Các lực lượng y tế trên cả nước nỗ lực hỗ trợ miền Nam chống dịch
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTăng cường chuyên gia Bộ Y tế đến điểm nóng
Với các điểm nóng như Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bộ Y tế đã thành lập và cử 7 đoàn công tác đến hỗ trợ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, liên tục trong mấy ngày vừa qua, các chuyên gia của Bộ đã đến một số điểm nóng để kiểm tra và có những chỉ đạo kịp thời về công tác phòng chống dịch.
Tại TP HCM, tổ công tác của Bộ Y tế đã phối hợp cùng Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, ngành y tế dự phòng khảo sát thực tế công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Củ Chi.
Khảo sát các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại đây, các thành viên đoàn đã góp ý với ban lãnh đạo Cty về việc bố trí, sắp xếp các tài liệu truyền thông, các vật tư phòng chống dịch (khẩu trang, khử khuẩn, kính chắn giọt bắn), bố trí sắp xếp tại nhà ăn, phòng y tế, phòng cách ly tạm thời…
Đối với Bình Dương, qua làm việc với ngành y tế tỉnh, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế bổ trợ chống dịch Covid-19 đã có những trao đổi, “hiến kế” với ngành y tế tỉnh Bình Dương trong công tác tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, truy vết ca bệnh. Về chiến lược xét nghiệm, GS-TS. Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng tầm soát được trong toàn cộng đồng để đánh giá rõ ràng về tình hình và nguy cơ lây nhiễm của toàn tỉnh để truy vết khoanh vùng sớm. Tuy nhiên công tác tổ chức và triển khai lấy mẫu cần phải có chiến lược.
Đối với phương pháp khẳng định RT-PCR, với năng lực hiện tại thì khả năng trả lời kết quả trong 24g trong khi số lượng mẫu quá lớn sẽ khó có thể đảm bảo được. Do đó, tỉnh cần cân đối số lượng mẫu, mẫu lấy cần có tập trung, trọng điểm ở những khu vực nguy cơ cao. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, chiến lược phối hợp giữa test nhanh và PCR sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong công tác truy vết. Theo đó, tỉnh cần ưu tiên thực hiện test nhanh, cho kết quả sớm, từ đó kịp thời nhận diện những mẫu có nguy cơ và khẳng định bằng PCR.
GS-TS. Trương Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương trao đổi với GĐ Trung tâm Y tế Quận Gò Vấp về công tác xét nghiệm |
Khi làm việc tại Đồng Tháp, Đoàn công tác của Bộ Y tế tại Đồng Tháp đã đề xuất tỉnh Đồng Tháp giãn cách 1 số vùng trong tỉnh theo chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 339/UBND-THVX ngày 10-7-2021 về việc thắt chặt cách ly xã hội trong phòng chống dịch tại một số địa phương gồm: TP Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Cao Lãnh. Việc giãn cách xã hội thực hiện trong vòng 15 ngày trên nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, khóm/ấp cách ly với khóm/ấp, xã/phường/thị trấn cách ly với xã/phường/thị trấn, huyện/TP cách ly với huyện/TP.
Cùng đó, tại Đồng Nai, tổ hỗ trợ công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu cách ly tập trung. Qua buổi làm việc với các đơn vị, tổ công tác đã đưa ra những giải pháp đáp ứng công tác an toàn phòng Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu cách ly tập trung.
Cụ thể, đối với hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm, địa phương cần sớm có kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm nhanh và tổ chức lấy mẫu cho công nhân theo đúng quy định trong quyết định 2787/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Với hoạt động phòng, chống dịch trong khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện Tân Phú: cần giám sát, điều tiết/phân luồng cho đối tượng cách ly, tránh tập trung đông người gây lây nhiễm chéo; Bổ sung nhiệt kế theo dõi nhiệt độ cho đối tượng cách ly hoặc cho từng phòng để tự theo dõi sức khỏe, giảm thiểu tiếp xúc của nhân viên y tế với các đối tượng cách ly, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; Hạn chế nhận đồ tiếp tế từ bên ngoài, gây phát sinh lượng lớn chất thải nguy hại cần phải xử lý và tránh liên quan đến an toàn thực phẩm; Trang bị thêm loa cầm tay cho khu cách ly để tiện thông báo, nhắc nhở trong khu cách ly…
Khi làm việc tại Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Tổ công tác truy vết, xét nghiệm, vệ sinh môi trường của Viện Pasteur Nha Trang l đã đề nghị Sở Y tế và các bộ phận liên quan trang bị cho các huyện/thị xã các dụng cụ lấy mẫu và bảo quản mẫu phù hợp (que lấy dịch tỵ hầu, giá đựng ống mẫu). Đảm bảo việc sắp xếp mẫu thứ tự, nhập liệu danh sách ngay khi lấy mẫu, hoặc cần lập danh sách lấy mẫu trước, lấy mẫu theo thứ tự để giúp cho việc xử lý mẫu nhanh chóng đưa vào xét nghiệm.
