![]() |
Các sản phẩm mây tre của làng nghề mây tre đan Phú Vinh không chỉ được cải tiến về mẫu mã, đáp ứng thị hiếu hiện đại, mà còn giữ được nét duyên dáng truyền thống trong từng đường đan. |
Động lực phát triển mới cho làng nghề
Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng được công nhận là làng nghề và làng nghề truyền thống. Đây là lợi thế lớn để phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ – nhóm sản phẩm đặc trưng, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu sản phẩm OCOP của thành phố. Tính đến giữa năm 2025, Hà Nội đã có hơn 2.100 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3 đến 5 sao, trong đó nhóm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, nội thất, trang trí chiếm hơn 27% tổng số sản phẩm.
Chương trình OCOP giúp các làng nghề truyền thống đổi mới tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhờ được hỗ trợ về quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, nhiều hộ sản xuất và doanh nghiệp tại các làng nghề đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng hiện đại như ISO, HACCP…
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ cũ) là ví dụ điển hình. Sau khi tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm mây tre không chỉ được cải tiến về mẫu mã, đáp ứng thị hiếu hiện đại, mà còn giữ được nét duyên dáng truyền thống trong từng đường đan. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề đã có mặt ở nhiều siêu thị, cửa hàng lưu niệm và được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức…
Không chỉ tạo sinh kế bền vững, OCOP còn góp phần giữ chân lao động tại làng nghề. Nhiều địa phương như xã Sơn Đồng (Hoài Đức cũ), xã Dị Nậu (Thạch Thất cũ), xã Thắng Lợi (Thường Tín cũ)… ghi nhận thu nhập bình quân của lao động thủ công từ 7–15 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn nhiều ngành nghề khác. Điều này góp phần giữ gìn mạch chảy nghề truyền thống, tránh tình trạng mai một do thế hệ trẻ rời bỏ quê hương.
![]() |
Làng nghề cỏ tế ở xã Phú Túc (Phú Xuyên cũ) với những sản phẩm thủ công độc đáo. Ảnh: Sơn Tùng |
Gắn với du lịch, mở rộng thị trường, lan tỏa giá trị văn hóa
Một trong những điểm nổi bật của chương trình OCOP tại Hà Nội là cách tiếp cận hài hòa giữa bảo tồn giá trị truyền thống với phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Các nghệ nhân làng nghề vẫn giữ được cốt lõi văn hóa, kỹ thuật tinh xảo, nhưng đồng thời phải học cách kể chuyện, xây dựng câu chuyện thương hiệu, gắn với văn hóa vùng miền để tạo bản sắc riêng cho sản phẩm.
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Hà Nội cũng đẩy mạnh kết nối OCOP với phát triển du lịch làng nghề. Thành phố đã hình thành 14 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các địa bàn có tiềm năng du lịch lớn như Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm… Đây vừa là nơi quảng bá sản phẩm, vừa là điểm dừng chân hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước tìm hiểu văn hóa làng nghề truyền thống.
Nhiều làng nghề còn tổ chức các tour trải nghiệm, cho du khách tự tay làm gốm, đan lát, thêu thùa hay khảm trai. Những hoạt động này không chỉ tăng thêm giá trị cho sản phẩm thủ công, mà còn khơi dậy niềm tự hào văn hóa trong cộng đồng địa phương.
Các hội chợ, triển lãm như “Tuần hàng OCOP Hà Nội”, “Lễ hội vinh danh làng nghề Phú Xuyên”… cũng góp phần thúc đẩy xúc tiến thương mại, giúp các cơ sở OCOP gặp gỡ đối tác, nắm bắt xu hướng thị trường, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm thủ công mỹ nghệ OCOP của Hà Nội vẫn đối mặt không ít thách thức: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu nhân lực thiết kế chuyên nghiệp, khó tiếp cận tín dụng ưu đãi và công nghệ mới.
Trong bối cảnh hội nhập và số hóa thương mại, các sản phẩm OCOP Hà Nội phải cạnh tranh không chỉ với sản phẩm trong nước mà cả hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe về bao bì, tiêu chuẩn kỹ thuật, hồ sơ pháp lý khi đưa vào các hệ thống siêu thị, kênh bán hàng hiện đại hay xuất khẩu. Đây là rào cản lớn nếu muốn nâng tầm thương hiệu ra thị trường quốc tế.
![]() |
Những người thợ thủ công của làng khảm trai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên cũ). Ảnh: Tuấn Việt |
Để khắc phục những rào cản này, TP Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề tham gia OCOP một cách hiệu quả hơn. Trong đó, chú trọng đào tạo thiết kế sản phẩm, hỗ trợ số hóa và thương mại điện tử, đẩy mạnh truyền thông xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ sinh thái OCOP gắn với du lịch, giáo dục và văn hóa cũng cần được đẩy mạnh nhằm tạo ra giá trị gia tăng bền vững. Khi sản phẩm thủ công không chỉ là hàng hóa, mà còn là biểu tượng của văn hóa dân tộc, thì các sản phầm OCOP sẽ thực sự đưa hồn làng nghề truyền thống vươn xa.
![]() | Bảo tồn văn hóa làng nghề qua sản phẩm OCOP của Hà Nội |
![]() | Hà Nội tiên phong lan tỏa giá trị nông sản và tinh hoa làng nghề Việt |
![]() | Phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP |
Vân Lê
Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/san-pham-ocop-thuc-day-lang-nghe-ha-noi-phat-trien-ben-vung-424579.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.