Bộ Y tế yêu cầu thanh tra các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em trên cả nước
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Bên trong cơ sở nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: L.T.S |
Trong công văn, Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị, Luật Trẻ em và Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Về công tác truyền thông và giáo dục, các địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và các cấp, các ngành trong việc phát hiện, báo cáo và xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Bộ Y tế cũng yêu cầu hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; đồng thời giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho trẻ em. Bộ Y tế nhấn mạnh việc tiếp tục quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), khuyến khích phát hiện sớm, lên tiếng, thông báo, tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Các tỉnh, TP cần bảo đảm nguồn lực để thực hiện việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị xâm hại và giải quyết, xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại trẻ em ở địa phương. Những cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc cũng sẽ bị xử lý.
Ngoài ra, các địa phương được yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn bộ các cơ sở có thực hiện hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Việc thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Trẻ em và các quy định của pháp luật có liên quan. Xử lý kịp thời các cơ sở hoạt động không đăng ký, tự phát, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật. Các địa phương báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế trước ngày 15/5/2025.
Về vụ việc tại cơ sở Thập Thiện, theo Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lâm Đồng, đây không phải là cơ sở tôn giáo hợp pháp do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý. Năm 2014, chủ đất là ông Tống Nho đã hiến tặng cho Hòa thượng Thích Viên Thanh - Trụ trì Thiền viện Vạn Hạnh. Từ năm 2014 đến 2023, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng nhiều lần có đơn xin hợp thức hóa, đăng ký điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung tại đây nhưng đến nay chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Nguyễn Đắt Vũ từng mang pháp danh Thích Vạn Chánh và sinh hoạt tại một ngôi chùa ở TP Đà Lạt. Tháng 10/2024, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã xử lý, tẩn xuất, tước tăng tịch của Nguyễn Đắt Vũ vì vi phạm đạo hạnh.
Hiện tại, 3 trong số 7 trẻ em bị xâm hại đã được gia đình đón về nơi cư trú, 4 trẻ còn lại được một cơ sở Phật giáo hợp pháp trên địa bàn TP Đà Lạt đón về chăm sóc.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại