Bộ LĐ-TB-XH “mở” Cổng dịch vụ công trực tuyến
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSau khi đi vào vận hành, Cổng là địa chỉ duy nhất đối với toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại Bộ LĐ-TB&XH. Trên Cổng sẽ công khai, minh bạch, liên thông, đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính tại Bộ LĐ-TB&XH.
Người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến của Bộ trên Cổng. Ngoài ra, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và đối tượng có thế đánh giá, phản ánh tới từng dịch vụ công trực tuyến của Bộ.
Hiện Cổng đã kết nối với 5 dịch vụ công trực tuyến triển khai trong năm 2016 thuộc 3 lĩnh vực; Quản lý lao động ngoài nước, An toàn lao động, Việc làm. Năm 2017, thực hiện Quyết định 846/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai xây dụng 9 dịch vụ công trực tuyến và Cổng dịch vụ công trực tuyến hiện đã sẵn sàng kết nối với các dịch vụ công trực tuyến nêu trên.
Quá trình triển khai cho thấy, việc xử lý hồ sơ trực tuyến đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, trong đó riêng đối với lĩnh vực quản lý lao động ngoài nước, năm 2017, số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến là trên 30.000, đạt trên 90% tổng số hồ sơ tiếp nhận.
Đối với Dịch vụ công trực tuyến Cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 36a/NQCP, đến nay đã tiếp nhận, xử lý hơn 5.000 hồ sơ điện tử và được triển khai đến 40 Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố.
Khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ LĐ-TB&XH Ảnh: Kim Thanh |
Về dự và phát biểu tại Lễ khai trương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của Bộ LĐ-TB&XH trong việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Phó Thủ tướng cho rằng, đây mới chỉ là bước ban đầu, Bộ LĐ-TB&XH phải có trách nhiệm hướng dẫn các cấp, các địa phương làm tốt các dịch vụ công ở bên dưới và kết nối vào Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, từ đó kết nối vào Cổng dịch vụ công quốc gia.
“Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp thu ý kiến phản hồi của người dùng để cải tiến hệ thống. Phải nhìn từ giác độ người sử dụng chứ không nhìn từ giác độ người cung cấp” – Phó Thủ tướng nói.
Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội có liên quan đến nhiều đối tượng như người dân, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, hoạt động an toàn lao động, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Việc xây dựng và vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ LĐ-TB&XH sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp như: Truy cập một địa chỉ và sử dụng một tài khoản duy nhất để khai báo, theo dõi, quản lý hồ sơ, giúp giảm số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, tiết kiệm thời gian...
Đồng thời, giúp Bộ LĐ-TB&XH việc quản lý thống nhất, tập trung việc giải quyết các thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin, kết quả và đảm bảo kết nối đến Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ.
Năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH xác định cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin là khâu đột phá, trong đó, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng. Theo đó, Bộ sẽ tập trung vận hành tốt Cổng dịch vụ công trực tuyến và bổ sung thêm các dịch vụ công trực tuyến mới trong năm 2017, 2018 (riêng năm 2017 Bộ sẽ triển khai thêm mới 9 dịch vụ công trực tuyến), triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính qua đó góp phần công khai, minh bạch.
Đồng thời đa dạng hóa hình thức triển khai dịch vụ công trực tuyến, tăng cường thêm các tiện ích để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
“Với đặc thù dịch vụ công trực tuyến của lĩnh vực là gắn với người dân, chủ yếu là các đối tượng yếu thế, Bộ sẽ hợp tác với các tập đoàn công nghệ thông tin lớn, áp dụng hình thức thuê dịch vụ để đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân nhanh nhất, tốt nhất”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại