn bị lừa bởi những trò cực kì nhảm nhí, ai nhìn vào cũng thấy vô lí không tưởng.

“Đọc những bản tin truyền thông trong nước và quốc tế, tôi giật mình khi thấy những năm gần đây càng nhiều người bị lừa sang Campuchia làm những “công việc” hái ra tiền, nhưng sau đó họ bị đối xử bạo lực, đánh đập, giam cầm, phụ nữ sẽ bị lạm dụng tình dục” – theo bác sĩ Trần Văn Phúc.

Lý do tại sao nạn nhân là những người trẻ tuổi, bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng, bởi một bộ phận người trẻ tuổi mải mê đắm chìm trong điện thoại và thế giới ảo, họ không đầu tư thời gian học hành kiến thức một cách bài bản và sâu sắc, nên khi đối diện với cuộc sống cơm áo gạo tiền thì họ bị thu hút bởi những quảng cáo “việc nhẹ - lương cao”. Những quảng cáo việc làm này được gửi đến nạn nhân dưới chiêu bài tuyển dụng, ví dụ “tuyển dụng nhân viên khách hàng trò chơi”, mức lương đưa ra là “1500 – 1800 đô la Mỹ mỗi tháng”, số tiền không quá nhiều nên dễ tạo dựng niềm tin. Đối với người trẻ điểm số học tập cao nhưng kiến thức ít, họ khao khát làm việc kiếm tiền, nên những điều kiện này cực kì hấp dẫn và khó cưỡng lại được – theo bác sĩ Trần Văn Phúc.

Đồng tình với nhận định của bác sĩ Trần Văn Phúc, tuy nhiên để ngăn chặn và tự mình bảo vệ trước nguy cơ trên, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thực tế, các loại tội phạm công nghệ cao và có tổ chức như "bắt cóc online", các đối tượng thường ở nước ngoài nên sẽ gây ra những khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử. Đặc điểm của loại tội phạm này là các đối tượng chủ yếu hoạt động từ nước ngoài, thường xuyên thay đổi địa điểm và sử dụng công nghệ cao để che giấu danh tính. Việc xác minh danh tính cụ thể của từng đối tượng, xác định nơi cư trú, phương thức liên lạc và chứng cứ liên quan thường gặp trở ngại lớn vì không thuộc phạm vi lãnh thổ, thẩm quyền trực tiếp của cơ quan chức năng Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Việt Nam và Campuchia đã tích cực phối hợp trong công tác điều tra, truy quét và triệt phá các ổ nhóm tội phạm lừa đảo công nghệ cao có tổ chức, hoạt động xuyên biên giới, đã có nhiều đường dây bị triệt phá thành công. Có những nhóm đối tượng bị lực lượng chức năng bắt giữ ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay Việt Nam, thậm chí có những nhóm bị Công an Việt Nam phối hợp với lực lượng an ninh Campuchia bắt giữ tận nơi lưu trú trên lãnh thổ Campuchia.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, điều hết sức quan trọng là bản thân người dân cần được trang bị đầy đủ kiến thức pháp lý, kỹ năng nhận diện nguy cơ và kỹ năng ứng phó tình huống. Không thể chỉ trông chờ vào việc xử lý sau khi hành vi phạm tội đã xảy ra; việc phòng ngừa từ sớm, từ xa mới là giải pháp bền vững.

Giải cứu nữ sinh viên đại học thoát khỏi bẫy lừa đảo “bắt cóc online” Giải cứu nữ sinh viên đại học thoát khỏi bẫy lừa đảo “bắt cóc online”
Người phụ nữ mất hơn 500 triệu đồng bởi thủ đoạn không mới Người phụ nữ mất hơn 500 triệu đồng bởi thủ đoạn không mới
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động