Bài 4: “Không gì là không giải quyết được khi chúng ta quyết tâm”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải có nhiều năm gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Sai thì nhận sai, càng để lâu càng lãng phí
Một trong những minh chứng rõ nét cho sự lãng phí rất lớn về nguồn lực văn hóa là việc Hãng phim truyện Việt Nam bị đình trệ các hoạt động trong suốt 8 năm qua, gây ra những hậu quả nặng nề cho Hãng phim cũng như các nghệ sĩ, người lao động của Hãng.
Các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam ký đơn gửi tới Thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra T.Ư… trong ngày 13/12/2024. Ảnh: NVCC |
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải - nghệ sĩ có nhiều năm làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam cho biết: “Tình hình của Hãng phim truyện Việt Nam rất tồi tệ sau 7-8 năm cổ phần hóa, mức độ xuống cấp như thế này chắc chắn là không ai có thể hình dung nổi trước cổ phần hóa. Cơ sở vật chất xuống cấp thảm hại, đời sống của các cán bộ kỹ thuật, các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. Họ hoàn toàn bị mất toàn bộ quyền lợi cơ bản nhất của người lao động: không lương, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội trong khoảng 7-8 năm qua”.
Theo đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải, một trong những điều đau xót nhất là việc 300 bộ phim nhựa nguyên bản do chính các nhà làm phim chọn ra để giữ lại để trình chiếu tại các Liên hoan phim và các sự kiện điện ảnh trong nước và quốc tế đã bị hỏng hoàn toàn.
Cảnh hoang tàn, xơ xác của Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: nghệ sĩ cung cấp |
Theo nam đạo diễn, các nghệ sĩ của Hãng phim truyện đã nhiều lần viết đơn và gửi đến các cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết dứt điểm vụ việc của Hãng phim truyện Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 13/12/2024, nhiều nghệ sĩ từng làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam đã cùng ký đơn gửi tới Thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra T.Ư... đề nghị xử lý vấn đề cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam.
Các nghệ sĩ cho biết, Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện cổ phần hóa năm 2017. Những sai phạm, hướng xử lý việc cổ phần hóa hãng phim đã được nêu rõ trong kết luận số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018 và số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, trong suốt từ năm 2018 đến nay, Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản nhằm giải quyết dứt điểm, nhưng mọi chuyện đến giờ vẫn chưa được giải quyết.
Tháng 4/2023, Thanh tra Chính phủ từng công bố quyết định số 129/QĐ- TTCP về việc thành lập tổ kiểm tra, nhằm kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa hãng. Ngày 3/1/2024, trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo Bộ phải sớm giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa, nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết luận sau kiểm tra này.
Cảnh hoang tàn, xơ xác của Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: nghệ sĩ cung cấp |
Ngày 30/12/2024, tại sự kiện Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các đại biểu văn nghệ sĩ nhân dịp cuối năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, các ban ngành liên quan cần giải quyết những vấn đề tồn đọng. Tổng Bí thư Tô Lâm lấy ví dụ việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, đã 8 năm bế tắc. “Không gì là không giải quyết được khi chúng ta quyết tâm. Sai thì nhận sai. Càng để lâu càng lãng phí” - Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Cảnh hoang tàn, xơ xác của Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: nghệ sĩ cung cấp |
Chống lãng phí là một chủ trương đúng và cần phải triển khai quyết liệt
Bàn luận về vấn đề chống lãng phí, TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), giảng viên luật hình sự, Trường Đại học Thuỷ Lợi cho rằng, tham nhũng và lãng phí, tiêu cực đều có thể làm thất thoát tài sản của nhà nước, lãng phí tiền của, giá trị vật chất của xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với các cấp chính quyền, đôi khi lãng phí còn gây thiệt hại lớn hơn cả tham nhũng. Bởi vậy, chống lãng phí là một chủ trương đúng và cần phải triển khai quyết liệt trong thời gian tới để đảm bảo tài sản công được sử dụng hiệu quả, tài nguyên được khai thác đúng mức, mang lại giá trị cho xã hội.
Cận cảnh 300 bộ phim nhựa nguyên bản của Hãng phim truyện Việt Nam bị hỏng. Ảnh: nghệ sỹ cung cấp |
Tuy nhiên, xử lý tham nhũng thì đã có những chế tài cụ thể, pháp luật quy định cụ thể dễ quy kết và áp dụng chế tài, còn đối với lãng phí thì việc xử lý khó hơn do vấn đề xác định trách nhiệm, xác định nguyên nhân cũng như xác định về lỗi sẽ gặp những trở ngại nhất định.
“Nếu tham nhũng thì tài sản đó vẫn được đưa vào lưu thông, vẫn còn giá trị sử dụng nhưng lãng phí thì tài sản đó sẽ bỏ không, bỏ hoang, thất thoát, bị mất hoặc giảm sút giá trị sử dụng gây thiệt hại cho xã hội mà khó có thể phục hồi được, bởi vậy xác định những tài sản, công trình, dự án gây lãng phí từ đó quy kết trách nhiệm của cơ quan tổ chức cá nhân.
Những lãng phí mà mọi người đều có thể nhìn thấy đó là các dự án được triển khai từ tiền ngân sách nhà nước nhưng lại bị bỏ hoang không đưa vào khai thác sử dụng; những tài sản công mua sắm từ tiền ngân sách nhà nước nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, chất lượng không đảm bảo; những dự án chậm tiến độ, đội vốn dẫn đến không hiệu quả khi đưa vào sử dụng; những tài sản mua sắm với những giá trên trời, không phù hợp với giá thị trường, gây lãng phí tiền của Nhà nước; việc bảo quản, quản lý tài sản công không đúng quy cách, thiếu trách nhiệm dẫn đến hư hỏng, thất thoát....
Cận cảnh 300 bộ phim nhựa nguyên bản của Hãng phim truyện Việt Nam bị hỏng. Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp |
Từ những lãng phí nêu trên, cơ quan chức năng sẽ truy lại trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch mua sắm, quản lý, sử dụng, khai thác, bảo quản ... Những sự lãng phí đó có thể xuất phát từ hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc vì tham nhũng, tham ô, nhận hối lộ mà để kéo theo những hậu quả lãng phí... Bởi vậy tham nhũng và lãng phí đôi khi gắn liền với nhau, vì tham nhũng mà dẫn đến lãng phí, dẫn đến thiệt hại tài sản cho Nhà nước…” - TS. Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường, với những hậu quả lãng phí tài sản công mà có căn cứ xác định đã có hành vi vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật khác về tham nhũng và chức vụ thì sẽ xử lý hình sự đối với những người vi phạm về các tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ, đồng thời những lãng phí, thiệt hại đó là những thiệt hại đã gây ra, xảy ra nên rồi thực hiện hành vi gây thất thoát lãng phí sẽ phải bồi thường thiệt hại và phải chịu chế tài của pháp luật.
Với sự lãnh đạo của Đảng, các chủ trương đúng đắn về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì Nhà nước cũng cần phải hoàn thiện pháp luật về vấn đề này, làm cơ sở để nhận diện những hành vi lãng phí, tiêu cực, làm cơ sở để xác định trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân đối với những lãng phí đó. Trên cơ sở đó sẽ quy trách nhiệm pháp lý, có thể là xử lý hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
TS. Luật sư Đặng Văn Cường |
TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, quản lý tài sản công là một nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng và Nhà nước ta để đảm bảo tài sản công được quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả, biến các tài sản công trở thành nguồn lực để phát triển bộ máy nhà nước, phát triển hạ tầng kỹ thuật, tăng cường sức mạnh của tư liệu sản xuất, làm thay đổi quan hệ sản xuất, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Nhưng lãng phí đó xuất phát từ hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh này.
Thực tế trong quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng thì rất nhiều người có chức vụ quyền hạn đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao dẫn đến thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.
TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, thuộc trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Phạm tội "Gây thiệt hại về tài sản" từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Phạm tội "Gây thiệt hại về tài sản" từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí cũng được áp dụng khá phổ biến trong thời gian qua. Điều 219 Bộ luật Hình sự quy định tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Theo đó, người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, thông thường những hành vi gây thất thoát lãng phí tài sản công trong đó có các tài sản là tài nguyên thiên nhiên, đất đai, các công trình công cộng, các dự án từ tiền ngân sách nhà nước, các tài sản mua từ tiền ngân sách thường sẽ xử lý về tội danh này.
Không phải dự án chậm tiến độ nào cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, từ lỗi của các tổ chức, cá nhân. Có những dự án chậm tiến độ có thể xuất phát từ thay đổi cơ chế chính sách, thay đổi pháp luật, thay đổi môi trường đầu tư hoặc có lỗi của các bên đối tác. Với các dự án chậm tiến độ thì cũng cần phải làm rõ nguyên nhân chủ quan hay khách quan, có lỗi của chủ đầu tư hay không. Nếu đội vốn là do tính toán sai lầm từ khâu thiết kế, lập dự toán thì người tính toán sai lầm đó phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu dự án chậm tiến độ là hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, có lỗi gây thiệt hại thì người có lỗi do thiếu trách nhiệm, do thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 360 Bộ luật Hình sự nêu trên.
Bởi vậy khi phát hiện ra lãng phí thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ lãng phí, đó là nguyên nhân chủ quan hay khách quan, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không, có lỗi của các tổ chức cá nhân có liên quan hay không. Nếu thất thoát lãng phí xuất phát từ những hành vi vi phạm pháp luật, những hành vi có lỗi trong công tác quản lý dẫn đến thiệt hại xảy ra thì khi đó mới quy kết được trách nhiệm pháp lý, xử lý được các cán bộ vi phạm. Còn nếu trường hợp lãng phí là do yếu tố kinh tế thị trường, là thay đổi chính sách pháp luật, hoặc do các nguyên nhân khách quan khác mà không có lỗi của chủ thể quản lý thì cũng không thể quy trách nhiệm được.
“Chống tham nhũng đã là một việc rất khó rồi, chống lãng phí lại còn khó hơn, nếu nôn nóng, chủ quan thì có thể mắc sai lầm, có thể dẫn đến oan sai và quy kết trách nhiệm không đúng đối với tổ chức cá nhân. Để xác định trách nhiệm pháp lý thì cần phải làm rõ nguyên nhân của lãng phí, làm rõ chức trách nhiệm vụ quyền hạn của các tổ chức cá nhân có liên quan, đặc biệt là phải làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra đối với những hành vi vi phạm trong công tác quản lý nếu có. Về nguyên tắc thì trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật, có lỗi và gây thiệt hại. Sự thiệt hại thực tế đã xảy ra hoặc đe dọa xảy ra có nguyên nhân trực tiếp từ hành vi có lỗi của chủ thể quản lý thì khi đó mới có thể có đủ cơ sở pháp lý để quy trách nhiệm, xử lý bằng những chế tài của pháp luật” - TS. Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Đảng viên trẻ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chống lãng phí
Anh Văn Đình Tưởng - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thư Phú (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) cho rằng” “Chống lãng phí là một vấn đề quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn lực tự nhiên, kinh tế và nhân lực đang đối mặt với nhiều thách thức. Nguyên nhân chính là hiện nay gây ra thực trạng lãng phí là sự thiếu ý thức và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức; quy định pháp luật chưa chặt chẽ hoặc thực thi chưa nghiêm minh; thiếu các giải pháp khoa học, công nghệ để tối ưu hóa sử dụng tài nguyên. Theo tôi, để chống lãng phí, chúng ta cần gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiết kiệm và chống lãng phí; tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chống lãng phí; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong quản lý và làm việc để giảm thiểu lãng phí thời gian, nhân lực, và chi phí; can đảm đấu tranh, phê bình các hành vi lãng phí trong tổ chức, cơ quan, và cộng đồng; kiên quyết chống lại các hiện tượng tham nhũng, lợi ích nhóm, hay sử dụng tài sản công không đúng mục đích. Bên cạnh đó, cần đảm nhận vai trò giám sát trong các hoạt động chi tiêu công, sử dụng nguồn lực, thực hiện các dự án, đảm bảo mọi hoạt động được minh bạch và hiệu quả; góp ý, đề xuất các giải pháp cải thiện hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, các chính sách, chủ trương liên quan đến tiết kiệm, chống lãng phí… |
Thực hiện tốt luật dân chủ ở cơ sở
Ông Nguyễn Phúc Khách - Bí thư Chi bộ thôn Dư Xá (xã Thái Hòa, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) cho biết: “Quyết tâm chống lãng phí của TP Hà Nội là rất đúng đắn, phát huy nguồn lực đầu tư từ đất đai, tài nguyên; sử dụng tiết kiệm hiệu quả vốn đầu tư công, “mục tiêu tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn”. Công tác sử dụng đối tượng người tháo gỡ phải là người không nằm trong nút thắt và điểm nghẽn. Theo tôi, các dự án công đòi hỏi phải có người công tâm vì lợi ích chung. Phải xử lý nghiêm minh từ lỗi sai nhỏ đến lỗi sai lớn, phát hiện kịp thời, xử lý không khoan nhượng các hành vi gây lãng phí. Bên cạnh đó, thực hiện tốt luật dân chủ ở cơ sở, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tất cả các công trình được Nhà nước đầu tư, Nhân dân là người được thụ hưởng thì công tác giám sát đầu tư cộng đồng rất quan trọng. Mỗi dự án nên có Ban Giám sát cộng đồng để công việc hiệu quả. Ban này do chính Nhân dân bầu ra”. Cũng theo ông Nguyễn Phúc Khách, trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng. Họ phải nêu được tính gương mẫu, tự giác và chủ động để công việc đạt hiệu quả tốt nhất. |
(Còn nữa)
Bài 1: Lời hiệu triệu mang tính thức tỉnh sâu sắc | |
Bài 2: Hà Nội - Thành phố đầu tiên của cả nước thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại