Tự chế pháo nổ là hành vi vi phạm pháp luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCông an TP Móng Cái thu giữ nhiều pháo nổ tự chế trái pháp luật. Ảnh: CATP Móng Cái |
Trả giá đắt vì tự chế pháo nổ
Cứ đến dịp gần Tết Nguyên đán, tình trạng tự chế pháo nổ trái phép để kinh doanh, rao bán qua mạng lại diễn biến phức tạp. Đã có nhiều vụ tai nạn chết người từ pháo nổ tự chế xảy ra, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh với nhiều người, nhất là khi trên mạng xã hội tình trạng mua bán tiền chất chế tạo pháo cũng như những đoạn clip hướng dẫn chế tạo pháo vẫn diễn ra công khai.
Thực tế, gần đây các vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người liên tiếp xảy ra cho thấy một thực tế đáng báo động về tình trạng tự chế pháo nổ. Mới đây, ngày 20/1, tại nhà ông Đỗ Văn Đường (xóm Khê Hiệp, thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) đã xảy ra vụ nổ pháo. Ngay sau đó, người dân địa phương phát hiện em Đ.M. A. (SN 2007, con trai ông Đường) bị thương nên đã đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, em A đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Theo nội dung cơ quan chức năng xác minh ban đầu, trong quá trình nạn nhân tự chế pháo tại nhà thì sự cố xảy ra.
Ngày 8/1, một nam thanh niên 36 tuổi, trú tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã bị dập nát bàn tay và đa chấn thương phần mềm do pháo nổ gây ra. Mới đây, ngày 13/1, một học sinh 15 tuổi tại Nam Định học mua thuốc pháo về tự chế pháo nổ và pháo đã phát nổ ngay trong quá trình chế pháo.
Trước đó, ngày 2/12/2024, một vụ nổ lớn xảy ra tại nhà anh Trần Văn T (SN 1986, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) khiến anh T tử vong tại chỗ, vợ con nạn nhân bị thương. Tại hiện trường, ngôi nhà bị vỡ tường bao, cửa sổ và một số đồ vật bị hư hỏng. Vào cuộc điều tra, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến vụ nổ là do anh T quấn pháo tự chế trong nhà.
Chế tài xử lý hành vi chế tạo pháo nổ
Theo chuyên gia pháp lý, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh chưa nhận thức đầy đủ về tính chất, mức độ, hậu quả về hành vi của mình. Cá biệt, có trường hợp nhận thức được vi phạm nhưng vẫn cố tình sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo nổ để bán kiếm lời, ảnh hưởng đến đời sống, an ninh trật tự và sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Điển hình như mới đây, ngày 9/1, tại thôn 5, xã Quảng Nghĩa, Công an TP Móng Cái phối hợp bắt quả tang Vũ Quang K (SN 2005, trú tại thôn 5, xã Quảng Nghĩa) vận chuyển 7,5kg pháo nổ tự chế. K khai nhận sản xuất pháo cùng Phạm Quốc C (SN 2007, trú tại thôn 4, xã Quảng Nghĩa) nhằm mục đích bán kiếm lời. Khám xét nơi ở của C, lực lượng chức năng thu giữ nhiều nguyên liệu, công cụ để sản xuất pháo.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng pháo nổ trái phép là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý nghiêm minh. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí là án tù.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội viện dẫn, tại Điều 5, Nghị định 137/2020 của Chính phủ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm gồm: nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.
Theo đó, hành vi tự chế tạo, buôn bán pháo tự chế sẽ bị xử lý, xử phạt hành chính theo Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, về trách nhiệm hình sự, nếu hành vi chế tạo pháo nổ có tính chất nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” (Điều 305) hoặc tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” (Điều 190) Bộ luật Hình sự 2015.
Trong đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: thuốc nổ các loại 100kg trở lên; các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn; làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Để ngăn ngừa hành vi chế tạo pháo trong đối tượng thanh thiếu niên… rất cần sự quan tâm, giáo dục quản lý từ nhà trường đến gia đình. Vai trò của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh là rất quan trọng, giúp các em tự nhận thức được mối hiểm họa do hành vi chế tạo và tàng trữ, mua bán pháo nổ…
Bí mật của 3 nam thanh niên trẻ tuổi trong ngôi nhà ở Hải Phòng | |
Bí mật bất ngờ cất giấu trong cửa hàng đồ chơi trẻ em | |
Bất ngờ bên trong thùng giấy của nam thanh niên có hành vi lén lút |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại