Thứ năm 23/01/2025 20:23

Bác sỹ bước ra từ tâm dịch: Mong không khơi gợi lại những gì đã trải qua

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời điểm tham gia chống dịch tại Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, họ đã nghĩ đó là cuộc chiến lớn chống lại virus SARS-CoV-2. Nhưng khi tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh lần này, họ mới nhận ra rằng đây mới là cuộc chiến lớn thực sự mà mình phải đối diện.
Bác sỹ bước ra từ tâm dịch: Mong không khơi gợi lại những gì đã trải qua
BS Chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh: "Khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh chúng tôi thấy đây đây mới là cuộc chiến lớn thực sự mà mình phải đối diện".

Choáng váng khi bước vào cuộc chiến lớn

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đã giảm đáng kể, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các đoàn y tế hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh chống dịch dần rút quân. Khi đã rời cuộc chiến khốc liệt suốt 2 tháng vừa qua, ký ức của họ vẫn vẹn nguyên những nỗi niềm: Có cả niềm vui khi bệnh nhân khỏi bệnh và có cả những nỗi buồn, sự ám ảnh bởi sự tàn khốc của đại dịch lớn chưa từng có.

Đối với BS. Ngô Đức Hùng, Trung tâm Hồi sức cấp cứu A9, BV Bạch Mai (tham gia chống dịch tại Trung tâm điều trị tích cực Covid-19 của BV Bạch Mai đặt tại BV Dã chiến số 16 TP Hồ Chí Minh) thì so với những lần chống dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang thì lần này mới là “cuộc chiến thực sự”.

BS. Hùng giãi bày: “Những ngày đầu tiếp nhận bệnh nhân từ các tuyến chuyển đến tôi mới nhận ra những cuộc chiến trước đó như tập dượt, nay mới là cuộc chiến đích thực vì bệnh nhân quá nhiều. Tôi choáng váng trong khoảng thời gian đầu, sau đó mới ổn định và làm việc đúng quy trình”.

Lý do khiến BS. Hùng “choáng váng” một phần bởi lo sợ không làm tốt được việc. Nhưng tâm lý lớn nhất là nhiều bệnh nhân nặng quá, nhiều tổn thương phổi quá. “Chúng tôi luôn lo sợ liệu mình có đủ sức chiến đấu hay không? Sợ nhân viên y tế ốm, nhiễm bệnh thì công việc dồn lên vai những người còn lại chứ không lo lắng mình bị lây nhiễm”, BS. Hùng nói.

Khi vừa trở về sau chuyến chi viện tại tâm dịch Bắc Giang chưa được bao lâu, BS Chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục tham gia hỗ trợ chống dịch trên chính thành phố mà mình sinh sống. Trước đó, tháng 8-2020 BS. Trần Thanh Linh cũng tham gia chống dịch tại tâm dịch Đà Nẵng.

Sau một thời gian khốc liệt tham gia cứu chữa những bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh, BS. Trần Thanh Linh chia sẻ: Chúng tôi tham gia các chiến trường khác từ Đà Nẵng hay Bắc Giang, mỗi khi rời cuộc chiến để lại cho mình ký ức lớn lắm trong cuộc đời. “Tại Đà Nẵng, Bắc Giang lúc đó chúng tôi nghĩ đây là cuộc chiến lớn nhất rồi nhưng khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh chúng tôi thấy đây đây mới là cuộc chiến lớn thực sự, cuộc chiến quá lớn mà mình phải đối diện với nó”.

Không được phép buông tay vì gia đình người bệnh đang chờ

Dù đã có khoảng 15 năm làm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, hàng ngày tiếp xúc bệnh nhân nặng nhưng đây là lần đầu tiên BS. Ngô Đức Hùng nhìn thấy nhiều bệnh nhân thở máy đến vậy. Đó cũng là điều tạo nên áp lực lớn cho anh. Đồng thời, khi lần đầu tiên làm việc trong môi trường là xưởng đóng tàu, trang thiết bị không đầy đủ như ở bệnh viện nên áp lực làm thế nào để làm tốt công việc, bệnh nhân ổn định hơn và đồng nghiệp của mình không bị bỡ ngỡ, bối rối trước công việc.

