Thứ tư 14/05/2025 11:16

Chủ trương cấm xe máy ở các TP lớn - Khi nào thực hiện?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Cấm xe máy là một đề xuất được đưa vào Nghị quyết 88/2011 ngày 24-8-2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đã 2 năm trôi qua, đề xuất ấy vẫn đang như giấc ngủ say.

Mới đây, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã “hâm nóng” chủ đề này khi trả lời báo chí khẳng định chủ trương cấm xe máy là hoàn toàn đúng đắn và triển khai càng nhanh càng tốt.

Cấm xe máy là điều cần thiết?

Ngay khi Nghị quyết 88/NQ-CP được ban hành, có nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm xe máy ở các TP lớn như Hà Nội, TP HCM… là điều hết sức cần thiết. Điều cần thiết ấy được thuyết phục bởi những lý do là mức độ gia tăng các loại phương tiện cá nhân quá nhanh, kéo theo là sự ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông kéo dài trong giờ cao điểm… mà thủ phạm là những chiếc xe máy. Trước thực trạng hạ tầng giao thông phát triển không kịp với sự gia tăng về số lượng phương tiện cá nhân, phần lớn là xe gắn máy, một số ý kiến tỏ ra đồng tình với chủ trương cấm xe máy trong tương lai.

Hiện nay, đề xuất cấm xe máy ở các TP lớn của chúng ta mới đang là chủ trương, thực hiện được đến đâu còn phải chờ đợi thời gian. Nhìn ra thế giới, ở các nước đã có những TP “không xe máy” như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu (Trung Quốc); TP Yangon (Myanmar)… “cái được” trước tiên bất cứ ai cũng phải thừa nhận, đó là mĩ quan đô thị nâng lên, kèm theo là ô nhiễm môi trường giảm xuống. Nếu nhìn vào thực tế tham gia giao thông ở những TP không xe máy đó để so sánh với hình ảnh giao thông đô thị ở Hà Nội hay TP HCM của Việt Nam, chúng ta sẽ nhận thấy rõ sự khác biệt về tình trạng ùn tắc, và không ít người sẽ phải ao ước đến một ngày, mình được tham gia giao thông ở một TP “không xe máy” như thế.

Hiện cả nước có khoảng 37 triệu phương tiện tham gia giao thông đang được lưu hành; trong đó, riêng Thủ đô Hà Nội có khoảng 4,4 triệu xe cơ giới cá nhân, TP HCM khoảng 5,5 triệu xe, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ từ 500.000-800.000 xe. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông hiện mới chỉ đạt từ 5-6% so với quỹ đất xây dựng đô thị, vận tải hành khách công cộng mới chỉ đáp ứng 9-10% nhu cầu đi lại của người dân. Nếu chủ trương cấm xe máy trở thành hiện thực thì sự tác động đến cuộc sống người dân và sự phát triển của xã hội sẽ như thế nào?

Đến khi nào xe máy không còn là thủ phạm gây ùn tắc và ô nhiễm trên đường phố Hà Nội? Ảnh: Nguyễn Khuê

Ai đồng tình, ai phản đối?

Khi Nghị quyết 88/NQ-CP được Chính phủ ban hành, có rất nhiều ý kiến trái chiều về chủ trương cấm xe máy nêu tại mục đ, điểm 7 của Nghị quyết này.

Chắc chắn một điều rằng, đại đa số ý kiến ủng hộ là những người đang cảm thấy bị ảnh hưởng xấu bởi xe máy như nguy cơ gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông… và họ là những người đang sử dụng phương tiện công cộng, hoặc ô-tô riêng làm phương tiện đi lại. Ngược lại, một bộ phận người dân chưa từng dám nghĩ đến chuyện có một chiếc ô-tô riêng là phương tiện cá nhân, hay không thể sử dụng phương tiện công cộng để mưu sinh; thậm chí xe máy đang là cần câu cơm nuôi sống cả gia đình thì đương nhiên họ sẽ không thể đồng tình với chủ trương cấm xe máy.

Anh Nguyễn Văn Hải, trú tại quận Tây Hồ cho rằng: “Tôi làm việc trong cơ quan Nhà nước nên ít phải đi lại trên đường. Nhưng mỗi lần đánh ô-tô ra đường, nhìn thấy cảnh hỗn độn giao thông ở các nút giao thông mà thấy ớn. Mật độ phương tiện tham gia giao thông cao đã đành, nhiều người điều khiển xe máy cón thiếu ý thức tự giác trong chấp hành Luật Giao thông đường bộ như lạng lách, tranh giành nhau từng cen-ti-met để cố ngoi lên trước… khiến những chiếc ô-tô vì thế mà có khi phải “chậm oan” cả một nhịp đèn. Như thế thì giao thông không ùn tắc sao được?”

Trái chiều với ý kiến của anh Hải, anh Nguyễn Văn Bàn, quê Nam Định, làm nghề chở xe ôm ở khu vực bến xe Giáp Bát tỏ ra bất đồng quan điểm: “Vợ tôi bị bệnh tim nên không làm được việc nặng, một mình tôi với chiếc xe máy này phải nuôi sống cả gia đình, 2 con đều đi học. Nếu cấm xe máy, tôi lấy gì để nuôi các con ăn học, chẳng lẽ lại để các con phải truyền kiếp nghề trồng lúa hay sao”?!

Tương tự hoàn cảnh anh Bàn, chắc hẳn sẽ không ít người đặt câu hỏi: “Cấm xe máy, người dân đi bằng gì?”. Có câu trả lời thật đơn giản là: “Cấm xe máy thì hãy đi bằng những thứ không phải là xe máy”! Thế nhưng, đâu phải lúc nào cũng có những thứ làm phương tiện thay thế được xe máy? Điều đó chúng ta cần nhìn vào thực trạng hạ tầng giao thông của chúng ta.

Hãy để người dân nhìn thấy tính khả quan

Bạn đọc Đỗ Trung Tính, một nghiên cứu sinh từ Ấn Độ cho biết: Tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã có hệ thống tàu điện ngầm phát triển từ rất lâu, nhưng ở Ấn Độ mới chỉ cấm xe máy ở một số tuyến phố trong khu phố cổ, mà chưa có một TP nào cấm xe máy. Thế nhưng, nhìn vào mật độ tham gia giao thông ở New Delhi sẽ nhận ra một điều, rất ít người dân sử dụng phương tiện cá nhân là xe máy”.

Lý do người dân tự ý bỏ xe máy ở thủ đô New Delhi mà anh Tính cho biết: “Phấn lớn người dân ở đây đã hình thành một ý thức hạn chế phương tiện cá nhân để giảm chi phí, đảm bảo sức khỏe và chủ động về giờ giấc. Còn số ít người cần thiết phải sử dụng phương tiện cá nhân để chủ động và phù hợp với đặc thù công việc hơn. Để người dân có thói quen sử dụng các loại phương tiện công cộng, trước hết, Nhà nước phải để cho người dân nhận ra tiện ích của việc sử dụng phương tiện công cộng, bên cạnh đó là sự thiệt hơn, và ưu điểm vượt trội của việc sử dụng phương tiện công cộng với sử dụng phương tiện cá nhân. Và cũng đâu cần phải cấm, người dân sẽ tự giác bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng mà thôi”.

Anh Tính cũng mạnh dạn đưa ra ý kiến: “Tôi nghĩ rằng, việc cấm xe máy ở các TP lớn tại Việt Nam là điều sớm muộn cần phải làm. Nhưng để chủ trương này đạt hiệu quả, và để lại ít hệ lụy, Bộ GTVT cũng như các Bộ, ban, ngành khác nên để cho người dân có ý thức tự giác trước khi quyết liệt thực hiện “lệnh cấm”. Đó là cần xóa bỏ tình trạng chen chúc, dân hai ngón… trên xe buýt; không còn tình trạng xe buýt bỏ bến, khiến người dân bị lỡ chuyến, muộn giờ làm; các phương tiện công cộng có thể đưa và đón người dân đi làm bằng một khoảng cách gần nhất, đừng để người dân phải đi bộ hàng km trong ngõ hẻm để đến các bến xe buýt…”.

Luật sư Vũ Lợi, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm với chủ trương cấm xe máy ở TP lớn được đề xuất: “Để xóa sổ xe máy ở các TP lớn như Hà Nội hay TP HCM, tôi cho rằng, bằng biện pháp duy trì và thực thi pháp luật của chúng ta thì không khó. Có điều, đến bao giờ chúng ta có thể thành công chủ trương này? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào quá trình nâng cấp hạ tầng giao thông. Nhìn vào thực tế, chúng ta có thể đặt câu hỏi với các cơ quan chức năng: “Đến khi nào diện tích mặt đường của các tuyến phố có thể rộng hơn, để đáp ứng sự gia tăng các phương tiện cá nhân là ô-tô? Mất bao nhiêu năm nữa thì người dân có thể sử dụng hệ thống tàu điện Metro làm phương tiện đi lại thông dụng hơn cả xe buýt hiện nay? Liệu chúng ta có thể có những bãi xe đạp công cộng, để người dân sử dụng từ bến tàu Metro, bến xe buýt để qua các con ngõ hẻm đi vào nhà mình như ở Ấn Độ? Và mục tiêu cuối cùng là chúng ta thực hiện thành công chủ trương cấm xe máy thì đại đa số người dân đã tự có ý thức sử dụng phương tiện công cộng, mà cuộc sống người dân không bị xáo trộn”.

Luật sư Lâm Văn Quang, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội đề xuất: “Nếu thực hiện chủ trương cấm xe máy ở các TP lớn, Nhà nước cần tính đến phương tiện thay thế cho những người đang mưu sinh bằng phương tiện cá nhân là xe máy. Hoặc là cần có “quy hoạch” cấp phép cho một số đối tượng người dân sử dụng xe máy để mưu sinh, như chúng ta đang cấp phép cho xe taxi hoạt động… Tuy nhiên, mỗi người dân cũng hãy vì mục tiêu phát triển của xã hội Việt Nam, đừng quá phụ thuộc hay ỷ lại vào chính sách để rơi vào cảnh tê liệt nếu bị cấm xe máy, mà cần chủ động đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào sự phát triển chung của đất nước”.

Nguyễn Khuê

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Bình luận
Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động