Thứ năm 23/01/2025 02:53

Hà Nội hút khách du lịch dịp Tết 2025

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chú trọng khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch từ các hoạt động trải nghiệm về văn hóa, lễ hội đặc sắc ở Hà Nội sẽ giúp Thủ đô đạt mục tiêu đón lượng lớn khách du lịch vào dịp Tết Nguyên đán năm 2025.
“Tết Việt - Tết phố 2025” với điểm nhấn là đoàn diễu hành cổ phục truyền thống của hơn 400 thành viên. Ảnh Mộc Miên
“Tết Việt - Tết phố 2025” với điểm nhấn là đoàn diễu hành cổ phục truyền thống của hơn 400 thành viên. Ảnh: Mộc Miên

Tết Việt trong lòng phố

Theo nhận định của các chuyên gia, những nét văn hóa bản địa đặc sắc thể hiện qua phong tục đón Tết, nghi lễ tri ân, tưởng nhớ tổ tiên, các di tích văn hóa-lịch sử, cuộc sống sinh hoạt của người dân, đặc sản ẩm thực là những nguyên liệu nổi bật làm nên sản phẩm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế. Văn hóa địa phương càng độc đáo, cuốn hút, trải nghiệm của du khách càng sâu sắc. Hà Nội được đánh giá là địa phương đã làm rất tốt những nhận định nói trên. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, TP Hà Nội tổ chức loạt sự kiện như: “Tết Việt - Tết Phố 2025”, tại khu vực phố cổ; “Tết làng Việt” ở làng cổ Đường Lâm và chương trình “Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025” tại quận Tây Hồ. Những hoạt động này không những mang đến không khí Tết rộn ràng mà còn tạo cho du khách cơ hội trải nghiệm văn hoá Tết truyền thống sống động.

Chương trình “Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025” tại Hồ Tây vào 18/1 là sự kiện nghệ thuật kết hợp công nghệ ánh sáng hiện đại và âm nhạc truyền thống. Điểm nhấn của chương trình là màn trình diễn ánh sáng bởi 2025 drone light, kết hợp dàn nhạc giao hưởng. Đây là lần đầu tiên công nghệ drone ánh sáng được sử dụng quy mô lớn, với màn trình diễn drone rồng thế hệ mới, kỳ vọng mang lại trải nghiệm mãn nhãn trên bầu trời Hà Nội. Chương trình “Tết Việt - Tết Phố 2025” diễn ra vào 19/1, bắt đầu từ Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (số 50 Đào Duy Từ). Sự kiện có hoạt động rước lễ ra đình, đi qua các tuyến phố và các di tích lịch sử của khu phố cổ, kết thúc tại đình Kim Ngân (số 42 Hàng Bạc). Sau đó, diễn ra lễ dâng Thành hoàng, dựng cây Nêu và giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa của cây Nêu trong ngày Tết. Chương trình được tổ chức hằng năm nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch, đưa hình ảnh Khu phố cổ Hà Nội và Thủ đô ngàn năm văn hiến đến gần hơn với đông đảo người dân và du khách trong nước lẫn quốc tế.

Ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, thông qua chuỗi hoạt động mang chủ đề “Tết Việt - Tết Phố”, Ban Quản lý hàng năm luôn nỗ lực tái hiện không gian Tết truyền thống, nhằm gìn giữ, kết nối và lan tỏa các giá trị văn hóa độc đáo của người Việt. Những hoạt động như gói bánh chưng, ông Đồ viết thư pháp, hay trưng bày tranh dân gian ngày Tết không chỉ mang đến sự thân thuộc mà còn tạo nên sợi dây gắn kết cộng đồng. Đặc biệt, không gian tái hiện Tết xưa của gia đình Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc bộ đã mang đến cảm giác gần gũi, ấm áp, giúp người xem như sống lại những khoảnh khắc thân thương của Tết cổ truyền.

Không chỉ giới hạn ở giá trị bảo tồn văn hóa, “Tết Việt - Tết Phố 2025” còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội - TP ngàn năm văn hiến - đến với bạn bè quốc tế. Thông qua các nghi lễ, phong tục truyền thống, du khách nước ngoài không chỉ được trải nghiệm mà còn hiểu sâu sắc hơn về tinh hoa văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, chương trình năm nay mở rộng sự tham gia của cộng đồng kiều bào, giúp người Việt xa quê hương được kết nối với những giá trị văn hóa cội nguồn, đồng thời khơi gợi tình cảm gắn bó, tự hào về quê cha đất tổ.

Từ ngày 14 đến ngày 28/1/2025 (15 tháng Chạp đến hết ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn), các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống và tranh dân gian sẽ được tổ chức tại Không gian bích họa phố Phùng Hưng. Các nghệ nhân và thợ thủ công giới thiệu các sản phẩm truyền thống tại đây. Bên cạnh đó, từ ngày 18/1 đến ngày 16/2/2025, tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội), Chương trình “Tết làng Việt” cũng chính thức được khởi động. Chương trình gồm không gian chợ Tết truyền thống tại sân đình Mông Phụ, giới thiệu đặc sản, sản phẩm thủ công và làng nghề địa phương. Ngoài ra, còn có các màn biểu diễn nghệ thuật, nhạc cụ dân tộc, trình diễn áo dài và thư pháp Tết...

Các không gian trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Ảnh: HT
Các không gian trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Ảnh: HT

Trở về “Tết xưa - Tết thời bao cấp”

Để phát huy giá trị các nghi lễ tết tiêu biểu của cung đình cũng như những phong tục tết dân gian truyền thống của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động Tết kéo dài từ ngày 20/1 đến ngày 6/2 với nhiều hoạt động đặc sắc.

Đầu tiên, du khách được trải nghiệm không gian trưng bày “Tết xưa - Tết thời bao cấp”, người xem được ngược dòng thời gian trở về “Tết xưa - Tết thời bao cấp” của thập kỷ 70, 80 để cùng sống lại một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. “Tết thời bao cấp” được tái hiện qua 3 không gian trưng bày: gian hàng mậu dịch quốc doanh, gian hàng tranh - hoa - pháo Tết và không gian thờ cúng. Mặc dù không gian trưng bày không lớn nhưng đã làm nổi bật được đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa tâm linh của người dân Thủ đô Hà Nội cách đây nửa thế kỷ. Tết thời bao cấp tuy còn thiếu thốn về vật chất nhưng đầy ắp tình người và thiêng liêng. Tết là sự chờ đợi, háo hức, là mong ước hi vọng với biết bao niềm vui dành cho tất cả mọi người. Gần đến những ngày giáp Tết, các cửa hàng mậu dịch lúc nào cũng đông nghịt người đứng xếp hàng chờ mua hàng Tết bằng tem phiếu.

Tiếp đó du khách còn khám phá hệ thống các nghi lễ Tết cung đình xưa. Trong cung đình thời Lê Trung hưng đã hình thành nên một hệ thống các nghi lễ Tết cung đình mùa Xuân trong đó, có 3 nghi lễ đặc biệt quan trọng là lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu và lễ chính đán. Lễ tiến lịch được xem là nghi lễ đầu tiên của triều đình báo hiệu cho Nhân dân cả nước biết về thời khắc “Tết đến xuân về”. Lễ tiến Xuân ngưu được tổ chức vào ngày lập xuân. Theo quan niệm của người xưa, một năm có 12 tháng, mỗi tháng tượng trưng cho hình ảnh một con vật thuộc 12 con giáp, tháng cuối cùng của năm biểu tượng là Trâu nên gọi là tháng Sửu. Lễ Chính đán được tổ chức vào sáng sớm ngày mùng một Tết với nghi thức Đại triều trang trọng, tôn nghiêm, diễn ra tại sân điện Kính Thiên...

Rộn ràng ngày hội Tết Việt Tết phố trên phố cổ Hà Nội
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động