Trải qua quãng thời gian đầu choáng váng và đầy áp lực ấy, BS. Hùng cùng đồng nghiệp đã quen dần với nhịp độ công việc. “Những ngày đầu thấy thời gian dài không biết bao giờ hết đêm vì mặc quần áo bảo hộ nóng, bí hơi nên cảm giác luôn mong ngóng lúc nào mình cởi được nó a”.

Cứ như vậy họ đã cùng nhau vượt qua được khó khăn để hoàn thành công việc. Một trong những động lực để họ có thể bền bỉ chiến đấu chính là sự hồi phục của người bệnh. “Bệnh nhân đang thở máy cũng có cả gia đình đang chờ đợi họ ở nhà nên không có lý do gì để chúng tôi buông tay. Dù còn 1% hi vọng chúng tôi cũng phải cố gắng hết sức trong khả năng và đó là động lực để chúng tôi làm việc”, BS. Hùng nói.

Là một bác sĩ nữ tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh lần này, BS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trung tâm gây mê hồi sức BV Việt Đức cũng không thể cầm lòng trước những ca bệnh nặng và không qua khỏi. “Có nhiều buổi trực rất buồn vì bệnh nhân không qua khỏi, không chỉ bác sĩ mà điều dưỡng hay người chăm sóc đều rất buồn vì công sức chăm sóc bao nhiêu ngày nhưng bệnh nhân lại không chiến thắng được tử thần”, BS. Hạnh tâm sự.

Mặc dù phải vượt qua những khó khăn trong điều kiện làm việc tại BV dã chiến với bộ đồ bảo hộ kín mít, trong thời tiết nóng bức cũng như việc chăm sóc bệnh nhân có nhiều trở ngại bởi nhiều bệnh nhân nặng cân, việc lăn trở cho người bệnh khó khăn… Bên cạnh đó là việc xa gia đình, xa con nhỏ nhưng BS. Hạnh cũng như các đồng nghiệp vẫn luôn nỗ lực để hoàn thành công việc. Với họ, động lực lớn nhất để làm việc trong môi trường đó là để giúp người dân TP, chia lửa được cùng đồng nghiệp ngành y tế TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, những hình ảnh bệnh nhân ra viện trở về với gia đình trong niềm hân hoan là động lực để họ cố gắng không mệt mỏi suốt thời gian qua.

Bác sỹ bước ra từ tâm dịch: Mong không khơi gợi lại những gì đã trải qua
BS. Ngô Đức Hùng, Trung tâm Hồi sức cấp cứu A9, BV Bạch Mai

Mong mọi người gặp lại nhau bằng khuôn mặt… thật

Sau 3 tháng cùng đồng nghiệp làm việc miệt mài tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 với quy mô 1.000 giường ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, một người làm tại khoa Hồi sức tích cực như BS. Trần Thanh Linh cũng không tránh khỏi những suy tư.

BS. Linh tâm sự, khi đại dịch qua đi, anh và đồng nghiệp sẽ rời khỏi BV Hồi sức Covid để trở lại với gia đình, với những đứa con của mình hay trở về với công việc, với đồng nghiệp của mình ở BV Chợ Rẫy. Và điều anh mong muốn nhất là “cố gắng hạn chế, mong không khơi gợi lại những gì đã trải qua trong thời gian này”.

Trong quãng thời gian này, anh cùng đồng nghiệp đã đối diện với đau thương mất mát; đối diện với những ngày tháng trắng đêm. Nhưng cũng có hạnh phúc vỡ òa khi cứu được cả mẹ, con hoặc khi cứu được mạng sống của bệnh nhân khi đã ở cửa tử. “Những điều này sẽ thành ký ức. Khi nghĩ lại cảm xúc sẽ vỡ òa, có thể có những giọt nước mắt đàn ông. Đó từ cảm xúc của mình sau những gì đã trải qua…”, anh rưng rưng nói.

Bước ra từ cuộc chiến, anh bày tỏ mong muốn về một cuộc sống bình thường như vốn có: Chúng tôi chỉ mong sao khi cuộc chiến này kết thúc, đồng đội của chúng tôi, các anh em từ các mặt trận, từ mọi miền có thể gặp lại nhau, nhìn nhau bằng gương mặt thật của mình (không phải nhìn nhau qua lớp khẩu trang hay tấm chăn giọt bắn-PV). Đó là mong chờ của chúng tôi làm sao chúng ta có thể trở lại cuộc sống bình thường sớm nhất, tự do nhất khi đã phủ đủ vắc-xin.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động