Thứ năm 23/01/2025 08:16
Nhịp sống văn hóa Hà Nội trong dòng chảy thời đại

Bài cuối: “Đòn bẩy” cho làng nghề truyền thống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trở thành Điểm du lịch của thành phố Hà Nội năm 2019, làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng cổ Đường Lâm đã xây dựng nhiều mô hình du lịch nhằm phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa đến với cộng đồng.
Bài cuối: “Đòn bẩy” cho làng nghề truyền thống
“Bảo tàng gốm Bát Tràng” điểm thu hút du khách khi đến tham quan tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Ảnh TL

Gốm sứ Bát Tràng “nở hoa”

Là ngôi làng cổ nhất của Hà Nội với lịch sử hơn 1.000 năm, làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) đến nay là “điểm sáng” trong việc thu hút khách du lịch cũng như phát triển kinh tế địa phương.

Cuối năm 2019, Bát Tràng được Sở Du lịch Hà Nội công nhận là Điểm du lịch của thành phố. Với lợi thế về làng nghề gốm sứ Bát Tràng và danh hiệu điểm du lịch, Bát Tràng đã bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu du lịch trải nghiệm, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến.

Trong năm 2019 - 2020, một con đường gốm sứ trên tuyến đường đê sông Hồng qua xã đã được xây dựng với sự tham gia của các nghệ nhân, thợ giỏi làng Giang Cao. Bên cạnh đó, người dân cũng chung tay vẽ tường bích họa, xây dựng những “đoạn đường hoa nở” và thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường nhằm tạo sức sống mới cho làng nghề truyền thống.

Nhiều mô hình du lịch trải nghiệm nở rộ như mô hình “Căn nhà Hương Sa” (xóm 5, xã Bát Tràng); Khu du lịch Lò Bàu cổ (xóm 2, xã Bát Tràng);… thúc đẩy thương hiệu làng nghề đến với du khách. Thông qua mô hình du lịch “Căn nhà Hương Sa”, bằng những hình ảnh và sản phẩm được truyền tải trên ứng dụng công nghệ thực tế ảo, ông Nguyễn Trung Thành (đồng sáng lập “Căn nhà Hương Sa”) mong muốn khi du khách đặt chân tới làng nghề Bát Tràng có thể hình dung rõ nét về lịch sử, phát triển của làng nghề qua “bảo tàng thu nhỏ” này.

Bài cuối: “Đòn bẩy” cho làng nghề truyền thống
Ở khu du lịch Lò Bàu cổ (xóm 2, xã Bát Tràng) , du khách có thể trải nghiệm làm gốm thủ công

Là quản lý khu du lịch Lò Bàu cổ kiêm hướng dẫn viên du lịch, chị Lương Nguyệt Minh bày tỏ sự tự hào khi được hoạt động một cách chuyên nghiệp và được đóng góp công sức cá nhân trong việc đưa thương hiệu, hình ảnh làng nghề Bát Tràng đến với du khách.

Hiện, “Bảo tàng gốm Bát Tràng” với diện tích 3.700 m2. toạ lạc tại thôn 5, xã Bát Tràng đang quá trình hoàn thiện được coi là điểm đến lý tưởng cho du khách khi đặt chân đến Bát Tràng. Công trình nằm trong dự án "Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt" của công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và hiệp hội làng nghề Hà Nội nhằm mục đích phát triển làng nghề.

Đợt dịch Covid-19 được coi là “phép thử” để làng nghề Bát Tràng thích ứng với công cuộc chuyển đổi số 4.0. Trước đó, làng nghề Bát Tràng đã ứng dụng công nghệ số để phát triển “du lịch thông minh”.

Theo ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, thời gian qua, Bát Tràng đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản; phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh (SmartTour Apps); lắp đặt wifi miễn phí...

Làng nghề Bát Tràng cũng đã triển khai đưa vào hoạt động 50 xe đạp thông minh và 20 ô tô điện để phục vụ du khách. Thông qua ứng dụng “du lịch thông minh”, du khách có thể yên tâm sử dụng dịch vụ xe điện với số tiền được hiển thị minh bạch. Ngoài ra, du khách cũng có thể truy cập thông tin về các điểm tham quan bằng nhiều ngôn ngữ. Đây là cách Bát Tràng đón đầu cơ hội, chờ ngành du lịch hoạt động trở lại.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, theo thống kê năm 2020, số lượng khách mua sắm, tham quan làng nghề có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Trung bình mỗi ngày, đặc biệt vào dịp cuối tuần, Bát Tràng đón từ 3.000 đến 5.000 lượt khách tham quan, mua sắm, trải nghiệm.

Phát huy và bảo tồn văn hóa làng cổ Đường Lâm

Được biết tới là điểm du lịch văn hóa cộng đồng ăn khách tại Hà Nội, làng cổ Đường Lâm đã phát huy thế mạnh văn hóa địa phương trong việc quảng bá “thương hiệu” làng cổ đậm nét làng quê Bắc Bộ đến với du khách.

Cùng với danh hiệu công nhận Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia (năm 2006) và Điểm du lịch cấp thành phố (năm 2019), sau khi được công nhận Điểm du lịch cấp thành phố, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã có những bước đi bài bản trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch.

Trước đây, các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nghỉ ngơi đều tự phát tại các gia đình thì nay hoạt động mô hình du lịch homestay phối hợp chặt chẽ với Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ và du lịch Đường Lâm. Mô hình du lịch kết hợp giữa 3 ngôi nhà cổ với sức chứa khoảng 30 người luôn kín phòng vào các ngày cuối tuần. Mô hình này đã tạo việc làm cho 20 người dân với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng/người.

Theo Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm, hiện trong làng có hơn 100 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, trong đó có hơn 20 hộ cung cấp dịch vụ lưu trú.

Bài cuối: “Đòn bẩy” cho làng nghề truyền thống
Ngôi nhà cổ tại làng cổ Đường Lâm

Ngoài việc kinh doanh dịch vụ homestay, nhiều hộ dân ở Đường Lâm đã chủ động kết hợp gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế, như gia đình ông Hà Nguyên Huyến và ông Nguyễn Hữu Thể với nghề làm tương, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng có nghề làm chè lam; gia đình ông Cao Văn Hiền với cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Hiền Bao, mỗi tháng sản xuất trung bình 1,5 tấn kẹo...

Du khách đến với làng cổ Đường Lâm bên cạnh việc tham quan 21 di tích lịch sử, văn hoá gắn liền với các danh nhân, anh hùng dân tộc, còn được trải nghiệm một số hoạt động làm nông nghiệp, như gặt lúa, làm bánh, kẹo do người làng hướng dẫn.

Để du lịch Đường Lâm phát triển bền vững, ông Trần Trung Hiếu Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Sở Du lịch Hà Nội sẽ đồng hành cùng địa phương trong công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá giá trị của làng cổ Đường Lâm và kết nối cộng đồng địa phương với doanh nghiệp lữ hành để tạo ra các sản phẩm mới”.

Trước thách thức từ dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động phát triển làng nghề, hoạt động du lịch Hà Nội nói chung, làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng cổ Đường Lâm nói riêng, đến nay, các ban, ngành, đoàn thể TP Hà Nội đã chủ động, tích cực đề ra các giải pháp nhằm “gỡ khó” cho các địa phương phục hồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Ngày 7-10-2021, nhằm động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề phục hồi và phát triển kinh tế, Đoàn công tác của Bộ Công Thương và Sở Công Thương Hà Nội đã đến làm việc với một số đơn vị thuộc làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp địa phương để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển kinh tế.

Hà Nội – mảnh đất nghìn năm văn hiến đã có 22 năm giữ vững danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Trên hành trình hội nhập, Hà Nội mang theo niềm tự hào, những giá trị thiêng liêng của lịch sử và khát vọng đổi thay trở thành trung tâm văn hóa lớn của cả nước, quyết tâm cao trong thực hiện cam kết của thành phố với UNESCO xây dựng Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trên lĩnh vực thiết kế.

Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, làng có nghề, trong đó có 313 làng nghề truyền thống đã được công nhận, 207 làng có nghề đang phát triển. Có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm; gần 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm.
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động