Thứ tư 09/07/2025 19:22

Cảnh báo biến chứng sốt xuất huyết nặng ở trẻ thừa cân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố tiếp nhận một trường hợp bé trai 12 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh bị sốc sốt xuất huyết trên cơ địa thừa cân béo phì với cân nặng 83kg.
Cảnh báo biến chứng sốt xuất huyết nặng ở trẻ thừa cân
Trẻ được điều trị tích cực và đã qua giai đoạn nguy hiểm. Ảnh: BVCC

Qua khai thác bệnh sử cho thấy, trẻ sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4 của bệnh, trẻ biểu hiện đau bụng, nôn ra dịch nâu, tay chân lạnh nên người nhà đưa trẻ nhập Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

Tại đây, trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng N4, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp nặng trên trẻ thừa cân béo phì. Các bác sĩ tiến hành truyền dịch cao phân tử dextran 40 10%, albumin 10%, chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, đo áp lực bàng quang, dùng các thuốc vận mạch phối hợp.

Ngoài ra, trẻ được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, thở máy không xâm nhập và được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, vitamin K1, điều trị hỗ trợ gan. Qua gần 7 ngày điều trị, trẻ bình phục dần, tỉnh táo, tự thở khí trời, chức năng gan thận trở về bình thường.

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, qua tham khảo y văn thế giới và qua điều trị nhiều trường hợp sốc sốt xuất huyết, các trường hợp thường diễn tiến nặng, bất thường gây khó khăn trong điều trị như: trẻ cơ địa thừa cân béo phí, trẻ nhũ nhi, bệnh vào sốc sớm ngày 3 - 4, tình trạng cô đặc máu nhiều…

Qua trường hợp này, BSCKII Nguyễn Minh Tiến lưu ý phụ huynh nên cho trẻ đi khám bệnh sớm để được các bác sĩ thăm khám, xác định bệnh chính xác và có kế hoạch điều trị cụ thể cho trẻ. Phụ huynh khi thấy con em mình sốt cao trên 2 ngày, có một trong các dấu hiệu: bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng, nôn; tay chân lạnh, lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống... cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện kể cả trong đêm.

Hiện nay đã có vaccine tiêm ngừa sốt xuất huyết dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý cho con em mình ăn uống theo chế độ ăn hợp lý theo lứa tuổi, được tư vấn bởi chuyên gia dinh dưỡng để tránh nguy cơ thừa cân béo phì, khi mắc sốt xuất huyết điều trị rất khó khăn, trẻ dễ bị biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan thận…

Trẻ nhiễm giun sán chó mèo: biểu hiện dễ nhầm với bệnh ngoài da
Lấy sỏi san hô dài 6cm nặng 100g khỏi thận người đàn ông 46 tuổi
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động