Thứ năm 23/01/2025 02:44
Huyện Mỹ Đức "không để ai bị bỏ lại phía sau"

Bài 2: Đa dạng mô hình hỗ trợ giảm nghèo bền vững

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Huyện Mỹ Đức đã tập trung thực hiện hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Điệp (giữa) nhận hỗ trợ giảm nghèo bền vững từ đại diện lãnh đạo xã Hợp Thanh. Ảnh: V.B
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Điệp (giữa) nhận hỗ trợ giảm nghèo bền vững từ đại diện lãnh đạo xã Hợp Thanh. Ảnh: V.B

Trao sinh kế

Là hộ mới thoát nghèo năm 2024, anh Bùi Văn Mạnh (xóm Đình, xã An Phú) vui mừng được chính quyền hỗ trợ xe máy. Anh Mạnh bày tỏ: “Trước đây, chưa có xe nên tôi chỉ ở nhà, ai thuê việc gì thì làm nên cuộc sống rất khổ cực. Từ khi nhận được xe máy từ sự hỗ trợ của chính quyền huyện, tôi đã có phương tiện đi lại, tôi nhận lái máy xúc thuê cho một doanh nghiệp nên thu nhập rất tốt, đủ tiền trang trải cuộc sống và nuôi 3 con nhỏ. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Điệp (đội 1, thôn Ải, xã Hợp Thanh) có 5 thành viên. Vợ chồng ông Điệp sức khỏe yếu và đang nuôi 3 con nhỏ. Nghề nghiệp chính của vợ chồng ông là làm nông nghiệp, hết mùa vụ thì đi phụ xây, nhưng sức khỏe yếu nên số ngày công không đều. Do vậy thu nhập rất bấp bênh, bình quân khoảng 2 triệu đồng/tháng. Cuộc sống khó khăn bộn bề, là hộ nghèo nhiều năm của xã.

Gia đình ông Điệp đã được hỗ trợ xây sửa nhà năm 2010. Ngoài ra, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, UBND huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo CLB Quản lý thuộc ngành giáo dục của huyện phối hợp với xã Hợp Thanh hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Điệp chia sẻ, nhận được nguồn hỗ trợ hàng tháng, gia đình ông sử dụng nguồn hỗ trợ để mua con giống chăn nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi, chăm chỉ làm ăn nên đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Điệp đã thoát nghèo.

“Tính đến thời điểm hiện tại, các con đi học vẫn được hỗ trợ học phí, chi phí học tập và thẻ bảo hiểm y tế” - ông Nguyễn Văn Điệp chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh Nguyễn Văn Hưng cho biết, những năm qua và đặc biệt là từ đầu năm 2024 đến nay, xã Hợp Thanh đã cùng với huyện Mỹ Đức căn cứ vào nhu cầu của từng hộ nghèo, đã hỗ trợ 3 hộ nghèo mỗi tháng 2 triệu đồng/hộ, và hỗ trợ 1 hộ sổ tiết kiệm 48 triệu đồng, nhằm giúp các hộ có thêm vốn để làm ăn tạo cơ hội để các hộ thoát nghèo bền vững.

“Tính đến tháng 11/2024, xã giảm số hộ nghèo từ 4 hộ xuống 0 hộ. Giảm 39 hộ cận nghèo xuống còn 28 hộ” - ông Nguyễn Văn Hưng thông tin.

Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Đức Phạm Thị Thúy Hà khẳng định, hiệu quả từ việc hỗ trợ sinh kế đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững ở Mỹ Đức.

“Với ý nghĩa nhân văn và hiệu quả thiết thực, chương trình giảm nghèo bền vững được thực hiện trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và người dân. Trong đó, đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững được coi là giải pháp trụ cột đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân” - bà Phạm Thị Thúy Hà nhấn mạnh.

