Bình đẳng trong bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp với người khuyết tật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao năng lực cho Phụ nữ (CEPEW) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa tổ chức Hội thảo “Cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy quyền tham chính của Người khuyết tật ở Việt Nam”, hướng tới kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18 - 4).
Bà Diana Torres, Trưởng phòng Quản trị và tham gia, Trợ lý Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, vẫn tồn tại một “khoảng cách chính trị” to lớn giữa những NKT và không khuyết tật, và khoảng cách này sẽ luôn còn đó nếu không có sự tham gia của tất cả chúng ta trong việc thúc đẩy bình đẳng và trao quyền cho NKT trên các nền tảng chính trị.
Bà Lương Thị Kiều Thúy, người khiếm thính, chia sẻ: “Người điếc và người khiếm thính thường gặp khó khăn về nghe, tiếng nói thường không được mọi người để ý đến. Vì vậy, em sẵn sàng ứng cử đại biểu Quốc hội, để tiếng nói của người điếc được lắng nghe”.
Hội thảo “Cơ hội, thách thức và giải pháp thúc đẩy quyền tham chính của người khuyết tật ở Việt Nam”. |
Còn theo ông Lê Ngọc Hoàn, Chủ tịch Hội người mù tỉnh Lạng Sơn thì NKT chiếm tỉ lệ đông mà trong cơ quan lập pháp có ít NKT tham gia. “Tôi có nguyện vọng tham gia HĐND để đưa tiếng nói NKT vào cơ quan quyền lực này. Tôi tự tin tham gia ứng cử. Nhưng trong quá trình triển khai, tôi gặp nhiều rào cản về định kiến. Cử tri băn khoăn người khiếm thị có đọc được văn bản, đi lại được không. Trong quy định, đại biểu không có người đi cùng, vậy NKT có thể đại diện được quyền lợi của người dân không. Tôi không đạt được 50% ủng hộ trong hiệp thương vòng một”, ông Hoàn nói.
“Hướng tới bình đẳng nghĩa là hướng tới đạt được các kết quả phát triển bình đẳng và công bằng xuyên suốt cuộc đời - từ nền giáo dục chất lượng và cơ hội học tập suốt đời, khả năng tiếp cận bình đẳng với việc làm có chất lượng, tài nguyên thiên nhiên, đến bảo trợ xã hội và đưa ra các quyết định mang tính hòa nhập,” bà Diana Torres nói. “Chúng ta sẽ khó lòng đạt được các kết quả thực sự hòa nhập, dù chính phủ, cộng đồng và các tổ chức của và vì người khuyết tật có nỗ lực đến đâu, nếu thiếu tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan quốc hội, hội đồng nhân dân”.
Theo “Đánh giá nhanh mức độ sẵn sàng tham gia của người khuyết tật với tư cách ứng viên Đại biểu Quốc hội/Hội đồng nhân dân các cấp tại Việt Nam”, được công bố tại hội thảo, 92% người tham gia đã bày tỏ hy vọng có đại biểu là người khuyết tật trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Có tới 63% người được hỏi sẵn sàng tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp trong 5 năm tới.
Song có 3 thách thức hàng đầu mà Người khuyết tật gặp phải trong cuộc bầu cử. Đó là 28% không cảm thấy tự tin vào khả năng thành công của bản thân; 14% không biết tự ứng cử và kêu gọi sự ủng hộ của cử tri; và 9% không tin rằng cộng đồng sẽ bỏ phiếu cho người khuyết tật. Có tới 68% người được hỏi cho biết hiểu biết về quy trình tự ứng cử của họ còn hạn chế, do đó họ thiếu tự tin vào năng lực bản thân. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao vẫn còn tồn tại “khoảng cách chính trị” nói trên.
Ông Jan Wilhem Grythe, Đại biện lâm thời Na Uy, Đại sứ quán Hoàng gia Na-uy tại Hà Nội cho hay, Nauy có một nữ đại biểu quốc hội là người khuyết tật về thể chất, bà Tove Linnea Brandvik, trong hai nhiệm kỳ từ 2005-2013. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin về quá trình tham chính của bà và tổ chức các buổi trao đổi, truyền cảm hứng với các ứng cử viên tiềm năn là người khuyết tật ở Việt Nam”, ông Jan Wilhem Grythe nói.
Quyền tham gia chính trị của người khuyết tật được quy định tại Điều 29 Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD). Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam (VFD) đã công bố chủ đề của Ngày Người khuyết tật Việt Nam 2021 là An toàn - Bình đẳng: An toàn trong đại dịch Covid-19 và Bình đẳng trong bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại