Bài 1: Những cô cậu học trò làm… việc lớn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMang đồ ăn từ nơi "thừa", trao tặng cho những người "thiếu" |
Hanoi Food Recused (HFR) – “Biệt đội giải cứu đồ ăn” được thành lập năm 2012 do một nhóm học sinh Trường PTTH Amstecdam Hà Nội. Người đưa ra ý tưởng thành lập tổ chức này là Ngô Hà Châu, học sinh của trường thời điểm bấy giờ. Xuất phát bởi thực tế rằng ở các chuỗi nhà hàng, khách sạn khi hết ngày, thức ăn thừa sẽ thường bị bỏ đi.
Trong khi đó, còn rất nhiều người nghèo khổ, lang thang cơ nhỡ hàng ngày vẫn phải chịu cảnh không có đồ ăn hoặc trông chờ vào những suất cơm cứu trợ của người dân. Trời nắng, khô ráo còn đỡ, trời mưa hoặc rét lạnh thì chỉ để no bụng cũng là việc khó khăn. Từ đó, Hà Châu đã cùng mấy người bạn của mình đưa ra ý tưởng thành lập tổ chức HFR.
Khi mới thành lập, nhóm chỉ có 5 thành viên. Những ngày đầu, bên cạnh những tiêu chí hoạt động khá… lạ, độ tuổi còn non nớt của các em cũng khiến nhóm gặp nhiều khó khăn. Những chuyến đi đến các khách sạn, nhà hàng đặt vấn đề “giải cứu đồ ăn” hầu như đều bị từ chối. Lý do họ đưa ra không phải vì tiếc, bởi làm việc với họ đó là những cô cậu học trò mắt búng ra sữa, có cơ sở nào để những nhà hàng, khách sạn này tin tưởng giao “thương hiệu” của mình.
“Họ sẵn sàng bỏ đồ ăn thừa đi, chứ rất khó đem cho, gửi hoặc sử dụng lại vì sợ chỉ cần 1 sơ suất nhỏ trong khâu bảo quản sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn. Và điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của họ.” Em Phạm Thanh Uyên, học sinh trường PTTH Amstecdam, Chủ tịch Hanoi Food Recused (HFR) mở đầu câu chuyện với tôi như thế.
Bên cạnh đó, cũng theo Uyên, ngay từ ban đầu việc tiếp cận đến nhà hàng, khách sạn này cũng chẳng dễ dàng gì vì các em không có quan hệ nên đa phần chỉ liên hệ qua số hotline. “Số hotline đa phần do các anh, chị nhân viên cầm, họ không đủ thẩm quyền để quyết. Thỉnh thoảng còn có người không hiểu mục đich công việc bọn em nên từ người cầm số hotline lên được đến người đủ thẩm quyền quyết định cũng là cả vấn đề” – Uyên nói.
May mắn, năm 2013, nhóm đã tìm được nhà bảo trợ cho mình, đó là REACH - một tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận chuyên đào tạo nghề và hướng nghiệp cho thanh niên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn. Khi đã được danh chính ngôn thuận, “biệt đội giải cứu đồ ăn” mới chính thức hoạt động mạnh.
Uyên cho biết, việc đưa các suất ăn đến cho những người lang thang cơ nhỡ, những cơ sở thiện nguyện, hoặc những trường dạy nghề cho trẻ em khó khăn… đều được có kế hoạch trước. Bởi đều đang còn là học sinh, vẫn còn phải học tập, nên công tác chuyển đồ thường diễn ra vào các buổi chiều.
“Thời điểm năm 2021 nhóm bọn em cũng khó khăn trong việc hoạt động. Bởi trong thời gian đó, một là vì dịch Covid-19 mọi người cũng hạn chế tiếp xúc, gặp mặt, các nhà hàng, khách sạn thường nghỉ bán tại chỗ nên địa chỉ cung cấp thức ăn không còn. Hơn nữa, trong thời gian giãn cách, hầu như bọn em đều không thuộc đối tượng đi ra ngoài…” – Uyên cho biết.
Bán đồ để gây quỹ |
Tuy nhiên, theo Uyên nhóm vẫn duy trì hoạt động. Bên cạnh việc thu thức ăn từ các nhà hàng, khách sạn để đem đến cho người nghèo, nhóm HFR còn thực hiện các hoạt động khác. Ví như sau những ngày Tết, HFR có hoạt động thu gom kẹo để đem cho, tặng các em ở vùng cao hay các bạn vùng xa thiếu thốn. “Tết nhất nhà ai cũng nhiều kẹo, bánh. Có nhiều nhà gần như không sử dụng đến, thế nên đấy cũng là một trong những thứ mà nhóm HFR thu gom” – Uyên cho biết.
Sau hơn nhiều năm hoạt động, Hanoi Food Rescue đã vận chuyển khoảng 75.000 suất ăn từ các nhà hàng, khách sạn tới 27.000 người tại các bệnh viện và trung tâm bảo trợ xã hội.
Uyên còn cho biết, không chỉ san sẻ yêu thương, hoạt động của nhóm còn giúp các bạn học sinh và những người xung quanh nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường: “Khi tham gia các buổi hội họp thì mọi người có ý thức cao trong việc không để lại đồ ăn dư thừa, và tinh thần này bọn em cũng lan truyền đến các bạn học sinh khác. Hơn 3 năm nay, bọn em đã thay hộp xốp bằng hộp bã mía, phân hủy không gây hại tới môi trường. Thay vì sử dụng túi nilon thì bọn em sử dụng túi dứa, có thể tái sử dụng nhiều lần”.
Không những vậy, cứ mỗi năm khi hoạt động Tet Donation diễn ra, các thành viên của HFR đều có những hoạt động gây quỹ để “nối vòng tay lớn” với mục đích trao tặng những phần quà đầy ắp yêu thương tới các em nhỏ vùng cao.
“Và vào hai ngày thứ bảy, chủ nhật sau thời gian nghỉ Tết (ngày 26, 27/03) tại phố đi bộ Hồ Gươm, những “chiến binh thực phẩm” đã thực hiện một buổi bán đồ gây quỹ đầy ý nghĩa. “Những nụ cười rạng rỡ khi nhận được những món đồ gây quỹ xinh xắn hay tấm lòng nhiệt tình cho đi của mỗi cá nhân đều khiến bọn em rất biết ơn. Mỗi món đồ gây quỹ vơi đi là thêm một phần tình yêu thương được lan toả, góp phần vào hành trình mang lại một cái Tết tuy muộn màng nhưng ấm áp cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn” – Uyên nói.
(Còn nữa)
Mỗi năm, khoảng 1,3 tỷ tấn thức ăn bị lãng phí trên toàn thế giới. Số lượng này đủ nuôi sống cả 3 châu lục là châu Phi, châu Âu và châu Mỹ trong vòng 1 năm. Trái cây, rau củ, cá, ngũ cốc, trứng và sữa là các loại thực phẩm bị vứt bỏ nhiều nhất. Việc lãng phí thực phẩm gây thiệt hại về kinh tế ước tính gần 100 tỷ USD, đồng thời lãng phí khoảng 250km3 nước để sản xuất số thực phẩm bị vứt bỏ này. Số nước này đủ lấp đầy 3 lần hồ Geneva, hồ nước ngọt lớn thứ 2 tại Trung Âu. Ở các nước đang phát triển, lãng phí chủ yếu xảy ra trong quá trình sản xuất và lưu trữ thực phẩm, chiếm 54% lượng thức ăn bị lãng phí trên toàn thế giới. Con số này ở các nước phát triển là 46%. Sự lãng phí này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến môi trường. (Thống kê của tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc FAO) |
Giải cứu 2 thiếu nữ bị chủ cơ sở massage "mua đi bán lại" | |
Giải cứu người đánh cá mắc kẹt dưới trụ cầu giữa dòng nước lũ chảy xiết | |
Bài 1: Những cô cậu học trò làm…việc lớn |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại