Thứ năm 17/07/2025 20:01
Nghị quyết số 66-NQ/TW - giải pháp đột phá của đột phá trong hoàn thiện thể chế

Kỳ 2: Động lực để cải cách toàn diện xây dựng, thi hành pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghị quyết 66-NQ/TW là dấu mốc có tính định hướng chiến lược, đặt nền móng và tạo động lực mạnh mẽ để cải cách toàn diện công tác xây dựng và thi hành pháp luật, từ đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại, dân chủ, hiệu lực, hiệu quả. Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội Nguyễn Văn Hà có cuộc chia sẻ với Báo Kinh tế & Đô thị về nội dung này.
Luật sư Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội giao lưu với học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội tại chương trình phiên tòa giả định. Ảnh: Bạch Dương
Luật sư Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội giao lưu với học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội tại chương trình phiên tòa giả định. Ảnh: Bạch Dương

- Ông có thể cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị trong bối cảnh hiện nay?

- Ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị xét về góc nhìn tổng quát và khoa học, có thể được khái quát trên một số phương diện lớn như sau:

Thứ nhất, Nghị quyết đã khẳng định vị trí chiến lược của pháp luật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lần đầu tiên, Nghị quyết đặt công tác xây dựng và thi hành pháp luật ở vị trí then chốt, mang tính “đột phá của đột phá”. Và đây cũng là bước chuyển từ nhận thức đến hành động chính trị cụ thể trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nơi pháp luật được thượng tôn, pháp luật là công cụ cốt lõi của quản trị quốc gia.

Thứ hai, Nghị quyết đã thúc đẩy cải cách toàn diện bộ máy, nhân lực và công nghệ phục vụ công tác pháp luật. Nghị quyết đề ra hệ sinh thái pháp luật hiện đại, từ ngân sách, chế độ đãi ngộ đến ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong soạn thảo, rà soát, xây dựng, ban hành và phổ biến pháp luật. Đây là sự chuyển mình về phương thức, nhận thức trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần số hóa công tác quản lý Nhà nước, hướng tới nền hành chính phục vụ và đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, Nghị quyết góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật thống nhất, minh bạch, khả thi, tạo khuôn khổ để khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập của hệ thống pháp luật hiện nay. Từ đó, hình thành một hệ thống pháp luật đồng bộ, ổn định, dễ thực thi, làm nền tảng cho quản lý xã hội hiện đại, hiệu quả.

Thứ tư, Nghị quyết đã tạo nền tảng thể chế để phát triển kinh tế – xã hội bền vững và hội nhập quốc tế. Pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội, mà còn là nền tảng cho môi trường đầu tư, kinh doanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết 66 khẳng định vai trò của hệ thống pháp luật trong thúc đẩy động lực phát triển mới, bảo đảm an toàn pháp lý, giảm rủi ro thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ năm, Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong đổi mới tư duy làm luật và thực thi pháp luật. Từ chỗ pháp luật đôi khi bị coi là hình thức, quy định chồng chéo, xa rời thực tiễn thì nay; định hướng rõ ràng trong việc xác định cụ thể, lấy người dân và DN làm trung tâm của chính sách pháp luật, bảo đảm tính khả thi, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong từng văn bản pháp luật và khâu thực thi.

Thứ sáu, Nghị quyết là sự gắn kết trách nhiệm giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong công tác pháp luật. Nghị quyết khẳng định vai trò của Đảng lãnh đạo toàn diện nhưng không bao biện làm thay, mà đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đồng thời, đề cao sự giám sát, phản biện xã hội của người dân, DN và các tổ chức xã hội, điều này thể hiện tư duy đổi mới, dân chủ, và trách nhiệm xã hội trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Luật sư có thể chia sẻ những điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết số 66-NQ/TW?

- Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật – so với các nghị quyết, chủ trương trước đây có một số điểm mới đáng chú ý như sau:

Thứ nhất: lần đầu tiên Nghị quyết xác lập vai trò “đột phá của đột phá” cho công tác pháp luật. Nghị quyết xác định rõ công tác xây dựng và thi hành pháp luật là một trong các đột phá chiến lược và là “đột phá của các đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Khác với các văn kiện trước đây chỉ đề cập pháp luật như một phần của thể chế, lần này pháp luật được đưa lên vị trí trung tâm, độc lập và mang tính chất quyết định đối với hiệu lực quản trị quốc gia.

Hai là: thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng pháp luật. Lần đầu tiên chủ trương: ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ số vào các khâu của quy trình pháp luật, như: phân tích tác động chính sách, soạn thảo văn bản, hệ thống hóa, phổ biến... Hướng tới hình thành hệ sinh thái pháp luật số, dữ liệu pháp luật mở, phục vụ người dân, DN truy cập và sử dụng thuận tiện.

Ba là: xây dựng pháp luật với tư duy mở, đổi mới, “đi trước một bước”. Nghị quyết nhấn mạnh: không chỉ “phản ánh thực tiễn” mà pháp luật còn phải có khả năng dẫn dắt, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ, các mô hình kinh tế mới (như: AI, blockchain, startup công nghệ...). Khuyến khích một số mô hình pháp luật thí điểm, đặc thù, linh hoạt trong các lĩnh vực mới nổi.

Bốn là: Nghị quyết quy định sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Trước đây, việc xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật thường bị tách rời, dẫn đến luật “nằm trên giấy” hoặc “thiếu khả năng thực thi”. Nghị quyết 66 nhấn mạnh: xây dựng pháp luật phải gắn liền với khả năng thực hiện trong thực tiễn, và ngược lại, thi hành pháp luật là thước đo cuối cùng cho chất lượng của văn bản pháp luật.

Năm là: đặt người dân và DN vào vị trí trung tâm của quá trình pháp luật. Lần đầu tiên, chủ trương được xác lập rõ: “lấy người dân, DN làm trung tâm, làm chủ thể trong xây dựng và thi hành pháp luật”. Đẩy mạnh cơ chế tham vấn, phản biện xã hội, tiếp nhận ý kiến từ cộng đồng trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật.

Sáu là: thiết lập cơ chế giám sát đồng bộ và trách nhiệm giải trình trong thực thi pháp luật. Nghị quyết nêu rõ yêu cầu: ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật, đặc biệt là người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật, bao gồm cả trách nhiệm giải trình về hiệu quả chính sách sau khi luật được ban hành.

Bảy là: Lần đầu tiên có quy định về tỷ lệ chi ngân sách cho công tác pháp luật. Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu tối thiểu 0,5% tổng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để phục vụ công tác xây dựng, thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là điểm chưa từng có trong các văn bản trước, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ về mặt nguồn lực để pháp luật không chỉ được ban hành mà còn được tổ chức thực hiện hiệu quả.

Tám là: lần đầu thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về hoàn thiện thể chế, pháp luật do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Đây là điểm đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ ưu tiên chính trị rất cao của Đảng đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Tổ chức thực hiện Nghị quyết được phân công rõ ràng, có lộ trình và cơ chế kiểm tra, giám sát cụ thể.

Nghị quyết 66-NQ/TW có nhiều điểm mới nổi bật, phản ánh sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy lập pháp, nâng pháp luật lên thành công cụ phát triển chiến lược, thay vì chỉ là công cụ quản lý nhà nước đơn thuần. Những điểm mới đó thể hiện quyết tâm chính trị cao, bắt nhịp thời đại số, và hướng đến xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại, lấy con người làm trung tâm và phát triển làm mục tiêu.

- Xin cảm ơn luật sư!

(Còn nữa)

Kỳ 1: 5 quan điểm - hướng đi mới cho xây dựng và thực thi pháp luật
Nhật Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động