Ổn định cuộc sống

Gia đình bà Đào Thị Loan (xã Hợp Tiến) thuộc diện hộ nghèo. Bà Loan sức khỏe yếu, không có việc làm ổn định, 2 con gái đang đi học nên điều kiện kinh tế rất khó khăn. Nhiều năm qua, gia đình bà Loan phải ở trong ngôi nhà tạm bợ. Năm 2024, gia đình bà là một trong các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Căn nahf khang của hộ bà Đào Thị Loan sau khi được sửa chữa. Ảnh: V.B
Căn nhà khang trang của hộ bà Đào Thị Loan sau khi được sửa chữa. Ảnh: V.B

“Trước đây, ngày mưa bão, 3 mẹ con tôi phải sống trong nỗi sợ hãi khi căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Năm nay, được chính quyền hỗ trợ 60 triệu đồng sửa chữa nhà ở. Tôi mạnh dạn vay thêm họ hàng, xóm giềng để sửa chữa căn nhà cho kiên cố. Cảm ơn sự quan tâm của chính quyền các cấp và bà con lối xóm đã hỗ trợ, giúp đỡ để gia đình có được ngôi nhà kiên cố. Có mái ấm ổn định, tôi sẽ nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế" - bà Đào Thị Loan chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến Trần Văn Hừng cho biết, xã có 3.763 hộ, với 15.067 nhân khẩu. Tính đến đầu năm 2024, xã có 8 hộ nghèo và 70 hộ cận nghèo.

“Được sự hỗ trợ bằng nhiều hình thức của chính quyền huyện (tặng xe máy, sửa chữa nhà, hỗ trợ học tập, hỗ trợ thường xuyên) nên đến thời điểm này 8 hộ nghèo trên địa bàn xã đã thoát nghèo. Số hộ cận nghèo hiện chỉ còn 31 hộ (giảm 39 hộ)" - ông Trần Văn Hừng cho hay.

Sau khi nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền, các hộ nghèo đều sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Đơn cử, hộ bà Đào Thị Loan đã dùng số tiền hỗ trợ cộng với tiền vay mượn thêm từ họ hàng sửa nhà. Với 2 hộ được hỗ trợ xe máy đã dùng làm phương tiện đi làm, kinh doanh và chở hàng thuê... Đến nay, cuộc sống của các hộ sau khi thoát nghèo đã ổn định.

Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Loan (41 tuổi, thôn Đồng Chiêm, xã An Phú) có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Cả hai vợ chồng không có công việc ổn định nên chồng chị theo nhóm thợ đi phụ hồ tại các tỉnh Tây Bắc, thu nhập bấp bênh. Bản thân chị Loan bị bệnh động kinh phải uống thuốc hàng ngày và ở nhà chăm 4 đứa con nhỏ (1 gái, 3 trai), trong đó người con trai thứ 3 (tên Đặng Văn Sơn, 8 tuổi) bị ung thư máu.

Được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, hộ chị Loan được tặng 1 sổ tiết kiệm trị giá 48 triệu, và mỗi tháng cháu Đặng Văn Sơn được trợ cấp 750.000 đồng thuộc diện con hộ nghèo.

Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Đinh Công Võ chia sẻ, thời gian qua, để xóa nghèo và hỗ trợ người dân sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, xã An Phú rất chú trọng nâng cao nhận thức cho đồng bào phải chủ động vươn lên thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững để phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài ra, xã An Phú hỗ trợ người dân bằng nhiều hình thức như liên hệ với ngân hàng chính sách cho vay vốn ưu đãi để người dân phát triển kinh tế; kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ người dân cây giống, vật nuôi để các trồng trọt, nuôi để có thu nhập; liên hệ với các công ty, doanh nghiệp cho con những hộ nghèo vào làm việc để có thu nhập ổn định.

Với những việc mà xã An Phú làm trong thời gian qua đã có tác dụng hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Đầu năm 2024, xã An Phú còn 21 hộ nghèo, đến thời điểm tháng 11/2024, xã An Phú không còn hộ nghèo” - ông Đinh Công Võ thông tin.
Bài 1: Không còn hộ nghèo...
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động