Thứ bảy 17/05/2025 12:12
Nhận diện âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc “ẩn náu” trên các nền tảng mạng xã hội

Bài cuối: Kiên quyết chống các tư tưởng chia rẽ, nỗ lực xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phải khẳng định mạng xã hội khó kiểm soát nội dung, nhưng không có nghĩa là không kiểm soát. Nỗ lực kiểm soát từ các thiết chế pháp luật, phải đi kèm với nỗ lực của công tác tư tưởng và văn hóa. Quan trọng nhất là xây dựng ý thức của mỗi cá nhân, về thói quen dùng mạng xã hội văn minh, mà thói quen ấy, phần lớn đến từ nền tảng tư tưởng vững chắc.
Bài cuối: Kiên quyết chống các tư tưởng chia rẽ, nỗ lực xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh
TikToker Nhật Hải Biết Tuốt bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải thông tin sai sự thật, phân biệt vùng miền. Ảnh: chụp màn hình

Công tác tư tưởng và thiết chế pháp luật cùng phát huy vai trò

Thực tế chúng ta đã có hệ thống pháp luật điều chỉnh và xử lý những hành vi thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc trên mạng khá đầy đủ từ Hiến pháp đến Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013; Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020,… và gần đây cũng đã có rất nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể loại bỏ triệt để được những thông tin này trên môi trường mạng.

Bởi hiện nay, ngoài các thủ đoạn, phương thức cũ như kích động quần chúng, các thế lực thù địch coi trọng sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông. Chúng thực hiện diễn biến hòa bình, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân bằng những “cuộc chiến mềm” trên mạng xã hội. Thực tế ở nước ta gần đây đã xuất hiện khá nhiều các website, blog, các nội dung video trên facebook, tiktok… phát tán quan điểm trái chiều, xuyên tạc, chia rẽ vùng miền.

Các thế lực thù địch sử dụng công nghệ chèn các tư liệu, hình ảnh đã bị cắt ghép, chỉnh sửa, “live stream”... tạo ra những sự kiện “giật gân”, thông tin “câu khách”, gợi trí tò mò của dư luận; cố tình đổi trắng thay đen, biến không thành có, rồi suy diễn, bình luận theo kiểu làm “sáng tỏ vấn đề”. Tần suất các luận điệu thâm độc đó ngày càng gia tăng cả về lưu lượng, cấp độ, mật độ; thực hiện “bôi nhiều sẽ bẩn”, “nói lắm phải tin”, tung “hỏa mù” nhằm gây tâm lý hoài nghi, dao động trong xã hội; từng bước hướng cộng đồng đến những suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến “tự diễn biến”, dần xuất hiện những hành vi “lệch chuẩn” và rơi vào “tự chuyển hóa” lúc nào không hay.

Vì vậy, quản lý về mặt pháp luật là cần thiết, đã có nhiều trường hợp bị phạt hành chính, thậm chí khởi tố hình sự về việc đưa tin sai, chia rẽ phân biệt vùng miền.

Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định, những người có hành vi phân biệt vùng miền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sỉ nhục người khác, cụ thể mức xử phạt vi phạm hành chính từ 10-30 triệu đồng hoặc có thể bị phạt tù từ 1-5 năm.

Ngoài ra, Điều 116, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định đối với tội phá hoại chính sách đoàn kết có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc cao nhất từ 7 - 15 năm nếu vi phạm một trong những hành vi sau: Gây chia rẽ giữa các tầng lớp Nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội; gây thù hằn, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

Tuy nhiên, ý thức chính trị, nền tảng của mỗi cá nhân, các phương pháp tuyên truyền “nhân tốt, dẹp xấu”, các câu chuyện hay về sự giúp đỡ của lòng người, cần được truyền thông xã hội, truyền thông báo chí đẩy mạnh hơn nữa. Nhất là đối với những người trẻ, phải tạo cho họ một “miễn dịch tâm lý” với tin xấu độc trên mạng. Muốn vậy, phải bắt đầu từ giáo dục nhà trường và gia đình, phải bắt đầu từ phương pháp nêu gương của người lớn. Chế tài pháp luật được xem là bước “chữa bệnh”, còn ý thức cá nhân là giải pháp “phòng bệnh”. Hai nội dung đó phải đi song song với nhau, mới có hiệu quả thực sự trong việc tạo ra “miễn dịch tâm lý” trên môi trường mạng.

Bảo vệ tư tưởng vững chắc về đoàn kết toàn dân

Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định đại đoàn kết dân tộc là phương thức, là sức mạnh và là mục tiêu quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đoàn kết, trong đó có đại đoàn kết dân tộc, là một nội dung cơ bản, trung tâm của chính trị Việt Nam hiện đại. Người từng viết: “Tóm lại chính trị là: 1. Đoàn kết. 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 75).

Kế thừa, phát huy tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta luôn đặt tư tưởng đại đoàn kết toàn dân là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu, “đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, chân lý ây không bao giờ thay đổi, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối dựng nước, giữ nước, và xây dựng cho đến mãi về sau.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.34). Và xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải theo nguyên tắc đảm bảo lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc, quyền lợi cơ bản của Nhân dân lao động; đồng thời quan tâm đến quyền lợi chính đáng của các tầng lớp Nhân dân.

Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, đứng trước âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng thâm độc của các thế lực thù địch, nhằm gây mâu thuẫn trong cộng đồng, thông qua những trend, những trào lưu tưởng chừng vô hại, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị cũng như sự đoàn kết, chung sức của cộng đồng, sự tỉnh táo của người dùng mạng.

Không chủ quan trước các xu hướng mạng, là vấn đề cần được nhắc đi nhắc lại, để có thể nắm bắt được diễn biến tư tưởng của người dùng mạng, cũng như loại trừ những nguy cơ từ các thế lực thù địch. Truyền thống đoàn kết suốt chiều dài lịch sử dân tộc gìn giữ, không thể vì những comment đóng mác “vui đùa” mà bị lung lay.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các bài viết tuyên truyền, chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam trên không gian mạng rất nhiều. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, mỗi tháng có hàng chục nghìn bài viết tiêu cực, xuyên tạc, bịa đặt trên không gian mạng, thu hút hàng chục triệu lượt bình luận, chia sẻ với tỷ lệ bình luận tiêu cực rất cao.

Bài cuối: Kiên quyết chống các tư tưởng chia rẽ, nỗ lực xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh
Lan tỏa giá trị tốt đẹp, khơi niềm tự hào dân tộc chính là góp phần củng cố tư tưởng đoàn kết toàn dân. Ảnh: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Trước tình hình diễn biến trên không gian mạng ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng đến khối đoàn kết toàn dân, nhiều giải pháp cần được tính đến như:

Thứ nhất: truyền thông chính thống phải đóng vai trò dẫn dắt định hướng dư luận. Các ban ngành đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí cần phát huy được vai trò trong cung cấp thông tin chính thống kịp thời và chính xác, tránh tạo khoảng trống thông tin để các đối tượng phản động lợi dụng phát tán các thông tin xuyên tạc, để các tầng lớp Nhân dân được tiếp cận với thông tin chính thống trước khi tiếp cận với thông tin phản động.

Thứ hai, các chế tài xử phạt cần mạnh mẽ, nghiên túc, các lực lượng chức năng kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng Internet mạng xã hội để tổ chức các hoạt động phát tán tin giả, thông tin sai sự thật nguy hại đến chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc. Kiên quyết chống tin chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Thứ ba, điều chỉnh chính sách đối với những công ty hoạt động mạng xã hội tại Việt Nam, nhằm yêu cầu về trách nhiệm cộng đồng và ngăn chặn tin xấu, độc của họ khi hoạt động trên đất nước Việt Nam.

Thứ tư, nâng cao nhận thức, vai trò cán bộ, đảng viên và quần chúng trong việc khai thác, sử dụng Internet và mạng xã hội, kỹ năng nhận diện những thông tin Đây là vẫn đề không hề dễ làm, cần sự chung tay của nhiều lực lượng, và cần ý thức của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, không có một “cuộc chiến” nào là dễ dàng cả. Cách làm, phương thức thực hiện cần kiên trì mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn.

Trong xã hội đa văn hóa và đa dạng như hiện nay, sự mở lòng, tôn trọng và hiểu biết về văn hóa của mỗi vùng miền là rất cần thiết. Muốn mỗi “công dân mạng” sử dụng bình luận, nút like, share thật tỉnh táo, văn minh là cả một hành trình dài, nhiều khó khăn, nhưng càng khó khăn càng phải thực hiện một cách nghiêm túc và trệt để nhất. Có như thế, sự chia rẽ, sự thù địch mạng mới không còn “không gian” để tồn tại. Có như thế, quan điểm, tư tưởng lập trường về đại đoàn kết toàn dân mới được củng cố vững chắc hơn.

Bài 1: Âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết bằng những kích động phân biệt vùng miền Bài 1: Âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết bằng những kích động phân biệt vùng miền

Quan điểm của Đảng, Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc luôn luôn là: “Nước Việt Nam là ...

Thái Phương - Xuân Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động