Cán bộ Đoàn sáng tạo với các mô hình chuyển đổi số
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Anh Lê Văn Hoàn (ngoài cùng bên trái) trao tặng mã QR cho các hộ kinh doanh tại mô hình điểm “Tuyến phố 4.0” xã Đại Đồng. Ảnh: NVCC |
Điểm sáng mô hình “Tuyến phố 4.0”
Hình ảnh người dân quét mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt tại xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã trở thành thói quen hàng ngày nhờ mô hình “Tuyến phố 4.0” do Đoàn thanh niên huyện Thạch Thất triển khai, thực hiện. Đảm nhận vai trò “thủ lĩnh” trong sáng kiến chuyển đổi số là anh Lê Văn Hoàn (SN 1990), Bí thư Huyện đoàn Thạch Thất.
Anh Lê Văn Hoàn cho biết, “Tuyến phố 4.0” xã Đại Đồng là mô hình điểm của tuổi trẻ huyện Thạch Thất. Sau gần một năm triển khai mang lại hiệu quả rõ rệt, bước đầu đã hỗ trợ 120 hộ kinh doanh, quầy hàng, thực phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang, dịch vụ ăn uống mở tài khoản và cung cấp miễn phí mã QR code và biển in mã QR code để thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhiều người dân đánh giá cao về mô hình điểm, tạo sự thuận tiện, nhanh chóng. Trước đây, thay vì chuẩn bị tiền lẻ, ví tiền, nhiều người dân giờ chỉ cần mang theo điện thoại có kết nối mạng internet mỗi khi đi chợ, bởi mỗi quầy hàng đồ khô, quầy thịt, đồ ăn vặt… đã được trang bị mã thanh toán QR, hoặc số tài khoản ngân hàng …nên việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời “việc thanh toán không dùng tiền mặt” tạo thuận lợi cho cả tiểu thương và khách hàng khi mua bán vừa an toàn, vừa tránh nhầm lẫn. Hoạt động này còn đảm bảo vệ sinh, bởi tâm lý nhiều khách hàng cảm thấy khó chịu khi nhận lại tiền thừa bị dính thịt hay cá từ tiểu thương. Thông qua mô hình giúp nâng cao năng lực số, góp phần xây dựng các công dân số, xã hội số.
Bên cạnh sự thuận tiện, triển khai mô hình “Tuyến phố 4.0” vẫn có nhiều khó khăn. Một số hộ kinh doanh lớn tuổi khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin còn thấp, không có điện thoại thông minh, nên không biết cách sử dụng, truy cập để thực hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, do tâm lý và thói quen, nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận tiền mặt là một công cụ được ưa chuộng trong thanh toán và từ lâu đã trở thành thói quen khó thay đổi của người tiêu dùng.
Đồng thời, không ít lần xảy hệ thống giao dịch ngân hàng bị nghẽn mạng nên việc thực hiện giao dịch còn chậm, thanh toán nhưng không nhận được ngay… Hành lang pháp lý thuộc lĩnh vực giao dịch, thanh toán điện tử chưa đồng bộ nên dẫn đến rủi ro trong thanh toán không dùng tiền mặt. Trước thách thức trên, tuổi trẻ huyện Thạch Thất đã tăng cường hoạt động tuyên truyền thường xuyên, tích cực, nâng cao nhận thức đầy đủ cho người dân về các tiện ích khi thanh toán không dùng tiền mặt.
“Phiên chợ điện tử” các sản phẩm OCOP
Nhằm kích cầu sản phẩm OCOP địa phương, anh Lê Văn Hoàn đã chủ động kết nối hoạt động “Phiên chợ điện tử” trên nền tảng số. Thông qua hoạt động phiên livestream bán hàng OCOP, với các sản phẩm truyền thống như: chè kho Quý Trụ, Chè kho Bằng An, chè kho Dã Thảo, chè lam Đại Đồng, kẹo lạc Đại Đồng... của các hộ sản xuất kinh doanh địa phương.
![]() |
Anh Lê Văn Hoàn trao quà cho các hộ gia đình khó khăn. Ảnh: NVCC |
Bằng việc kết nối trực tuyến sản phẩm OCOP của các xã, thị trấn là giải pháp kịp thời hỗ trợ các nông dân có sản phẩm OCOP và nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền đến với hệ thống phân phối và người tiêu dùng. Mở ra hướng tháo gỡ khó khăn nhằm giúp các chủ sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Sau phiên livestream hơn một giờ đồng hồ, phiên chợ điện tử đã có 98 sản phẩm được chốt đơn với trị giá 6.450.000 đồng.
“Từ mô hình điểm được triển khai, thời gian tới, Hội nông dân huyện Thạch Thất và Huyện đoàn Thạch Thất tiếp tục phối hợp doanh nghiệp địa phương tổ chức các phiên chợ điện tử bán hàng livestream tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện” - anh Lê Văn Hoàn cho biết.
Trên cương vị “thủ lĩnh” đoàn, hội, năm 2024, anh Lê Văn Hoàn đã chủ động tham mưu cho tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Huyện đoàn Thạch Thất chỉ đạo toàn đoàn thực hiện nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo, thu hút đông đảo sự tham gia của đoàn viên, thanh niên, thanh thiếu nhi và toàn xã hội quan tâm.
Các hoạt động cụ thể: tổ chức chương trình Phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật trong thanh niên khối trường học; tổ chức các buổi tuyên truyền phong trào thanh niên Thạch Thất tình nguyện viết đơn lên đường bảo vệ Tổ quốc, thăm hỏi động viên và tuyên dương thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tình nguyện đăng ký lên đường nhập ngũ; đăng cai tổ chức chương trình Ngày hội văn hóa thể thao trong thanh niên dân tộc và tín đồ tôn giáo trên địa bàn TP Hà Nội; chỉ đạo tổ chức Đại hội Hội LHTN Việt Nam cấp cơ sở đồng loạt và tập trung theo 3 cụm trên địa bàn huyện; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Đoàn triển khai thực hiện tốt phần mềm quản lý đoàn viên, app Thanh niên Việt Nam.
Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, anh Lê Văn Hoàn đã chỉ đạo 100% cơ sở Đoàn tham gia phối hợp với lực lượng Công an, Tổ công nghệ số trên địa bàn các xã, thị trấn tổ chức các đợt ra quân hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt ứng dụng VneID, iHaNoi. Vì vậy, tỉ lệ cài đặt các ứng dụng đạt kết quả cao.
Với các thành tích tiêu biểu, anh Lê Văn Hoàn được trao tặng Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam năm 2024, danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, danh hiệu “Người tốt – Việc tốt” cấp huyện năm 2023, danh hiệu “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi” cấp Thành phố năm 2024. |
Nữ cán bộ tích cực với hoạt động du lịch cộng đồng | |
Cuộc điện thoại bất ngờ từ Phòng Cảnh sát giao thông |
![Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại](https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/modules/frontend/themes/plxh/images/pc/qr-code.jpg?v=2.620250124154516)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại