Thứ hai 14/04/2025 02:06

Bệnh sởi ở người lớn: đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 10/4, Viện Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin đã ghi nhận ca tử vong do bệnh sởi người lớn đầu tiên trong năm 2025.
Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 10-20 ca mắc sởi ở người lớn. Ảnh: VOV
Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 10-20 ca mắc sởi ở người lớn. Ảnh: VOV

Được biết, bệnh nhân tử vong mắc sởi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường. Bệnh nhân nhập viện khi đã có biến chứng phổi nặng, phải lọc máu và chạy tim phổi nhân tạo (ECMO). Sau 2 tuần điều trị bệnh nhân đã không qua khỏi.

Hiện mỗi ngày Viện Y học Nhiệt đới tiếp nhận khoảng 10 đến 20 bệnh nhân người lớn mắc bệnh sởi với các triệu chứng sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan... Phần lớn đều chưa được tiêm vaccine hoặc trước có tiêm vaccine phòng sởi nhưng không tiêm mũi nhắc lại.

Các trường hợp mắc sởi thường từ 30 đến 50 tuổi và chủ quan không nghĩ là bản thân mắc sởi nên khi vào viện thì bệnh đã nặng.

Từ cuối năm 2024 đến nay, Viện Y học Nhiệt đới đã khám và điều trị cho 104 ca mắc sởi ở người lớn, trong đó 5% diễn biến nặng cần can thiệp máy móc, 2 ca thở máy xâm nhập, 1 ca phải chạy ECMO. “Điều đáng lo là 75% bệnh nhân không nhớ rõ đã tiêm vaccine sởi hay chưa” - PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới cho biết

"Các ca mắc sởi có biến chứng như viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, tăng men gan, suy gan, suy đa phủ tạng phải lọc máu, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản… chiếm khoảng 5% trong số các bệnh nhân nhập viện. Những trường hợp có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao hơn, dễ diễn tiến nặng phải can thiệp máy móc" - PGS.TS Đỗ Duy Cường thông tin thêm.

Nhiều người chủ quan cho rằng sởi chỉ là bệnh nhẹ, sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, thực tế bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Khi có triệu chứng sốt, phát ban, ho kéo dài, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Các chuyên gia y tế cho hay, sởi không chỉ ghi nhận ở trẻ em mà cả người lớn, đặc biệt là nhóm có bệnh nền hoặc miễn dịch suy giảm.

Về việc phòng bệnh, các chuyên gia y tế nhấn mạnh, sởi là một bệnh truyền nhiễm và có thể phòng chống được bằng việc tiêm vaccine. Vaccine sởi có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm cho trẻ từ 9 tháng, sau đó được tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi hoặc 2 tuổi.

Đối với người lớn, khi hệ miễn dịch giảm thì cũng cần được tiêm nhắc lại. Nếu chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng, cần tiêm nhắc lại vaccine sởi-quai bị-rubella (MMR).

Theo Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 4/2025, đã có hơn 54.000 ca mắc sởi trên cả nước, trong đó nhiều ca sốt phát ban nghi sởi vẫn tiếp tục được ghi nhận rải rác ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa – nơi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, điều kiện tiếp cận y tế hạn chế.

Trước tình hình này, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine sởi, nhất là ở nhóm nguy cơ cao. Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức phân luồng, bố trí khu khám riêng cho người nghi mắc sởi và người mắc bệnh sởi. Đồng thời, thực hiện các biện pháp truyền thông đa dạng (như qua loa phát thanh, poster, tờ rơi, website, fanpage... hướng dẫn trực tiếp) để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên hiểu rõ về bệnh sởi và các biện pháp phòng, chống bệnh sởi, hiệu quả của tiêm vaccine phòng ngừa sởi.

Hà Nội: phòng chống lây nhiễm chéo bệnh sởi tại các bệnh viện và trường học
Đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống bệnh sởi
Hà Nội: hơn 400 ca mắc sởi và tay chân miệng trong tuần, xuất hiện ổ dịch ở trường học
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động