Ban chỉ đạo tỉnh cần triển khai thiết lập gấp các phòng xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 vệ tinh để đáp ứng được lượng mẫu xét nghiệm cho toàn tỉnh và lựa chọn sinh phẩm có thời gian xét nghiệm nhanh (sinh phẩm tách chiết, sinh phẩm realtime RT-PCR) để rút ngắn thời gian sớm nhất trả kết quả xét nghiệm.
Đối với công tác điều trị, các chuyên gia nhận định, do biến chủng Delta nên tỷ lệ tử vong có thể cao hơn trước và có thể sẽ có nhiều bệnh nhân tử vong hơn so với những đợt dịch trước. Vì vậy Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, TP phải thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) đối với bệnh nhân Covid-19 nặn;, đồng thời thiết lập 2 trung tâm ICU tại tại Đồng Nai cho khu vực miền Đông Nam Bộ và tại Cần Thơ cho các tỉnh miền Tây để đều trị trị cho bệnh nhân nguy kịch.
Phát huy hết vai trò của đội ngũ cán bộ y tế
Trước diễn biến dịch tại TP HCM phức tạp, Bộ Y tế đã điều động gần 10.000 cán bộ nhân viên y tế chi viện cho TP HCM để giúp TP đáp ứng với diễn biến của dịch, đồng thời nhằm bố trí thay đổi nhân lực (với các biện pháp luân chuyển, “đảo quân”) để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại TP HCM.
Cùng đó, Bộ Y tế cử 25 cán bộ là lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, trường trực thuộc Bộ Y tế tới TP HCM để tham gia Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế-theo sự phân công của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn-Thứ trưởng Bộ Y tế để trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch tại TP Thủ Đức và các quận, huyện của TP HCM. Đồng thời, Bộ Y tế cử GS-TS. Lê Thị Quỳnh Mai-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chuyên gia hàng đầu về xét nghiệm vào TP HCM hướng dẫn TP triển khai công tác xét nghiệm.
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng dịch tại Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM |
PGS-TS. Nguyễn Trường Sơn-Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP HCM chống dịch cho biết: Đến ngày 9-7 TP HCM đã có 2.500 đội lấy mẫu xét nghiệm với 4.000 người. Công suất lấy mẫu đạt 350.000 - 400.000 mẫu/ ngày, phù hợp với năng lực xét nghiệm của 20 đơn vị xét nghiệm trên địa bàn. Đồng thời, bộ phận thường trực đã chuẩn bị 500.000 test nhanh và đã phân bổ về một số quận huyện và đơn vị xét nghiệm của TP HCM để phục vụ công tác xét nghiệm.
Để hỗ trợ TP HCM thực hiện xét nghiệm, GS-TS. Lê Thị Quỳnh Mai-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang có mặt tại TP HCM cho biết, đã triển khai việc hướng dẫn một đội lấy mẫu test nhanh cho các nhà máy, đảm bảo thực hiện được 3 ngày lấy mẫu/1 lần.
Nhằm hỗ trợ toàn diện cho TP HCM, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã phối hơp cùng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP tổ chức tập huấn cho các đơn vị trên địa bàn TP về các phương án phòng, chống dịch Covid-19 khi có trường hợp mắc bệnh tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp.
Ông Dương Chi Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế nhấn mạnh: Hiện nay, cơ bản các DN đã khắc phục được những lúng túng đó, tuy nhiên các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cần quyết liệt và mạnh mẽ hơn, cảnh giác hơn, tuân thủ nghiêm theo đúng Quyết định 2787/QĐ-BYT. Việc chủ động các biện pháp giúp doanh nghiệp xử lý các tình huống tốt hơn, khống chế dịch bệnh tốt hơn, đảm bảo an toàn cho người lao động và DN.
Bên cạnh đó, Tổ công tác thực hiện cách ly xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP HCM đã phối hợp với ngành y tế TP kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Khu chế xuất Tân Thuận và kịp thời chấn chỉnh tình trạng người lao động còn tập trung đông, chưa đảm bảo giãn cách ở khu vực lấy mẫu xét nghiệm. Tổ đề xuất phương án tốt nhất là nên thực hiện lấy mẫu ngay tại từng công ty, tránh việc người lao động của nhiều công ty tập trung tại một điểm, khiến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao…
Đối với công tác điều trị, các chuyên gia nhận định, do biến chủng Delta nên tỷ lệ tử vong có thể cao hơn trước và có thể sẽ có nhiều bệnh nhân tử vong hơn so với những đợt dịch trước. Vì vậy Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh, TP phải thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) đối với bệnh nhân Covid-19 nặng; đồng thời thiết lập 2 trung tâm ICU tại tại Đồng Nai cho khu vực miền Đông Nam Bộ và tại Cần Thơ cho các tỉnh miền Tây để điều trị cho bệnh nhân nguy kịch.
Hiện các lực lượng y tế chi viện cho TP HCM và Nam Bộ chống dịch vẫn đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho miền Nam ruột thịt. Khi tất cả đồng lòng hướng đến một ý chí, quyết tâm với mục tiêu chung là khống chế, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh thì chúng ta tin rằng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. Điều cần thiết đối với mỗi chúng ta là nghiêm túc thực hiện quy định 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập) và thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi đến lượt.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại