Thứ sáu 24/01/2025 08:24
Hà Nội trong tôi là:

Bài 3: Những “thiên thần” áo trắng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Một hôm, con gái tôi đột nhiên hỏi mẹ: “Thiên thần chỉ có trong chuyện cổ tích thôi hả mẹ?”. Tôi trả lời cháu: “Thiên thần có ở xung quanh chúng ta. Đó là những người sẵn lòng hy sinh, giúp đỡ người khác để cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ngày hôm sau, cháu hồ hởi khoe với tôi bức tranh vẽ hai cô chú bác sĩ và bảo: “Mẹ ơi, con sẽ đặt bức tranh này là “Những thiên thần áo trắng”. Hôm qua, con mới xem các cô chú bác sĩ trên ti-vi, có chú còn bị rộp hết cả lưng vì làm việc mệt quá đấy mẹ ạ!"...

Dù khó khăn cũng không chùn bước

Buổi sáng 6-7-2021, trên bầu trời Việt Nam, bài hát “Nối vòng tay lớn” đã vang lên ở độ cao 10.000m, truyền thêm ý chí, quyết tâm và tinh thần đoàn kết cho 350 hành khách đặc biệt có mặt trên chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Đó là các cán bộ, giảng viên, sinh viên trường ĐH Y Hà Nội vào hỗ trợ Bình Dương chống dịch. Trong số đó, có rất nhiều em lần đầu vào tâm dịch. Dù vậy, các em vẫn háo hức, quyết tâm và mong muốn được đem trí tuệ, sức trẻ của mình cống hiến cho đất nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn này.

Bài 3: Những “thiên thần” áo trắng
350 cán bộ, giảng viên, sinh viên trường ĐH Y Hà Nội vào Nam chống dịch.
Bài 3: Những “thiên thần” áo trắng
Các em háo hức, quyết tâm và mong muốn được đem trí tuệ, sức trẻ của mình cống hiến cho đất nước.

Trước đó, khi một số tỉnh thành miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh là tâm dịch, ĐH Y Hà Nội cũng đã cử các cán bộ, sinh viên của trường về hỗ trợ. Nghe nhà trường thông báo cần lực lượng tình nguyện viên về Bắc Ninh chống dịch hồi tháng 5, rất nhiều sinh viên viết tâm thư xin tham gia. Nhìn thấy các y, bác sĩ tuyến đầu ngất xỉu vì kiệt sức, lòng các em như lửa đốt. Trái tim thúc giục các em xung phong tham gia vào cuộc chiến này. Vì trách nhiệm với quê hương, đất nước, vì trách nhiệm của một người thầy thuốc trong tương lai, và vì cả tình yêu và sự tin tưởng của Nhân dân dành cho đội ngũ y, bác sĩ,…

Công việc của các em là truy vết F1, F2, F3; lấy mẫu xét nghiệm; hỗ trợ bên trung tâm y tế tiêm vaccine và làm báo cáo tổng số các ca bệnh để các cơ quan ban ngành có cái nhìn khách quan nhất về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Bắc Ninh.

Dưới cái nắng đổ lửa của mùa hè, mặc trên mình bộ bảo hộ kín mít suốt nhiều giờ đồng hồ, có những lúc các em thấy hoa mắt, chóng mặt, thậm chí cảm giác như ngất xỉu đến nơi nhưng không ai bảo ai, mọi người đều một lòng quyết tâm, xác định đây một nhiệm vụ quan trọng, nhất quyết phải thắng lợi dù khó khăn vẫn không chùn bước. Hơn ai hết, các em hiểu rằng nếu chủ quan, lơ là, Bắc Ninh sẽ mất đi thời gian vàng chống dịch.

“Lần đầu khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ suốt hàng giờ đồng hồ, toàn thân tôi nóng bừng, mồ hôi cứ thế tuôn trào nhễ nhại, thậm chí còn hoa mắt, chóng mặt. Tôi tự nhủ bản thân phải kiên cường, mạnh mẽ hơn, dẫu khó khăn thế nào cũng phải vượt qua. Những ngày kế tiếp, tôi dần quen với công việc lấy mẫu xét nghiệm. Cảm giác nóng bức, tay chân sun lại cũng trở nên rất đỗi bình thường…

Đặc biệt, được chứng kiến nghĩa tình mà người dân cả nước dành cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân Bắc Ninh đã giúp một người trẻ như tôi thấu cảm hơn về nghĩa tình đồng bào trong cơn gian khó, hoạn nạn. Liên tục những ngày qua, lương thực cùng hàng tá nhu yếu phẩm khác, kèm theo lời động viên được các đơn vị hảo tâm đều đặn chuyển lên nhằm san sẻ khó khăn mà vùng tâm dịch đang trải qua”, sinh viên Lê Mai Bảo Châu, khoa Y học dự phòng, trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ.

Được biết, trong tháng 5-2021, ĐH Y Hà Nội cử cán bộ và 60 sinh viên ngành Y học dự phòng "xuất quân" hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh chống dịch. Tính đến cuối tháng 5, trường có hơn 110 giảng viên, cán bộ, sinh viên ĐH Y Hà Nội đã lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Ninh.

Sẵn sàng đi bất cứ đâu khi Tổ quốc cần

Trước tình hình và diễn biến dịch như hiện nay, ngành y tế tiếp tục hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc Hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong ngành y tế tiếp tục chung sức, đồng lòng với bản lĩnh, kiến thức, y đức của người thầy thuốc sẵn sàng tình nguyện, lên đường tham gia hỗ trợ các địa phương để chống dịch.

"Chúng ta cần kế thừa những thành quả đã đạt được, phát huy tinh thần tương thân tương ái, hơn lúc nào hết càng khó khăn, phức tạp chúng ta càng phải đoàn kết, thống nhất, chia sẻ trách nhiệm, lắng nghe các ý kiến, kết hợp sức mạnh tổng hợp để chống dịch hiệu quả hơn" - Bộ trưởng nêu rõ trong bức thư kêu gọi.

Ngay lập tức, hàng ngàn lá thư xung phong vào Nam chống dịch. Ngoài những đoàn hỗ trợ đã có mặt ở TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam, vẫn còn nhiều đoàn đã đăng kí và đang chờ lệnh, sẵn sàng lên đường sớm nhất có thể.

Ngày 6-8, tại Trường ĐH Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra lễ xuất quân tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid -19 cho tỉnh Đồng Tháp. Đoàn gồm 25 cá nhân, trong đó có 5 giảng viên - bác sĩ và 20 sinh viên y khoa, đã được tập huấn đầy đủ tại Bệnh viện E theo quy định về phòng, chống dịch. Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - GS Lê Quân đã ủy quyền cho TS Lê Hưng, Trưởng đoàn trao số tiền ủng hộ của cán bộ, viên chức, người lao động ĐH Quốc gia Hà Nội cho các tỉnh phía Nam. Tổng số tiền gần 430 triệu đồng.

Bài 3: Những “thiên thần” áo trắng
Ngành Y tế Thủ đô tận tâm, tận lực trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Khánh Huy.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày 30-7 cho biết đã có 500 cán bộ, nhân viên y tế đăng ký trong danh sách đợt 1 sẵn sàng tham gia hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam.

"Em đăng ký ạ", "Cho em đi trước chị ơi", "Cho em đi trước đi ạ"... là những dòng tin nhắn ngắn gọn, quyết tâm xin lên đường vào Nam chống dịch của các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trong đó, ấn tượng là tin nhắn của cặp vợ chồng bác sĩ "tranh nhau" đi chống dịch mặc dù có con nhỏ. Người chồng nói: "Anh thì chắc chắn rồi, nhà 1 người đi thôi. Anh đi rồi thì em sẽ không trong diện đi nữa đâu. Khoa anh có kế hoạch rồi". Tuy nhiên, người vợ cũng muốn đi không kém, chị nhắn lại: "Anh ở nhà trông con cho em đi" "Em thật sự muốn đi", "Mình cùng đi được không bố?”.

Người chồng khẳng định mình chắc chắn sẽ tham gia tuyến đầu dù "khả năng mắc rất cao". Anh cũng nhắn nhủ người vợ ở nhà làm "hậu phương" để chăm sóc con nhỏ. Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người chồng tham gia danh sách đợt 1 hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh phía Nam còn người vợ sẽ tham gia trong đợt 2. Mỗi đợt chi viện dự kiến cách nhau 1 tháng.

Trước đó, ngày 29-7, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã lên đường vào TP HCM cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long để nhận địa bàn, nhận bệnh viện, trang bị máy móc để phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Ngoài việc hỗ trợ chống dịch cho TP HCM, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang gấp rút chuẩn bị cho bệnh viện dã chiến ở cơ sở 2 của Bệnh viện ở Hà Nam với 500 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Bài 3: Những “thiên thần” áo trắng
Đội ngũ nhân viên y tế của Thủ đô vẫn ngày đêm căng mình phòng, chống dịch. Ảnh: Khánh Huy.

Tại Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hàng ngày vẫn có những ca bệnh mới được phát hiện, cùng với các cấp, các ngành, đoàn thể cùng Nhân dân, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của Thủ đô vẫn ngày đêm căng mình phòng, chống dịch. Ở khắp các bệnh viện, hình ảnh những chiến sĩ áo trắng dũng cảm, nhiệt tình, xông xáo với công việc đã chạm đến trái tim của tất cả mọi người.

Họ chấp nhận đặt niềm vui, hạnh phúc riêng tư của bản thân sang một bên để tập trung cho cuộc chiến cam go này. Nhiều cán bộ y, bác sĩ để lại sau lưng con thơ, mẹ già, cha yếu, sẵn sàng đi vào tâm dịch. Những cuộc gọi vội vã về cho gia đình, những chiếc áo ướt sũng mồ hôi, những tấm lưng bỏng rát, những bữa cơm muộn, những đêm thức trắng,... và đặc biệt là nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng tất cả đều trở nên thật nhỏ bé trước tình yêu lớn với Tổ quốc, với Nhân dân. Những chiến sĩ áo trắng đã, đang và sẽ tiếp tục cùng đồng đội, đồng chí của mình tận tâm, tận lực, hết lòng vì sứ mệnh của người thầy thuốc, vì cuộc sống bình yên và an toàn của Nhân dân.

(Còn nữa)

Bài 2: Những chuyến tàu thanh xuân rực rỡ Bài 2: Những chuyến tàu thanh xuân rực rỡ

Người ta thường nói tuổi thanh xuân là chuyến tàu đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi người. Với những thanh niên tình nguyện Thủ ...

Bài 1: Vitamin… tình yêu Bài 1: Vitamin… tình yêu

Hà Nội những ngày giãn cách thật buồn. Dường như nhiều thứ trở nên đóng băng, cảnh tấp nập, náo nhiệt của một thành phố ...

An Nhiên - Hương Giang
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động