Thứ năm 23/01/2025 09:22
Nhịp sống văn hóa Hà Nội trong dòng chảy thời đại

Bài 1: "Ký ức Hà Nội" trong lòng phố

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Một “Hà Nội thu nhỏ” giữa lòng phố không chỉ trở thành điểm “check-in” lý tưởng cho du khách xa, gần mà còn giữ vai trò kết nối giá trị di sản văn hóa trong dòng chảy thời đại.
Bài 1: Có một Hà Nội mê hoặc, thanh bình
Phố bích họa Phùng Hưng thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. (Ảnh: Vi Giáng)

Có một Hà Nội mê hoặc, thanh bình

Ra mắt từ tháng 2-2018 với tên gọi “Không gian trưng bày dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng”, dự án do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc - Korea Foundation và Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc - UN-Habitat thực hiện.

Đến nay, phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở thành “điểm hẹn văn hóa” lý tưởng của những người yêu Hà Nội.

Khác với tuyến đi bộ hồ Hoàn Kiếm nổi bật với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, phố bích họa Phùng Hưng mỗi mùa lại được tô điểm màu sắc không gian riêng. Nếu dịp Trung thu phố bích họa rực rỡ lồng đèn giấy vàng rực dưới ánh trăng thì dịp Tết Nguyên đán là những nhánh hoa đào khoe sắc thắm cùng câu đối đỏ, các trò chơi dân gian xuống phố.

Bài 1: Có một Hà Nội mê hoặc, thanh bình
Mô hình “Máy nước công cộng” qua nghệ thuật sắp đặt gợi nhớ về hình ảnh thời bao cấp, khó khăn.

Và “đặc sản riêng” phố bích họa Phùng Hưng níu chân du khách chính là những tác phẩm đương đại với chủ đề “Ký ức Hà Nội”. 19 bức vẽ tái hiện một Hà Nội xưa cũ trong cuộc sống thường ngày, từ hình ảnh về bách hóa tổng hợp ở phố Tràng Tiền, những người phụ nữ gánh hàng rong, tàu điện leng keng, ông đồ cho chữ, góc phố Hàng Mã… Mỗi tác phẩm ở phố bích họa Phùng Hưng đều truyền tải thông điệp về một Thủ đô nghìn năm văn hiến đang đứng trước sự đổi thay của thời cuộc nhưng vẫn luôn gìn giữ giá trị văn hóa.

Điểm đặc biệt dự án đầu tiên đưa nghệ thuật đương đại ra ngoài đường phố. Từ tác phẩm sắp đặt tương tác “Kim vàng giọt lệ” hay mô hình “Máy nước công cộng” gợi nhớ về hình ảnh thời bao cấp, khó khăn.

Nhiều du khách nước ngoài khi đến tham quan phố bích họa Phùng Hưng đã liên tưởng đến làng Gamcheon (Hàn Quốc), nơi mà bích họa đường phố trở thành biểu trưng của du lịch.

Tại Việt Nam, làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam), làng bích họa Lý Sơn (Quảng Ngãi) vốn trở thành hình ảnh du lịch địa phương thì phố bích họa Phùng Hưng được coi “đặc sản” riêng của Hà Nội.

Cảm nhận của du khách sau khi khám phá phố bích họa Phùng Hưng đều chung nhận xét rằng, phố Phùng Hưng nay trở nên thật khác biệt. Không còn những hình ảnh vòm cầu nhếch nhác trước đây, hình ảnh con phố đã bừng sáng, khoác màu áo mới thông qua các tác phẩm nghệ thuật đương đại tái hiện lịch sử văn hóa Hà Nội.

Những bức họa trên nền đá trăm năm tuổi hòa cùng nhịp sống đời thường tạo nên sức hấp dẫn riêng, khó trộn lẫn. Phố bích họa Phùng Hưng không chỉ gợi nhớ ký ức Hà Nội xưa còn là điểm giao lưu văn hóa cộng đồng.

Bài 1: Có một Hà Nội mê hoặc, thanh bình
Các hoạt động văn hóa xuống phố

Thời gian qua, Ban quản lý phố cổ Hà Nội cũng triển khai mở rộng phố bích họa Phùng Hưng với dự án “Không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội” của UBND TP Hà Nội.

Dự án đang triển khai đục thông vòm cầu đá số 79, 80, 81, 82, 83. Theo kế hoạch, tất cả các vòm cầu sau khi đục thông có thể được sử dụng để làm không gian giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, thương mại, văn phòng và văn hóa cộng đồng. Dự kiến, sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần tạo không gian công cộng, tăng kết nối với các tuyến phố di sản ở phố cổ Hà Nội.

Bài 1: Có một Hà Nội mê hoặc, thanh bình
Trò chơi dân gian trên phố bích họa Phùng Hưng

Hiện nay, Hà Nội đã và đang hình thành nhiều không gian sáng tạo văn hóa, trong đó quận Hoàn Kiếm với các không gian tiêu biểu như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ phố cổ Hà Nội, không gian bích họa Phùng Hưng và không gian nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân.

Từ khi tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và các vùng phụ cận được triển khai đã tạo “đòn bẩy” cho dịch vụ du lịch, giải trí của người dân và du khách. Qua đó phát huy hết tiềm năng, giá trị văn hóa lịch sử của khu phố cổ Hà Nội.

“Hà Nội – Thành phố sáng tạo”

Với mục tiêu phát triển Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trên lĩnh vực thiết kế, thực hiện cam kết của thành phố với UNESCO khi được công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới, thành phố Hà Nội đang triển khai xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo chủ trương của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, thời gian tới sẽ triển khai thực hiện Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại Hoàn Kiếm được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần.

Phạm vi mở rộng gồm 8 tuyến phố là Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Thanh Hà), ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên, ngõ Phất Lộc.

Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn sẽ được mở cửa để phục vụ khách tham quan trong thời gian tuyến phố đi bộ hoạt động. Khu vực Ô Quan Chưởng là trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội phục vụ du khách.

Thông tin từ Ban chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, đơn vị soạn thảo đã hoàn thiện Nghị quyết trình các cấp xem xét, phê duyệt.

Theo nội dung Kế hoạch số 202/KH-UBND (ngày1-9-2021) trong triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Chương trình số 03-CTr/TU).

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, thị xã Sơn Tây phát triển, mở rộng 3-5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ.

Sau 22 năm đón nhận danh danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội hôm nay hướng tới mục tiêu trở thành “Thành phố sáng tạo” của Đông Nam Á trong lĩnh vực thiết kế.

Do đó, việc bảo tồn và phát triển văn hóa Thủ đô phải bảo đảm tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô và của dân tộc, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh như trong Luật Thủ đô (năm 2012) đã quy định.

(Còn nữa)

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động